Phát biểu nhậm chức như diễn văn chiến thắng của ông Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người lên nắm quyền trở lại nhờ làn sóng bất mãn của cử tri với tình hình quốc gia hiện tại, đã hứa hẹn về một "kỷ nguyên hoàng kim" mới cho nước Mỹ trong bài diễn văn nhậm chức hôm 20/1.
Nhưng trước khi vạch ra những gì thời đại mới sẽ mang lại, ông đã vẽ nên bức tranh đen tối về tình hình chính trị hiện tại của Mỹ trong bài phát biểu gần 3.000 từ, dài gấp đôi so với diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ đầu năm 2017.
Tổng thống Mỹ Donald Trump khép lại diễn văn nhậm chức của mình tại Washington ngày 20/1. Ảnh: AP
Trong lúc người tiền nhiệm của ông, cựu tổng thống Joe Biden, và các thành viên cấp cao đảng Dân chủ ngồi trầm ngâm ở một bên, Tổng thống Trump cho biết chính phủ Mỹ đang phải đối mặt với "cuộc khủng hoảng lòng tin". Ông lên án việc chính quyền cũ "vũ khí hóa" Bộ Tư pháp một cách "tàn bạo, bạo lực và bất công" nhằm điều tra và cố gắng truy tố ông vì phản đối kết quả bầu cử năm 2020.
Ông tuyên bố bản thân có nhiệm vụ đảo ngược "những hành vi phản bội khủng khiếp", đồng thời chỉ trích "một nhóm cực đoan và tham nhũng" mà ông cho là đã bòn rút quyền lực, của cải từ người dân Mỹ.
Theo bình luận viên Anthony Zurcher từ BBC, đây là những lời lẽ hùng biện dân túy, chống lại giới tinh hoa vốn đã quen thuộc trong các bài phát biểu của ông Trump xuyên suốt một thập kỷ qua. Tuy nhiên, không giống như khi từ một doanh nhân trở thành tổng thống trong nhiệm kỳ đầu, ông hiện là đại diện nổi bật nhất cho giới tinh hoa Mỹ. Và ngồi sau ông bây giờ là tập hợp những lãnh đạo doanh nghiệp giàu có và nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới.
Trước khi nhậm chức, ông đã tuyên bố về hàng trăm sắc lệnh, chỉ thị hành pháp sẽ thực hiện ngay trong ngày đầu tiên làm việc, bao phủ hàng loạt vấn đề từ nhập cư, năng lượng, thương mại, giáo dục đến các vấn đề văn hóa nóng hổi.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Trump đã nêu chi tiết vài kế hoạch trong số đó. Ông cam kết sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về năng lượng và nhập cư, cho phép ông triển khai binh sĩ Mỹ đến biên giới, hạn chế quyền của những người xin tị nạn và mở lại các vùng đất liên bang rộng lớn để khai thác năng lượng. Ông lặp lại lời cam kết đổi tên Vịnh Mexico thành "Vịnh Mỹ" và giành lại kênh đào Panama.
Ông đưa ra tuyên bố vô căn cứ rằng Trung Quốc đang khai thác tuyến đường hàng hải quan trọng này và khẳng định các tàu của Mỹ, trong đó có cả tàu hải quân, đang phải trả quá nhiều phí quá cảnh. Đây có lẽ là một gợi ý về mục tiêu thực sự trong các cuộc đàm phán tương lai giữa Mỹ với chính phủ Panama, giới quan sát đánh giá.
Theo Matthew Kroenig, phó chủ tịch kiêm giám đốc cấp cao Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, trụ sở tại Washington, trong khi tân Tổng thống nhấn mạnh mục tiêu đạt được "hòa bình thông qua sức mạnh" về chính sách quốc phòng và thậm chí cam kết thực hiện sứ mệnh đưa phi hành gia Mỹ lên cắm cờ trên sao Hỏa, về cơ bản đây vẫn là bài phát biểu "nước Mỹ trên hết".
Diễn văn của ông chủ Nhà Trắng lần này có những chủ đề tương tự bài phát biểu nhậm chức đầu tiên cách đây 8 năm: Mở đầu bằng bản cáo trạng toàn diện về đất nước mà ông kế thừa từ người tiền nhiệm và những lời hứa lớn lao sẽ giải quyết các vấn đề mà quốc gia đang phải đối mặt.
Ngày 20/1/2017, Trump đã mô tả về một "cuộc tàn sát của nước Mỹ" và hứa sẽ chấm dứt nó ngay lập tức.
Đúng 8 năm sau, trước khoảng 600 đồng minh, quan chức và thành viên gia đình bên trong Đồi Capitol, ông tuyên bố "đà suy tàn" của đất nước sẽ chấm dứt ngay lập tức.
Tổng thống sau đó đã thêm một danh sách dài các chính sách nghe giống Thông điệp Liên bang hơn là bài phát biểu trong ngày nhậm chức. Tuy nhiên, theo hãng thông tấn AP, chủ đề cơ bản vẫn là "Trump - vị cứu tinh của đất nước".
Với vị thế mạnh mẽ hơn nhiều so với trước đây, Tổng thống đã thể hiện rõ phong thái tự tin và lần này ông nói nhiều hơn về bản thân mình. Tổng thống gọi ngày 20/1/2025 là "ngày giải phóng" và sử dụng các từ như "sức mạnh" hay "chiến thắng" khi tuyên bố về những hành động đầu tiên của mình sau khi nhậm chức. Tuyên bố "chấm dứt đà suy tàn của nước Mỹ" khiến Trump giống như một "đấng cứu thế".
Ông liên tục trình bày bài phát biểu ở ngôi thứ nhất, nói nhiều về những trải nghiệm cá nhân, như loạt rắc rối pháp lý hay vụ ám sát hụt khiến ông bị thương ở Butler, Pennsylvania, vào năm ngoái.
Từ được ông nhắc đến nhiều nhất là "tôi", với 124 lần, gấp gần hai lần so với năm 2017, khiến bài phát biểu không khác gì một "diễn văn chiến thắng", theo Rusty Hills, người từng viết phát biểu cho cựu thống đốc Michigan John Engler.
Bình luận viên Jessica Piper và Renee Klahr từ Politico đánh giá việc sử dụng từ "tôi" với tần suất dày đặc dường như xuất phát từ việc Tổng thống muốn liên kết những thay đổi chính sách mà ông muốn thực hiện với cách ông bị ảnh hưởng về mặt cá nhân.
"Sức mạnh to lớn của chính phủ sẽ không bao giờ được sử dụng để đàn áp những người đối lập chính trị nữa", ông tuyên bố, dừng lại một quãng ngắn để nói thêm, "đó là điều tôi biết đôi chút".
Tổng thống có lẽ đang muốn đề cập đến những rắc rối pháp lý mà ông phải đối mặt.
Việc sử dụng ngôi thứ nhất lặp đi lặp lại của Tổng thống Trump cũng phục vụ một mục đích lớn hơn, điều mà ông đã truyền đạt trong suốt quá trình vận động tranh cử: Bản thân ông, chứ không phải đảng Cộng hòa hay các lãnh đạo doanh nghiệp, mới là người phù hợp nhất để giải quyết những thách thức đang đè nặng đất nước, Piper và Klahr nhận xét.
Ám chỉ đến vụ ám sát hụt, ông thậm chí còn ngụ ý rằng việc ông còn đứng được ở đây, hôm nay là nhờ bàn tay can thiệp của Chúa.
"Tôi được Chúa cứu mạng để biến nước Mỹ vĩ đại trở lại", ông nói.
Về các chương trình nghị sự và kế hoạch mà chủ nhân mới của Nhà Trắng nêu ra, Josh Lipsky, giám đốc cấp cao tại Trung tâm Địa kinh tế thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, cho hay ông ngạc nhiên rằng "thuế quan", từ mà Tổng thống rất yêu thích, lại không được nêu quá nổi bật trong bài phát biểu.
Ông suy đoán Tổng thống có thể chưa muốn ngay lập tức áp các mức thuế quan lớn như đã hứa vì lo ngại thị trường chứng khoán sẽ phản ứng tồi tệ và hành động trả đũa từ các quốc gia mục tiêu có thể làm tăng lạm phát.
"Đó là một rủi ro mà ông ấy không muốn chấp nhận", Lipsky nói.
"Từ chính quyền Trump đầu tiên, chúng ta có thể thấy thuế quan luôn là một niềm tin chính sách cốt lõi, nhưng Tổng thống rất nhạy cảm với những gì thị trường phản ứng", Josh cho hay. "Mặc dù thị trường có thể đã chiến thắng ngày hôm nay, Tổng thống nhiều khả năng sẽ quay lại với từ yêu thích của mình trong tương lai rất gần".
Một từ khác không xuất hiện trong bài phát biểu là "Ukraine". Nhưng Rachel Rizzo, thành viên cấp cao không thường trú tại Trung tâm châu Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, lại lưu ý tới lời chỉ trích của Tổng thống Trump về những nỗ lực "tài trợ không giới hạn cho việc bảo vệ biên giới nước ngoài" của chính quyền Biden.
"Điều đó có thể gây rắc rối cho châu Âu và Ukraine", Rizzo nói.
Nhóm an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ đã cho thấy họ ủng hộ các lệnh trừng phạt mạnh tay hơn với Nga, tịch thu tài sản đóng băng của Nga, qua đó gây áp lực buộc chính quyền Tổng thống Vladimir Putin phải ngồi vào bàn đàm phán về hòa bình cho Ukraine.
Nhưng ông cũng đã ra hiệu về mong muốn giảm cam kết của Mỹ đối với quốc phòng châu Âu. Rizzo tin Tổng thống Trump sẽ muốn châu Âu dẫn đầu bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào về lệnh ngừng bắn, trong đó đóng băng chiến tuyến và cung cấp những bảo đảm an ninh dài hạn cho Ukraine.
Trump năm 2017 không đề cập đến cái gọi là các vấn đề chiến tranh văn hóa, vì bức tranh nước Mỹ đang suy tàn trong mắt ông vào thời điểm đó liên quan nhiều hơn đến an ninh và kinh tế. Ví dụ, về giáo dục, ông chỉ nhắc đến "một hệ thống giáo dục tràn ngập tiền mặt, nhưng lại khiến những học sinh trẻ trung và sáng láng của chúng ta bị tước đoạt mọi kiến thức".
Nhưng thời thế đã thay đổi. Lần này, Tổng thống Mỹ chế giễu "một hệ thống giáo dục dạy con em chúng ta phải xấu hổ về bản thân mình, trong nhiều trường hợp là ghét bỏ đất nước mình", ám chỉ đến phản ứng dữ dội của phe bảo thủ đối với một số bài giảng về chủng tộc và lịch sử trong trường học.
Các vấn đề chiến tranh văn hóa xung quanh chủng tộc và giới tính đã trở nên nổi bật kể từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Trump. 8 năm trước, ông không đề cập đến vấn đề giới tính trong lễ nhậm chức. Nhưng giờ đây, Tổng thống đã thể hiện rằng ông nghiêng về quan điểm chống người chuyển giới.
Trump tuyên bố "chỉ có hai giới tính, nam và nữ", đồng thời hứa sẽ "chấm dứt chính sách của chính phủ nhằm cố gắng đưa vấn đề chủng tộc và giới tính vào mọi khía cạnh đời sống, cả công cộng lẫn riêng tư".
Phát biểu của Tổng thống đó đã tạo ra phản ứng nhiệt tình trong khán phòng và tiếng reo hò cuồng nhiệt từ đám đông người ủng hộ ông tụ tập tại một đấu trường gần đó.
"Đây là dấu hiệu cho thấy các vấn đề văn hóa, nơi ông đã tạo ra tương phản rõ nét nhất với đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm ngoái, sẽ tiếp tục là một trong những cách mạnh mẽ nhất để Tổng thống Trump kết nối với cơ sở ủng hộ của mình", bình luận viên Zurcher từ BBC đánh giá.
Jessica Anderson, chủ tịch siêu ủy ban chính trị Quỹ Hành động Dự phòng, nhận định với bài phát biểu của mình, Tổng thống Trump đã thành công trong việc "mở ra chương mới cho nước Mỹ".
Tổng thống Trump tham dự cuộc diễu hành nhậm chức bên trong nhà thi đấu Capital One tại Washington ngày 20/1. Ảnh: Reuters
"Diễn văn của Tổng thống Trump là bài phát biểu về hy vọng và đoàn kết khi ông đặt ra chuẩn mực cho 4 năm thịnh vượng, an ninh và hùng cường sắp tới", bà cho hay.
Ngoài ra, Tổng thống cũng khẳng định rõ ràng với người dân Mỹ rằng ông "sẽ không lãng phí thời gian làm việc" với các sắc lệnh hành pháp đã được ban hành nhanh chóng.
"Có thể cảm nhận rõ năng lượng và niềm vui trên đường phố Washington khi chúng ta chào đón một chính quyền mới sẵn sàng đứng lên và đấu tranh cho gia đình cũng như các thế hệ tương lai của chúng ta", Anderson nói. "Bài phát biểu này chính là tất cả những gì chúng tôi muốn nghe và sẽ mang lại cho chúng ta hy vọng rằng những ngày tươi sáng hơn đang ở phía trước".
Bạn đang tìm dịch vụ về Tiệm rượu?
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/phat-bieu-nham-chuc-nhu-dien-van-chien-thang-cua-ong-trump-4841310.html