Ông Trump gây tranh cãi trong việc đề cử nhân sự

16:00' 18-11-2024
Việc chọn những nhân sự gây tranh cãi vào nội các được cho là cách để ông Trump kiểm tra lòng trung thành của đảng Cộng hòa đối với mình.

Tối 12/11, Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết ông sẽ đề cử người dẫn chương trình Fox News Pete Hegseth làm bộ trưởng quốc phòng trong chính quyền mới. Lựa chọn của ông đã tạo ra cú sốc khắp Washington, khi nhiều người lo ngại Hegseth không thể điều hành Bộ Quốc phòng một cách hiệu quả vì có quá ít kinh nghiệm quản lý cũng như hoạt động chính trị.

Ngày hôm sau, ông công bố chọn thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio cho vị trí ngoại trưởng. Đây là lựa chọn ít gây tranh cãi hơn và đã khiến một số thành viên đảng Cộng hòa thở phào nhẹ nhõm, bởi Rubio được coi là người dày dạn kinh nghiệm, từng giữ chức phó chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện.

Ông Donald Trump tại một cuộc mít tinh ở Glendale, bang Arizona, ngày 23/8. Ảnh: AP

Nhưng tiếng thở phào đó không thể kéo dài lâu khi Tổng thống đắc cử thông báo chọn nghị sĩ Dân chủ "đổi phe" sang Cộng hòa Tulsi Gabbard, một gương mặt ít kinh nghiệm khác, cho ghế lãnh đạo văn phòng tình báo quốc gia.

Vài phút sau, Trump tiếp tục gây bất ngờ khi tuyên bố ông sẽ đề cử cựu hạ nghị sĩ Florida John Matt Gaetz, người đang bị Ủy ban Đạo đức Hạ viện điều tra về cáo buộc môi giới mại dâm, sử dụng ma túy bất hợp pháp, cùng các vấn đề khác, làm Bộ trưởng Tư pháp.

Chưa dừng lại, ông Trump ngày 14/11 đưa ra một lựa chọn gây choáng váng khác khi đề cử Robert F. Kennedy Jr., người có tư tưởng chống vaccine, làm lãnh đạo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh.

Các lựa chọn trên đã tạo ra nhiều xôn xao trong các thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện, nơi sẽ phải tổ chức điều trần để quyết định có phê chuẩn đề cử của ông Trump hay không.

Giới phân tích cho rằng những người được ông Trump đề cử đều là các thành viên nhiệt thành của phong trào Làm nước Mỹ Vĩ đại Trở lại (MAGA). Tổng thống đắc cử dường như đang tìm cách tưởng thưởng cho họ vì lòng trung thành tuyệt đối và sự ủng hộ vô điều kiện đối với mình.

Tuy nhiên, chúng cũng là dấu hiệu cho thấy Tổng thống đắc cử đang muốn thử thách mức độ trung thành của các thượng nghị sĩ Cộng hòa tại Thượng viện. Vào tháng 1/2025, sau khi ông Trump nhậm chức, Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát sẽ phải gấp rút phê chuẩn các đề cử của ông Trump. Các vị trí bộ trưởng chỉ có thể được lấp đầy khi ứng viên được Thượng viện chấp thuận.

Để tăng sức ép với Thượng viện, ông Trump còn yêu cầu lãnh đạo phe Cộng hòa tại cơ quan này phải ủng hộ quy định cho phép tổng thống bổ nhiệm các vị trí trong nội các trong lúc Thượng viện nghỉ giữa hai kỳ họp.

Điều khoản này có thể giúp tổng thống nhanh chóng đưa người vào nội các mà không cần Thượng viện phê chuẩn. Quy định này bắt nguồn từ lịch sử Mỹ, khi quốc hội sẽ có những kỳ nghỉ kéo dài nhiều tháng và các tổng thống có thể sử dụng điều khoản "bổ nhiệm giữa hai kỳ họp" để tránh việc một số vị trí quan trọng bị bỏ trống trong thời gian dài.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, tổng thống Bill Clinton từng 139 lần áp dụng quy trình "bổ nhiệm giữa hai kỳ họp" và tổng thống George W. Bush cũng thực hiện 171 lần như vậy, dù cả hai người đều không thực hiện nó cho những vị trí cấp cao trong nội các.

Sức ép từ Tổng thống đắc cử Trump khiến nhiều thành viên cấp cao đảng Cộng hòa không thể theo kịp suy nghĩ của ông và khiến cả chính trường dậy sóng. Tuy nhiên, cơn sóng này dường như là phép thử quan trọng mà ông Trump đang tung ra.

"Về cơ bản, tôi nghĩ rằng danh sách đề cử của ông Trump đã gửi đi thông điệp rằng chúng tôi sẽ thay đổi cả hệ thống", thượng nghị sĩ Cộng hòa Mike Braun, người sẽ rời Thượng viện để trở thành thống đốc Indiana vào tháng 1/2025, nói.

Một số nhà quan sát chính trị cho hay ông Trump vốn nổi tiếng là người thách thức truyền thống và đi ngược lại luật lệ, nhưng những quyết định bổ nhiệm gần đây cho thấy một kế hoạch lớn hơn.

Về cơ bản, các lựa chọn nhân sự cùng yêu cầu áp dụng quy trình "bổ nhiệm giữa hai kỳ họp" mà ông Trump đưa ra đòi hỏi lòng trung thành tuyệt đối từ các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, để họ không chỉ ủng hộ những quyết định nội các gây tranh cãi của Tổng thống đắc cử, mà còn sẵn sàng từ bỏ đặc quyền của họ trong việc phê chuẩn chức vụ cấp cao trong chính quyền.

Anthony Scaramucci, giám đốc truyền thông cho ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, nhận định các lựa chọn nhân sự của Tổng thống đắc cử nhằm mục đích giúp ông "sàng lọc những người tự do" bị ông cho là thiếu trung thành.

"Hãy chọn những người có khả năng gây kích động để các thành phần theo khuynh hướng tự do phải lộ diện, và các ứng viên mà ông Trump đề cử là những người như vậy", Scaramucci giải thích.

"Mục tiêu là khiến mọi người bị sốc, đó chính xác là điều mà nhóm MAGA mong muốn", một đồng minh của ông Trump nói. "Họ muốn những người có thể thách thức toàn hệ thống".

Matt Gaetz tại một cuộc vận động tranh cử của ông Trump ở Henderson, Nevada, ngày 31/10. Ảnh: AP

Theo Washington Post, việc đề cử Gaetz là "bài kiểm tra lòng trung thành" rõ ràng nhất đối với các đảng viên Cộng hòa tại Thượng viện. Tình thế oái oăm nằm ở chỗ nếu được phê chuẩn, Gaetz sẽ lãnh đạo Bộ Tư pháp, cơ quan từng mở các cuộc điều tra nhắm vào ông.

Ông cũng bị Ủy ban Đạo đức Hạ viện điều tra từ năm 2021 cho đến tối 13/11, khi ông kết thúc cuộc điều tra bằng cách từ chức nghị sĩ. Ủy ban Đạo đức Hạ viện dự kiến bỏ phiếu vào ngày 15/11 về việc có nên công bố báo cáo về những cáo buộc rằng ông có hành vi sai trái về tình dục, sử dụng ma túy bất hợp pháp cũng như nhận các món quà không phù hợp hay không.

Gaetz phủ nhận các cáo buộc. Tổng thống đắc cử Trump thì gọi ông là một "luật sư tài năng và ngoan cường".

Trong khi đó, Gabbard, người được đề cử lãnh đạo 18 cơ quan tình báo và phụ trách khoản ngân sách 76 tỷ USD, "bị nhiều người chỉ trích và không có kinh nghiệm tình báo chính thức", theo Politico. Là quân nhân dự bị và cựu thành viên Vệ binh Quốc gia, bà "được biết đến chủ yếu" vì lập trường theo chủ nghĩa biệt lập và từng công khai thể hiện thiện cảm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Bình luận viên Tom Nichols viết trên tạp chí Atlantic rằng việc bổ nhiệm một người thiếu kinh nghiệm như Gabbard vào vị trí trùm tình báo sẽ là "mối đe dọa đối với an ninh Mỹ".

Song Gabbard, Gaetz và cả Hegseth đều có một số điểm chung. Họ luôn trung thành với Tổng thống đắc cử và ủng hộ nhiệt tình cho những chính sách mà ông theo đuổi, theo nhà phân tích kỳ cựu Stephen Collinson từ CNN.

Dù vậy, đảng Cộng hòa đã bắt đầu bị chia rẽ về mức độ ủng hộ của Thượng viện do họ kiểm soát đối với những lựa chọn nội các từ Tổng thống đắc cử, đặc biệt là về Gaetz.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Cornyn hôm 14/11 nói rằng ông "muốn xem mọi thứ" về Gaetz, trong đó có báo cáo từ Ủy ban Đạo đức Hạ viện đang chờ xử lý.

"Tôi không nghĩ có ai trong chúng ta muốn mình bị che mắt", Cornyn nói. "Việc này là để bảo vệ Tổng thống đắc cử trước những thông tin hoặc những điều bất ngờ có thể nảy sinh sau này mà ông và nhóm của mình không lường trước được".

Trong khi đó, thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham lại lên tiếng ủng hộ việc đề cử Gaetz. Ông cũng ra tín hiệu rằng sẽ ủng hộ Gabbard, dù Graham là người có quan điểm cứng rắn về chính sách đối ngoại, chỉ trích mạnh mẽ Nga.

"Chúng ta sẽ xem bà ấy làm thế nào, nhưng tôi thích bà ấy", Graham nói.

Một số đảng viên Cộng hòa rõ ràng đang phải đấu tranh trong tuần qua để che giấu nỗi hoang mang đối với lựa chọn nhân sự của Tổng thống đắc cử.

Tulsi Gabbard tại một sự kiện vận động tranh cử của ông Trump ở Pennsylvania hôm 4/11. Ảnh: AP

"Tôi nghĩ mình sẽ phải tìm hiểu thêm về từng ứng viên, những người mà tôi không thực sự quen biết", thượng nghị sĩ Cộng hòa Todd Young nói với các phóng viên khi được hỏi về Gabbard.

"Ông ấy có rất nhiều việc phải làm", thượng nghị sĩ Cộng hòa Joni Ernst cho biết khi được hỏi về khả năng Hegseth trở thành bộ trưởng quốc phòng.

Một số thượng nghị sĩ đã nêu lên mối lo ngại rằng việc Hegseth thiếu kinh nghiệm quản lý có thể là một gánh nặng đối với Lầu Năm Góc. Ernst cũng được cho là nằm trong danh sách rút gọn của ông Trump cho công việc này.

"Nếu có những ứng viên tốt, chúng ta có thể hy vọng quá trình phê chuẩn diễn ra dễ dàng và điều đó sẽ tốt cho Tổng thống đắc cử", thượng nghị sĩ Cộng hòa Lisa Murkowski, nói. "Nhưng khi bạn đưa ra những lựa chọn thực sự gây tranh cãi, và không chỉ gây tranh cãi ở một bên, sẽ mất nhiều thời gian hơn".

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Concert Audio Visual Vùng: Maidstone. Phone: 9318 1234
Xem thêm

chuyên bán dụng cụ âm thanh và ánh sáng


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/phep-thu-cua-ong-trump-khi-de-cu-cac-nhan-su-gay-tranh-cai-4816250.html