Chiến lược đóng cửa sớm kết hợp với kiểm soát biên giới cực kỳ nghiêm ngặt giúp cho Australia hầu như không có ca nhiễm Covid-19 từ giữa năm 2020.

Khi số ca bệnh và số người tử vong tăng vọt trên toàn cầu, đa số người Australia tận hưởng cuộc sống gần như bình thường. Các nhà hàng, bãi biển và lễ hội đông nghẹt người bên trong nơi được mệnh danh là "pháo đài Australia”.

Nhưng vào tháng 6, một ca mắc biến thể Delta - chủng virus siêu lây nhiễm - đã chọc thủng các bức tường của pháo đài. Dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát không thể kiểm soát.

Người dân Australia từng có một thời gian dài sống yên bình với số ca Covid-19 thấp. Ảnh minh họa: Transportnsw

Với biến thể Delta hiện lây lan khắp đất nước, hơn một nửa trong số 25 triệu người Australia đang trong tình trạng giãn cách. Chương trình tiêm chủng chậm chạp khiến nhiều người muốn biết vấn đề nằm ở đâu.

Ông Michael Toole, Giáo sư tại Viện Burnet, đánh giá: “Trong một thời gian, chúng ta ở trong thiên đường không có Covid-19. Tôi nghĩ điều đó đã dẫn đến sự tự mãn của cả chính phủ và người dân... Bây giờ, tất cả là một mớ hỗn độn".

Xoay chuyển tình hình

Khi bắt đầu đại dịch, Australia đã tiến hành phong tỏa, đóng cửa biên giới, chỉ cho phép một lượng nhỏ người dân trở về, với thời gian cách ly 14 ngày bắt buộc trong các khách sạn hoặc cơ sở của chính phủ.

Khi các trường hợp Covid lây nhiễm, các bang đã áp dụng truy vết, phong tỏa nhanh. Cuộc sống nhanh chóng trở lại bình thường - ngoại trừ Melbourne, nơi kiểm soát được đợt bùng phát với thời gian giãn cách hơn 3 tháng vào năm ngoái.

Sau đó, vào tháng 6, một ca nhiễm biến thể Delta đã thay đổi mọi chuyện. Một người lái xe không được tiêm phòng và không đeo khẩu trang ở Sydney đã bị nhiễm bệnh sau khi chuyên chở phi hành đoàn quốc tế. Không lâu sau, virus SARS-CoV-2 đã lan trong khu vực sống của người này. 

Truy vết và phong tỏa Sydney được áp dụng nhưng số ca bệnh bắt đầu tăng cao và sau đó xuất hiện ở những nơi khác trên khắp đất nước. Trong vòng vài tuần, hầu hết các thành phố lớn đều có một số đợt phong tỏa, đạt được thành công ở các mức độ khác nhau.

Phong tỏa ở Sydney, dự định là hai tuần, đã sang tuần thứ 9. Tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của thành phố, quân đội được triển khai, tiền phạt vi phạm một số quy định lên tới 3.700 đô la Australia.

Bang New South Wales, với Sydney là thủ phủ, ghi nhận hàng chục ca mỗi ngày, đã lên tổng số 800 ca, một số bệnh nhân tử vong.

Các con số trên ít hơn đáng kể so với ở Mỹ - nơi ghi nhận hơn 100.000 trường hợp mắc và hàng trăm người tử vong mỗi ngày. Tuy nhiên, đây vẫn là điều không thể tưởng tượng được ở Australia chỉ vài tuần trước đây.

Số ca nhiễm mỗi ngày ở Australia bắt đầu tăng vọt từ tháng 6

Không phải cuộc đua

Thành công ban đầu của Australia đồng nghĩa nước này không theo đuổi vắc xin với sự cấp bách và chiến lược như một số quốc gia khác. Thủ tướng Scott Morrison từng tuyên bố đây "không phải là một cuộc chạy đua".

Việc triển khai tiêm vắc xin bắt đầu vào tháng 2, với vắc xin AstraZeneca sản xuất tại Australia đóng vai trò chủ đạo, tiếp theo là nguồn cung vắc xin Pfizer hạn chế nhập từ nước ngoài.

Sau khi phát hiện vắc xin AstraZeneca có nguy cơ gây đông máu cực kỳ hiếm gặp, các cơ quan y tế địa phương khuyến cáo chỉ nên tiêm cho những người trên 60 tuổi. Nhưng họ đã thay đổi lại lời khuyên sau đợt bùng phát Covid-19 mới nhất.

Tới nay, 30% người Australia từ 16 tuổi trở lên đã được tiêm chủng đầy đủ.

Chính phủ đặt ra ngưỡng 70-80% người dân được chủng ngừa đầy đủ để trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, mục tiêu này có thể sẽ không đạt được cho đến cuối năm nay.

Việc triển khai đang bắt đầu tăng tốc, với 1,8 triệu mũi vắc xin được tiêm trong tuần qua. Hơn một nửa dân số đủ điều kiện hiện đã tiêm liều đầu tiên.

Trong cả đại dịch, Australia có 44.000 ca mắc Covid-19, 1.000 người tử vong.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Nhà hàng?

Crystal Jade Vùng: Melbourne. Phone: 9639 2633
Xem thêm

ẩm thực đồ biển Trung Hoa ngon nhất vùng Melbourne


Article sourced from vietnamnet.vn.