Pháp thành lập chính phủ thứ tư trong một năm
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tối 23/12 thông báo thành lập nội các mới dưới quyền tân Thủ tướng Francois Bayrou, trong nỗ lực đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng chính trị sau cuộc bầu cử quốc hội sớm hồi tháng 6.
Nội các mới quy tụ nhiều chính trị gia lão luyện của Pháp, trong đó có cựu thủ tướng Elisabeth Borne, 63 tuổi, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục. Cựu thủ tướng Manuel Valls, 62 tuổi, làm Bộ trưởng Lãnh thổ Hải ngoại, trong khi cựu bộ trưởng nội vụ Gerald Darmanin trở thành Bộ trưởng Tư pháp.
Tân Thủ tướng Pháp Francois Bayrou tại Paris ngày 17/12. Ảnh: AFP
Phủ Tổng thống cho biết cả Bộ trưởng Quốc phòng Sebastien Lecornu và Ngoại trưởng Jean-Noel Barrot đều tiếp tục giữ chức vụ hiện tại. Ông Lecornu đều có chân trong các chính phủ được thành lập kể từ khi Tổng thống Macron lần đầu đắc cử Tổng thống năm 2017.
Bộ trưởng Nội vụ Bruno Retailleau, người đã cam kết sẽ đối phó tình trạng nhập cư bất hợp pháp, và Bộ trưởng Văn hóa Rachida Dati cũng giữ nguyên chức vụ. Eric Lombard, 66 tuổi, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế và sẽ đối mặt thách thức công bố kế hoạch ngân sách cho năm tới.
"Tôi rất tự hào về đội ngũ nội các mà chúng tôi công bố tối nay", Thủ tướng Francois Bayrou, 73 tuổi, đăng trên X, thêm rằng chính phủ "dày dạn kinh nghiệm" của ông sẽ hướng tới mục tiêu "xây dựng lại lòng tin".
Thủ tướng Pháp Francois Bayrou (hàng đầu tiên, ngoài cùng bên trái) và các thành viên trong nội các mới được công bố hôm 23/12. Ảnh: AFP
Việc đưa hai cựu thủ tướng vào nội các cho thấy mong muốn của ông Macron về một chính phủ có sức ảnh hưởng, ổn định và không chịu chung số phận với người tiền nhiệm của ông Bayrou là Michel Barnier. Ông Barnier mất chức trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hôm 4/12, chỉ ba tháng sau khi lên nắm quyền, trở thành thủ tướng Pháp có nhiệm kỳ ngắn nhất kể từ năm 1958.
Sau cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 6, cả liên minh trung dung cầm quyền, liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) và đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN) đều không hội đủ số ghế để lập chính phủ đa số, tạo thành "quốc hội treo", gồm ba khối đối lập với những cương lĩnh khác biệt và không có truyền thống làm việc cùng nhau.
Tình thế này khiến các thủ tướng được Tổng thống Macron bổ nhiệm đều không nhận được đủ sự ủng hộ từ NFP và RN để thông qua các quyết sách, đặc biệt là luật ngân sách năm 2025, vốn gây nhiều tranh cãi. Cựu thủ tướng Barnier từng sử dụng quyền lực đặc biệt trong hiến pháp để thông qua một phần dự thảo luật ngân sách, nhưng bị phe cực tả và cựu hữu trừng phạt bằng cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Đây là chính phủ thứ tư của Pháp được thành lập từ đầu năm đến nay. Thủ tướng Bayrou hy vọng sẽ tập hợp được những chính trị gia từ cánh tả, cánh hữu và trung dung để tăng ủng hộ cho chính phủ mới.
Tuy nhiên, nội các 35 thành viên của ông không có bất kỳ đại diện nào từ liên minh NFP, đảng giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử quốc hội, khiến nó nhanh chóng bị phe cánh tả chỉ trích. Lãnh đạo đảng Xã hội Olivier Faure cho rằng đây "không phải chính phủ, mà là sự khiêu khích".
Tổng thống Macron sẽ triệu tập cuộc họp đầu tiên với nội các vào ngày 3/1/2025. Ưu tiên của Thủ tướng Bayrou là đảm bảo chính phủ có thể vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và thông qua ngân sách cho năm 2025. Ông Bayrou được bổ nhiệm ngày 13/12, là thủ tướng thứ sáu trong nhiệm kỳ của Tổng thống Macron.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/phap-thanh-lap-chinh-phu-thu-tu-trong-mot-nam-4831281.html