Pháp buồn vui lẫn lộn khi Mỹ trở lại sân khấu toàn cầu

23:00' 15-06-2021
Tổng thống Pháp Macron hôm 11/6 choàng tay qua vai người đồng cấp Mỹ Biden khi hai ông gặp nhau lần đầu tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall, Anh.

Nhưng cử chỉ ấm áp này không đủ để che giấu đi nỗi thất vọng của Tổng thống Pháp trước hàng loạt vấn đề, khi người đồng cấp Biden đang nỗ lực đưa Mỹ trở lại sân khấu toàn cầu sau 4 năm co cụm dưới thời Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói chuyện sau khi chụp ảnh chung với các khách mời khác tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall, Anh, hôm 11/6. Ảnh: AP.

Theo Điện Elysee, hai lãnh đạo dự kiến có cuộc gặp song phương tại khu nghỉ dưỡng ven biển Vịnh Carbis, phía tây nam Anh. Các quan chức cho biết cuộc trao đổi đầu tiên giữa họ trên bãi biển ở Cornwall tập trung vào việc cải thiện cuộc sống của tầng lớp trung lưu và đối đầu với Trung Quốc "bằng cách bảo vệ lợi ích cũng như các giá trị của chúng ta".

Dù vậy, Tổng thống Emmanuel Macron lại cảm thấy không hài lòng với việc Tổng thống Joe Biden cố gắng đưa Mỹ lên vị trí trung tâm trong những nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu, đánh thuế các công ty đa quốc gia, đối phó với Nga hay tài trợ vaccine. Lý do là ông đã thúc đẩy những nỗ lực tương tự từ trước cả khi Biden nhậm chức và Pháp lúc đó đã phải đối mặt với không ít hậu quả từ Mỹ dưới thời Trump.

Hôm 10/6, Macron cho hay ông hài lòng một cách thận trọng khi Washington đảo ngược chính sách đối ngoại, đặc biệt là về quan hệ của Mỹ với Liên minh châu Âu (EU).

Tháng trước, chính quyền Biden ủng hộ việc đánh thuế tối thiểu 15% đối với các công ty đa quốc gia, dẫn tới một thỏa thuận lịch sử giữa các bộ trưởng tài chính G7 vào tuần trước.

Tổng thống Pháp gọi đây là "một bước đi lớn hướng tới toàn cầu hóa công bằng hơn", nhưng Macron nhanh chóng chỉ ra rằng ông đã vận động cho điều này suốt 4 năm qua. Nhưng vì không có bất kỳ thỏa thuận nào đạt được, Pháp đã đơn phương áp thuế lên các gã khổng lồ công nghệ, dẫn tới động thái trả đũa từ chính quyền Trump.

"Tôi lại nghĩ tới những người trồng nho của chúng tôi và nhiều công ty trong hai năm qua đã phải trả giá cho phản ứng dữ dội từ phía Mỹ vì chúng tôi áp dụng thuế kỹ thuật số. Đó là những gì đã xảy ra, xin đừng quên", ông nói.

Tổng thống Macron thận trọng đón nhận thông báo từ Tổng thống Biden hôm 10/6 về việc Mỹ sẽ ủng hộ 500 triệu liều vaccine Covid-19 cho các quốc gia nghèo hơn. EU trước đó hứa hỗ trợ 100 triệu liều, trong đó Pháp đóng góp 30 triệu liều.

"Nếu Mỹ hứa đáp ứng đủ 500 triệu liều vào cuối năm 2021 thì đó là một tin tuyệt vời và EU cũng phải làm gì đó để không thua kém", Tổng thống Pháp tuyên bố. "Nhưng nếu thời hạn là năm 2022, câu chuyện sẽ hoàn toàn khác".

Tổng thống Macron không che giấu mối hoài nghi của ông về đề xuất mà Mỹ đưa ra về việc bãi bỏ vô thời hạn quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine vì bản thân ông chỉ đồng ý từ bỏ tạm thời quyền này.

"Tôi đang chờ xem đề xuất chính xác từ phía Mỹ là gì", Macron nói. "Tôi không nghĩ Mỹ sẽ đề xuất dỡ bỏ sở hữu trí tuệ vĩnh viễn. Tôi ít nhiều có thể đảm bảo điều đó bởi nó là thứ sẽ kết thúc động lực đổi mới ở đất nước của bạn gần như ngay lập tức".

Macron đồng thời phản đối cái mà ông gọi là hành vi "phong tỏa của Mỹ" đối với việc xuất khẩu nguyên liệu khiến vaccine không thể được sản xuất ở nước ngoài, điều mà ông hy vọng sẽ được gỡ bỏ tại G7.

Ông kêu gọi các phòng thí nghiệm, hầu hết ở Mỹ, ủng hộ 10% số vaccine mà họ bán ra.

Macron cũng hoan nghênh việc Biden thông báo sẽ họp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, ông chủ Điện Elysee không khỏi cảm thấy bất công khi tiếp cận Điện Kremlin là điều mà ông đã luôn cố gắng thực hiện nhưng lại vấp phải chỉ trích.

"Tôi đã luôn ủng hộ đối thoại", Tổng thống Pháp nói. "Tôi nhiều lúc cảm thấy ngạc nhiên bởi người ta nghĩ rằng Pháp sai khi cố gắng đối thoại (với Nga) nhưng Mỹ lại đúng khi làm vậy".

Và Macron đã yêu cầu người Mỹ, như ông đã làm với cựu tổng thống Trump, làm rõ các mục tiêu mà NATO hướng đến, đặc biệt là đối với Trung Quốc. Xa hơn nữa, khi hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào ngày 14/6, nơi ông gặp lại người đồng cấp Mỹ, Tổng thống Pháp sẽ không ngần ngại đặt vấn đề về quyền tự chủ của châu Âu trong việc xây dựng lực lượng quân sự của mình.

Để điều này thành hiện thực, "chúng ta cần đủ số lượng quốc gia châu Âu có mô hình quân đội hoàn chỉnh như Pháp", Macron nhấn mạnh trong một thông điệp rõ ràng khác gửi tới Washington. Người châu Âu cần "chịu trách nhiệm về việc kiểm soát vũ khí ngay trên đất của mình".

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/phap-buon-vui-lan-lon-khi-my-tai-xuat-4292978.html