Nước Đức đứng vững như ốc đảo khi cơn lốc dân túy tràn lan
"Giờ thì nước Đức trông 'bình thường' hơn giữa thế giới phương Tây. Mỉa mai thay, đó chẳng phải là điều gì đáng chào mừng".
Đó là cách Financial Times bình luận về kết quả cuộc bầu cử liên bang Đức hôm 24/9.
Trong suốt một năm qua, khi cơn lốc của chủ nghĩa dân túy tràn lan và gây choáng váng ở nhiều nơi trên thế giới, nước Đức đứng vững như một ốc đảo của sự bình tĩnh và ôn hòa.
Sau cuộc bầu cử, ít nhất thì Angela Merkel vẫn tiếp tục làm thủ tướng trong nhiệm kỳ thứ 4 trong lúc nhiều người từng làm việc cùng bà đã ra đi. Dù vậy, những lá phiếu ngày 24/9 đã cho thấy nước Đức cuối cùng cũng không thể "miễn nhiễm" với làn sóng dân túy, sự tức giận của những người phản đối hệ thống hiện có.
Đảng cực hữu Con đường khác cho nước Đức (AfD), nổi lên từ sự giận dữ với làn sóng người tị nạn từ Trung Đông và châu Phi làm xáo trộn cuộc sống, đã giành 13% số phiếu và bước vào quốc hội Đức với tư cách đảng lớn thứ 3.
Người biểu tình chống Merkel bên cạnh biểu ngữ quảng bá cho chiến dịch tranh cử của AfD, bên trên tấm ảnh người phụ nữ mang thai là dòng chữ "Cần thêm người Đức? Chúng tôi sẽ tự làm". Ảnh: AFP. |
Bước ngoặt của AfD và sự trỗi dậy của khuynh hướng cực hữu tại Đức là năm 2015, khi Merkel bất chấp những cuộc tranh cãi để mở cửa biên giới đón hơn 1 triệu người tị nạn vào Đức.
AfD, từ một đảng do các học giả bảo thủ sáng lập để phản đối khu vực đồng tiền chung euro, đã chuyển thành một đảng chống nhập cư. Sự ủng hộ đối với AfD đặc biệt tăng mạnh sau những rắc rối và cả những cuộc tấn công do người nhập cư gây ra tại Đức trong năm 2016.
Kết quả kiểm phiếu sau bầu cử cho thấy AfD đặc biệt thắng lớn ở Đông Đức, trong khi đảng của Merkel và các đảng truyền thống thể hiện đặc biệt kém tại đây.
Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo do bà Merkel lãnh đạo chỉ giành được 27,6% số phiếu tại 5 bang Đông Đức so với con số 33% trên toàn quốc. Trong khi đó, kết quả toàn quốc của AfD là 13% nhưng có đến 22,9% cử tri đi bầu ở Đông Đức đã bỏ phiếu cho AfD. Đảng này đặc biệt được yêu thích trong nhóm nam giới Đông Đức, khi có 26% nhóm cử tri này chọn AfD.
Reuters cho rằng kết quả bỏ phiếu cho thấy việc các nhà phân tích đánh giá thấp hậu quả làn sóng nhập cư đối với cử tri Đức, đặc biệt là ảnh hưởng của nó lên cử tri Đông Đức, những người vẫn rất khác biệt với Tây Đức dù Bức tường Berlin đã sụp đổ được 28 năm.
Đầu tháng 9, một cộng sự cao cấp của Merkel miêu tả những người bất bình ở Đông Đức như một cộng đồng thiểu số và cho rằng cuộc khủng hoảng di dân không còn là yếu tố gây bất lợi cho Merkel. Chuyện gì đã xảy ra trong cuộc bầu cử thì ai cũng biết.
"Cử tri Đông Đức cực đoan hơn và ít trung thành hơn với các đảng truyền thống. Mọi thứ vẫn như thế từ khi Bức tường Berlin sụp đổ đến nay", Reuters dẫn lời Hendrik Traeger, một nhà khoa học chính trị tại Leipzig.
Biểu đồ phân bổ phiếu bầu dành cho AfD. Khu vực có hơn 20% cử tri đi bầu chọn AfD đều nằm ở Đông Đức. Đồ họa: Guardian. |
Dù vậy, một số chuyên gia lưu ý không phải mọi người ủng hộ AfD đều cực hữu mà đơn giản là nền chính trị Đức đang thiếu một đảng hữu khuynh.
"Hệ thống đảng phái mà chúng ta có trước đây luôn thiếu sự đại diện của cánh hữu", DW dẫn lời ông Nico A. Siegel của công ty nghiên cứu chính trị Infratest-Dimap. "Tôi không muốn tỏ ra phát xít, nhưng nhiều cử tri không còn thấy CDU/CSU là những đảng hữu khuynh đáng tin cậy".
Spiegel nhận định rằng một trong những lý do Merkel có thể nắm quyền đến 12 năm là vì CDU ngày càng có xu hướng tả khuynh để thu hút các cử tri trẻ, từ đó tạo ra khoảng trống đối với những cử tri bảo thủ.
Georg Pazderski, lãnh đạo AfD tại Berlin, thừa nhận việc họ hưởng lợi từ việc này. "Lần đầu tiên chúng ta có một đảng hữu khuynh bên cạnh CDU và bởi vì họ ngày càng tả khuynh, chúng tôi đã lấp vào khoảng trống đó".
AfD phủ nhận họ là đảng phát xít, nhưng đảng cổ súy cho những ý tưởng cực hữu, phá vỡ nhiều "luật lệ bất thành văn" trong cuộc bầu cử và có lãnh đạo đảng thậm chí cho rằng người Đức nên ngừng xin lỗi vì quá khứ phát xít của mình.
"Điều đầu tiên chúng tôi sẽ làm trong nghị viện là đề xuất một cuộc chất vấn của quốc hội nhằm vào Angela Merkel", đồng chủ tịch AfD Alice Weidel nói sau khi chiến thắng.
"Giờ đây chúng tôi đã là đảng lớn thứ 3, chính phủ sắp thành lập cần chuẩn bị: chúng tôi sẽ truy đuổi họ, chúng tôi sẽ đuổi theo Angela Merkel hay bất cứ ai, chúng tôi sẽ đuổi theo họ", ứng viên dẫn đầu đảng Alexander Gauland nói thêm.
Những ngày tháng sắp tới của bà Merkel ở quốc hội Đức được dự báo sẽ đầy rẫy khó khăn. Ảnh: AFP. |
Tờ Der Spiegel nhận định: "Hệ quả (việc AfD bước vào quốc hội) sẽ là những cuộc xung đột, khiêu khích nhau và những lời nói gây tranh cãi. Từ đầu, AfD sẽ làm mọi thứ để đảm bảo họ ở lại nghị viện trong 4 năm nữa. Và vì thế, xã hội Đức sẽ tiếp tục chia rẽ. Đó sẽ là trọng tâm hành động của AfD".
Một trong những lãnh đạo phản ứng nhanh và bày tỏ rõ quan điểm trước sự kiện này là Phó thủ tướng Singapore Tharman Shanmugaratnam. Trong một bài viết trên Facebook, ông Shanmugaratnam nói rằng các đảng trong liên minh cầm quyền nhiệm kỳ trước "đều đã suy yếu so với 6 thập kỷ trước" trong khi AfD đã trở thành đảng lớn thứ 3.
"Đây là lần đầu tiên kể từ những ngày đầu của nước Đức hậu chiến, một đảng cực hữu sẽ có ghế trong nghị viện - một diễn biến đáng ngại, một thách thức cho văn hóa chính trị vốn ôn hòa và đồng thuận của Đức", phó thủ tướng Singapore viết và dẫn lại bình luận của tờ Der Spiegel.
Trên CNN, tác giả Frida Ghitis cho rằng rằng những diễn biến kịch tích ngay ngày đầu tiên sau bầu cử của AfD giờ đây có thể trở thành "điều bình thường mới" trong nền chính trị Đức. Ngay trong buổi họp đáng ra đầy "hương vị" chiến thắng, một lãnh đạo AfD đã bỏ khỏi phòng họp sau khi tuyên bố bất đồng với các lãnh đạo khác. Bà cho biết sẽ hoạt động như một thành viên độc lập trong quốc hội.
"Chúng ta có thể nói lời tạm biệt với một nước Đức ổn định được rồi", Ghitis viết.
Bà Frauke Petry, Chủ tịch AfD, tuyên bố bất đồng với các lãnh đạo khác trong đảo và bỏ khỏi cuộc họp báo ngày 25/9. Ảnh: Reuters. |
Financial Times cho rằng phần lớn các nhà phân tích không đi xa đến việc gọi AfD là một đảng "tân phát xít", nhưng sự trỗi dậy của AfD được đón nhận đầy hồ hởi bởi nhiều chính trị gia cực hữu khác ở châu Âu, nhiều đảng đã xem AfD là một đảng "chị em". Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia Pháp, người đã vào đến vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Pháp hồi tháng 5, nhanh chóng chúc mừng AfD.
Sự có mặt của một đảng cánh hữu mang khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa trong quốc hội Đức có thể làm thay đổi sắc thái của nền chính trị Đức. Không những thế, nó cũng làm phức tạp quá trình Đức, nền kinh tế lớn nhất, tương tác với phần của châu Âu, tạo sức ép để chính phủ nước này phải ra những quyết định mang tính dân tộc chủ nghĩa hơn.
Hy vọng về sự hội nhập sâu hơn của các quốc gia châu Âu nhằm chống lại chủ nghĩa dân tộc giờ đây co thể bị trì hoãn khi "cánh chim đầu đàn" là Đức gặp rắc rối trong chính nước mình. Sự thắng lợi của chủ nghĩa dân túy cho thấy sự bất bình và nỗi lo lắng của người lao động Đức, từ đó có thể ảnh hưởng đến cách đối xử "rộng rãi" của Đức đối với châu Âu xưa nay.
"Một Merkel với quyền lực suy yếu trong nước phải giữ các nước EU lại với nhau, bảo vệ các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trước một tổng thống Mỹ khó lường, trong lúc thiết lập một liên minh chặt chẽ với Macron, chinh phục những người bất bình ở vùng Visegrad (gồm CH Czech, Hungary, Ba Lan và Slovakia) và đảm bảo cho cả Italy lẫn Tây Ban Nha, những nước đang chông chênh", New York Times dẫn lời Stefano Stefanini, một nhà cựu ngoại giao Italy sống ở Brussels.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/afd-chien-thang-khi-oc-dao-duc-bi-lan-song-cuu-huu-xam-lan-post782393.html