Nữ y tá Việt xuất bản nhật ký về Covid-19

12:26' 08-10-2020
“Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái - Nhật ký y tá thời Covid-19” là nhật ký của Iris Lê khi tham gia chữa trị bệnh nhân Covid-19. Sách còn là những câu chuyện buồn vui của tác giả sau 6 năm gắn bó với nghề y.

Iris Lê tên thật Lê Quỳnh Phương, sinh ngày 1/11/1994. Cô tốt nghiệp ngành Y tá tại Đại học Nam Úc năm 2014. Hiện cô làm việc tại Bệnh viện Royal Adelaide và là người mẫu của công ty Finesse Modelling. Iris Lê từng đoạt giải cuộc thi Hoa hậu áo dài của Adelaide Nam Australia.

Tác giả Iris Lê. Nguồn: FBNV.

Lấy bối cảnh toàn thế giới đang đối đầu với đại dịch Covid-19, và thông qua nhân vật hư cấu là y tá Mia, tác phẩm Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái - Nhật ký y tá thời Covid-19 không chỉ nói về cuộc chiến chống Covid-19 ở Australia, mà còn là những câu chuyện buồn vui của Iris Lê sau 6 năm gắn bó với nghề.

Với tư cách y tá - người trong cuộc, Iris Lê muốn kể để bạn đọc hiểu rõ hơn về những nỗi niềm của tập thể y bác sĩ trong giai đoạn này.

Khi bắt tay viết Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái - Nhật ký y tá thời Covid-19, Iris Lê đã nghiên cứu, phỏng vấn nhiều đồng nghiệp và nghe họ kể về trải nghiệm của chính họ với Covid-19. Từ đó, cô thuật lại những câu chuyện và cảm xúc thật của họ, vấn đề mà họ gặp và khó khăn mà họ phải đối diện.

Nói về nhân vật Mia, Iris Lê cho biết, khi phác họa nhân vật này, trong đầu cô đã hình dung ra một gương mặt rất cụ thể.

Iris Lê đồng cảm với nhân vật. Những suy nghĩ, hành động của Mia phản ánh suy nghĩ và quan điểm của cô rất nhiều. Các nhân vật còn lại như Xie Liu, Anna, Joan, Faith… đều có thật hoặc được viết dựa trên những đồng nghiệp mà Iris Lê biết.

Iris Lê cũng cho biết có đến 90% câu chuyện trong tác phẩm là những chuyện thật mà cô và đồng nghiệp đã trải qua.

Sách Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái - Nhật ký y tá thời Covid-19. Ảnh: QM.

Chia sẻ buồn vui mà mình đã trải qua, Iris Lê cho biết công việc của ngành y, cụ thể là các bác sĩ, y tá... quá áp lực luôn phải đối diện với những bất công, nguy hiểm chực chờ bất kỳ lúc nào.

Tuy nhiên, cô và các đồng nghiệp vẫn cố gắng cống hiến và tận tụy phục vụ người bệnh.

Cô tâm sự: “Nếu như nói rằng chúng mình chưa từng có lúc mệt mỏi, chán nản và kiệt sức khi đối diện với những thử thách của nghề thì là nói dối… Tỷ lệ y tá nghỉ ngang để làm công việc khác khá cao. Có nhiều sinh viên sau khi thực tập đã quyết định đổi ngành học và nhiều y tá sau một thời gian cũng đổi nghề, và mình có thể hiểu vì sao”.

Trong Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái - Nhật ký y tá thời Covid-19, Iris đã mô tả lại những buồn vui đó. Nhân vật y tá Mia khi mặc đồ bảo hộ đi tàu điện ngầm bị người đàn ông kỳ thị rồi quất áo vào người cô tới tấp.

Hay như chuyện tiếp nhận điều trị bệnh nhân, y tá Sylvia bị bệnh nhân bất ngờ tấn công (do mất kiểm soát) dẫn đến sang chấn tâm lý, ám ảnh hoảng sợ dài hạn.

Hoặc chuyện lịch làm việc tăng ca dày đặc với mớ quần áo bảo hộ kín bưng khiến đội ngũ y bác sĩ căng mình đến kiệt sức (không được vệ sinh cá nhân, ăn uống, nghỉ ngơi thoải mái do trực chiến trong đồ bảo hộ).

Nhận xét về Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái - Nhật ký y tá thời Covid-19, trong lời giới thiệu tác phẩm, nhà văn - nhà thơ Lê Minh Quốc viết:

“Đọc tác phẩm, để thấy những suy tư thầm kín, những suy nghĩ của người Việt xa xứ trong va chạm bản sắc văn hóa khi ngụ cư ở nước ngoài; là sự xáo trộn trong quan hệ cùng một cộng đồng đã diễn ra trong 'mùa diệt vong' - mùa Covid-19; là tình người nương vào nhau trong những ngày tháng đen tối ấy. Từng mẩu chuyện nhỏ đầy kịch tính khiến có lúc ta nhói lòng, thở dài…”.

***

Những vết lằn chằng chịt trên mặt y tá

Những ca trực được kéo dài từ 8 tiếng thành 12 tiếng. Tình hình bây giờ đã nguy cấp lắm rồi.

Mia cảm thấy trời đất như quay cuồng. Bọng đái cô căng đầy, đè vào thành bụng đau anh ách nhưng cơ thể bên trong lại đang kêu gào vì thiếu nước, khô héo như một cái cây mùa nắng hạn. Nhiều giờ đồng hồ đóng mình trong mớ đồ bảo hộ lỉnh kỉnh, dày như vải bố, hai bên gò má của cô hằn lên hai lằn của chiếc mặt nạ N95.

Nhìn thoáng qua, trông như hai vết bớt kỳ dị bẩm sinh. Cách đeo mặt nạ đúng là không được để không khí thoát ra ngoài, cũng vì thế mà tạo nên những vết lằn chằng chịt trên gương mặt thanh tú ấy.

Nếu ai đã từng sử dụng qua mặt nạ N95 một cách đúng chuẩn sẽ hiểu cảm giác khó thở và đau đớn, khi hai cạnh của chiếc mặt nạ buộc phải được kéo căng và siết chặt vào hai bên gò má. Chỉ cần đeo một vài phút, vùng da ấy sẽ đỏ rát, chứ đừng nói đến đeo trong nhiều giờ đồng hồ liên tục.

Thời tiết của Australia đang vào thu, nhiệt độ trung bình là 15 độ C nhưng trên gương mặt Mia vẫn lấm tấm mồ hôi vì nóng.

Thật là kinh khủng khi phải tự ngửi hơi thở sặc mùi hành tỏi của chính mình trong một thời gian dài. Mia đã phải ăn qua loa một chiếc bánh burger của cửa hàng McDonald trước giờ vào ca.

Đôi khi Mia tự nhìn mình trong gương và giật mình. Mới có ba tháng mà mọi thứ đã thay đổi một cách chóng mặt như thế sao? Một Mia xinh đẹp, nổi tiếng là hoa khôi của Khoa Bệnh Truyền nhiễm của bệnh viện Westmead, bệnh viện lớn nhất nước Australia, giờ đây đã tàn tạ đến nỗi không còn có thể nhận ra.

Gương mặt hơi vuông cá tính kết hợp độc đáo với đôi gò má đầy đặn của trẻ thơ, làn da căng mướt không tì vết và sắc da tươi tắn như búp hoa vừa uống những giọt sương mai, giờ đã được thay bằng một cái đầu lâu khô quắt, hai trũng má hõm sâu.

Căng lên trên khung đầu lâu ấy là lớp da xỉn màu, tái nhợt, lấm tấm mụn vì cà phê và những đêm mất ngủ. Đó là chưa kể đến những vết lằn chằng chịt được tạo ra bởi sự ma sát giữa những chiếc nón, những chiếc kính bảo hộ và khẩu trang siết chặt ma sát với làn da mỏng manh.

Cách đây ba tháng, bệnh viện vẫn còn đủ khẩu trang N95 cho tập thể y tá và bác sĩ, nhưng con số người nhiễm virus Corona ngày càng tăng lên. Người dân, lớp thì nháo nhào đi mua khẩu trang về tích trữ; lớp thì kỳ thị, bạo ngược, đánh người đeo khẩu trang nơi công cộng vì cho rằng họ là mầm mống của bệnh tật.

Có một giai đoạn, cán bộ y tế không còn đủ mặt nạ chuẩn để dùng. Mặt nạ N95 là loại khẩu trang đặc biệt lọc được 95%, 99% bụi mịn 0,3 micron trong không khí, tốt hơn hơn khẩu trang y tế gấp nhiều lần. Nhưng khi mà cả khẩu trang y tế cũng là một món hàng xa xỉ thì chẳng ai còn mơ đến N95.

Tình trạng sử dụng khẩu trang y tế thay cho khẩu trang N95 chỉ kéo dài khoảng hơn một tuần và đã làm dấy lên một làn sóng phản đối kịch liệt từ đội ngũ y bác sĩ. Sau đó, N95 đường hoàng trở lại trên kệ, nhưng lần này lại có một quy định oái ăm mới kèm theo.

Ngày Mia và các đồng nghiệp nghe Trưởng Khoa tuyên bố, Giám đốc Sở Y tế ra yêu cầu mỗi y tá sẽ phải dùng một chiếc khẩu trang trong suốt ca trực để tiết kiệm và bảo tồn số khẩu trang y tế còn lại. Mọi người đều cảm thấy đất trời như sụp đổ.

Bộ Y tế New South Wales đã thừa nhận với báo giới về tình trạng thiếu hụt mặt nạ N95 ở các bệnh viện công. Các y bác sĩ phải ghi tên và ngày sử dụng lên mặt nạ nếu muốn tháo ra và phải được tái sử dụng, dù điều này là trái với chính sách của Tổ chức Y tế thế giới.

Những loại mặt nạ này được thiết kế chỉ cho một lần sử dụng và việc bị buộc phải dùng lại sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm khiến cho các y bác sĩ không khỏi hoang mang.

Những ca trực được kéo dài từ tám tiếng thành mười hai tiếng. Ai cũng phải nhịn tiêu, nhịn tiểu và bí bách lắm mới được đi vệ sinh, nhưng khẩu trang thì vẫn phải giữ nguyên trên mặt. Tình hình bây giờ đã nguy cấp lắm rồi.

Tuy vậy, Mia vẫn cảm thấy mình thật may mắn. Cách đây vài ngày, đứa em họ của nàng, cũng là một y tá đang làm việc tại Ý, khóc tu tu qua điện thoại. Cô em họ kể rằng ở Ý, bệnh viện đang vỡ trận vì quá tải.

Họ bị đẩy đến con đường phải chọn bệnh nhân nào trẻ để chữa trị, và từ chối những người cao tuổi. Người chết nhiều như ngả rạ. Các y tá có khi còn phải tự may khẩu trang vải mà dùng.

Hai chị em an ủi và động viên lẫn nhau phải cố lên, bởi chúng ta là những người lính đứng đầu chiến tuyến, chống lại đại dịch toàn cầu. So với Italy, Australia vẫn còn may mắn hơn rất nhiều.

***

Mẹ không muốn lây bệnh cho con

Mia suốt ngày tiếp xúc với người bệnh. Cô lo lắng có thể lây cho con gái Anna và cả mẹ của cô ở nhà bất cứ lúc nào.

Ngôi nhà mà Mia, Anna và mẹ cô đang ở là số tiền tích cóp, dành dụm của cô từ nhiều năm nay. Ngôi nhà không lớn lắm, nhưng ấm cúng và tràn ngập tiếng cười trẻ thơ. Ngôi nhà, bản thân nó chỉ là một vật thể vô cảm.

Nhưng chính tình yêu bên dưới mái nhà mới tạo ra một mái ấm. Cả ba thế hệ sống cùng nhau, chăm sóc và đùm bọc nhau rất vui vẻ hòa thuận.

Mọi chuyện chỉ thay đổi từ sau khi đại dịch COVID-19 tràn vào nước Úc sau khi đã đi chu du khắp năm châu. Bang New South Wales chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Và thành phố Sydney nơi cô đang sống là tâm điểm dịch của quốc gia.

Khoa Bệnh Truyền nhiễm chính là một trong các khoa đi đầu trong việc tiếp nhận những bệnh nhân dương tính với virus Corona. Ban đầu chỉ có vài người, sau đó số ca leo thang, và nguy hiểm hơn là thang máy chứ không phải thang bộ.

Bây giờ thì tất cả bệnh nhân của khoa đều mang trong mình virus này. Virus Corona có đặc tính lây lan rất nhanh. Hiện tại, cấu trúc của nó vẫn đang biến chuyển thay đổi theo từng ngày, rất khó để nắm bắt để nghiên cứu triệt để.

Tối thứ tư, Mia nghe thấy trên ti vi, Bộ Y tế New South Wales thông báo đã có 127 ca dương tính của bang đều là nhân viên y tế như bác sĩ, y tá. Cô bắt đầu lo lắng, lo cho mình thì ít mà cho mẹ già, con thơ thì nhiều.

- Mình không muốn về nhà, Faith ạ - Mia thở dài, tâm sự với người đồng nghiệp thân tín trong lúc cả hai đang đứng chờ mua cà phê ở quầy căn tin của bệnh viện.

Faith là bạn tốt của cô trong khoa, một cô y tá luôn thường trực nụ cười trên môi, là kiểu người mà nếu bạn hỏi cô ấy hôm nay thời tiết ở ngoài như thế nào thì thay vì chỉ nhìn điện thoại, cô ấy sẽ bước hẳn ra ngoài sân rồi nói với bạn rằng: “Hôm nay trời nhiều mây”. Faith tốt bụng, nhiệt thành và đầy sức sống.

- Ý bạn là sao? - Faith nheo mắt ra chiều không hiểu. Sau đó cô quay sang nói với nhân viên pha chế - Làm ơn cho tôi một ly capuchino, hai shot nhé, cảm ơn nhiều.

Đoạn, Faith quay sang Mia:

- Bạn nói tiếp đi.

- Bạn nghĩ xem, mình suốt ngày tiếp xúc với người bệnh như thế này. Lỡ như mình bị thì sẽ lây cho con bé Anna, và cả mẹ của mình ở nhà nữa. Mẹ mình lại có tiền sử tiểu đường, sức đề kháng yếu. Con bé thì nhỏ quá…

Đến đây thì Faith hiểu ra mọi sự băn khoăn của bạn. Cô thấy lòng chùng xuống một nỗi buồn:

- Mình hiểu rồi, cũng đúng nhỉ...

Cả hai im lặng một hồi lâu. Trong quầy, cậu trai pha chế với chiếc tạp dề đen đang cho cà phê vào bộ lọc, dùng tamper nén cà phê xuống. Thao tác rất chuyên nghiệp.

Mia nhìn bâng quơ một hồi lâu rồi tâm sự:

- Mình đang định sẽ dọn ra ngoài ở một thời gian. Nhưng tiền phòng mắc quá, lại phải trả tiền ngân hàng mỗi tháng cho căn nhà mình mua góp, rồi còn tiền học cho con nữa. Mẹ mình thì từ ngày mình ly dị với ba con bé chỉ ở nhà chăm cháu thôi.

Nhà nước đâu tài trợ bao nhiêu. Nhưng cứ ở chung nhà thế này thì mình không yên tâm chút nào! Mình thì không sao, nhưng còn con bé Anna và mẹ mình nữa. Nhiều khi mình không phát triệu chứng ngay, rồi lây cho họ hồi nào không biết.

Dù cho kỹ lưỡng cách mấy cũng sẽ rất khó, vì ở cùng nhà thì kiểu gì cũng dễ lây lan. Con bé lại quấn mẹ, mình ở nhà thì dễ gì nó không động vào mình. Muốn tự cách ly cũng khó lắm.

Một y tá tại phòng khám coronavirus ở Adelaide. Nguồn: Reuters.

Faith thở hắt ra:

- Thời buổi này, mà nói bạn là y tá thì người ta sợ gần chết chẳng ai dám cho bạn share phòng hay thuê nhà đâu…

Mia nghiệm thấy Faith nói đúng. Vả lại thuê cả căn nhà thì quá đắt. Người pha chế lúc này đang lắc nhẹ bình kim loại với bọt sữa thanh trùng phồng lên như bọt xà phòng, anh ta lắc bình và đổ xuống cà phê theo cách để cho bọt sữa khuấy ngược lên tạo nên những hoa văn đẹp mắt. Đoạn, anh ta dùng tay gõ nhẹ để rắc bột ca cao lên trên miệng ly.

- Cảm ơn anh - Faith đưa tay đón ly cà phê, tay kia cầm thẻ tín dụng gõ vào đầu chiếc máy vuông đen đang nằm dài lười biếng.

Một tiếng bip vang lên. Số tiền đã được tự động khấu trừ vào tài khoản. Cô im lặng nhấp một ngụm cà phê, liếm môi lau lớp bọt trắng trên mé rồi nhẹ nhàng đề nghị:

Hay là Mia qua nhà mình ở?

- Bạn nói sao chứ?

- Mình nói nghiêm túc đấy - Faith nghiêm nghị đáp - Mình ở có một mình thôi, trước đây có cho một cặp vợ chồng người Ấn Độ thuê phòng. Nhưng họ thấy mình làm y tá, sợ mình bệnh nên dọn ra ngoài rồi. Giờ mình ở một mình thôi.

Hai đứa mình làm chung khoa, có gì mà sợ chứ. Bạn tiếp xúc với người bệnh, mình cũng tiếp xúc với người bệnh vậy. Chạy trời không khỏi nắng, haha! Mình có một phòng có nhà tắm riêng... Bạn muốn thì mình cho bạn thuê, lấy giá hữu nghị thôi.

- Faith nói thật không? - Mia mừng rỡ - Nếu được vậy thì tốt quá.

Sắp xếp được chỗ ở mới tưởng khó nhưng lại không khó. Chỉ đến khi cô báo tin cho Anna thì cái khó mới xuất đầu lộ diện. Anna là một cô bé cực kỳ quấn mẹ, nghe nói mẹ sắp dọn ra ở nơi khác nó giãy đành đạch lên, khóc tức tưởi:

- Không! Không! Không! Con không chịu! Con không chịu đâu! Con không muốn mẹ dọn ra ở chỗ khác! Mẹ phải ở với con chứ! Bộ mẹ hết thương con rồi hả?

Mia dỗ dành con bé:

Nín đi con! Đừng khóc! Mẹ thương con mà! Chính vì thương con cho nên mẹ mới muốn ra ở riêng, để con đừng ở gần mẹ quá. Mẹ không muốn lây bệnh cho con...

Suốt một tuần từ khi Mia dọn ra ngoài, mỗi tối mẹ Mia vẫn nghe bé Anna khóc nỉ non vì nhớ mẹ, dù Mia luôn tranh thủ gọi điện về cho con nhiều nhất có thể.

***

Nỗi buồn của y tá bị kỳ thị

Truyền thông Australia ghi nhận một số y tá bị người đi đường vô cớ hành hung hoặc xúc phạm vì cho rằng nhân viên y tế đem virus từ bệnh viện phát tán ra cộng đồng.

Mia ngồi trên tàu hỏa mỗi ngày đến chỗ làm. Bệnh viện cô nằm ở giữa trung tâm của thành phố Sydney sầm uất. Tìm chỗ giữ xe ở đây cảm tưởng như đãi cát tìm vàng.

Giá gửi xe lại đắt đỏ. Mặc dù bệnh viện có tài trợ miễn giảm cho nhân viên, nhưng vẫn phải nộp đơn và chờ đợi khá lâu. Mia đã nộp đơn được hơn sáu tháng nay mà vẫn chưa nhận được hồi âm.

Từ khi đại dịch lan rộng, nhà nước miễn hẳn tiền vé tàu cho nhân viên y tế, chỉ cần trình thẻ nhân viên cho tài xế là được, vì thế dùng phương tiện công cộng trở nên dễ dàng thuận lợi hơn rất nhiều.

Ngồi trên tàu hỏa, cô nhìn ra bên ngoài cửa kính, mọi vật lướt ngang qua đường ray như một cuốn băng video được tua nhanh. Cảnh vật hòa vào nhau thành một mảng nhờ nhờ. Chỉ mới xa Anna có hơn một tuần mà trong lòng cô cảm thấy nhớ con gái quay quắt.

- Cô là y tá ở bệnh viện à?

Một giọng nói khàn khàn, đục đục vang lên bên tai cắt ngang dòng suy nghĩ khiến Mia giật mình. Cô nhìn sang thì thấy bên cạnh là một người đàn ông với gương mặt hung tợn, hai mắt lờ đờ như người say rượu, miệng nồng nặc mùi thuốc lá rẻ tiền.

Nhìn ông ta lấm lem như thể vừa chui từ lòng đất lên. Trên người là bộ quần áo lao động với hai màu cam dạ quang và xanh biển. Tay phải ông ta cầm một chiếc áo khoác nỉ đồng màu.

Mia liếc nhanh xuống bộ đồng phục y tá mà mình đang mặc với vẻ tự hào không che giấu và khẽ mỉm cười:

- Vâng. Tôi là y tá.

Những tưởng người đàn ông sẽ hỏi thăm cô về tình hình Covid-19 ở bệnh viện, nhưng những gì mà người đàn ông sắp sửa làm khiến Mia không thể ngờ. Mặt ông ta sa sầm lại và bắt đầu hét lớn khiến những hành khách còn lại trên tàu hỏa phải giật mình:

- Đồ khốn nạn! Con nhỏ châu Á khốn nạn! Sao mày dám bước lên trên tàu hỏa lây bệnh cho mọi người! Mày cũng nhiễm Covid! Con khốn! Mày cút về nước của mày ngay! Sao mày dám đem vi trùng, vi khuẩn của mày sang nước của chúng tao, lây bệnh cho người của tao?

Nói đoạn, ông ta dùng chiếc áo khoác quất tới tấp vào người Mia, vừa quất vừa thét lên “Cút! Cút!” khiến cô quá bất ngờ nên không kịp đưa tay lên đỡ những cú đánh đầu tiên.

Này! Này! Một người đàn ông da trắng cao lớn, mặc áo sơ mi và quần tây công sở đang đọc sách ở hàng ghế gần đó, thấy chuyện bất bình, liền nhào tới can ngăn.

- Ông làm gì thế?

- Nó dám mặc đồng phục bệnh viện ra đường! Nó muốn lây bệnh cho toàn xã hội!

- Ở bệnh viện người ta luôn cho nhân viên mặc đồ bảo hộ khi tiếp xúc với bệnh nhân, hơn nữa luôn phải rửa tay rất thường xuyên, trước và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân. Cô ấy biết rõ mình đang làm gì. Ông đừng có mà quá đáng như thế!

Người đàn ông lạ mặt nói đỡ cho Mia.

- Tao không quan tâm! Mày nói đỡ cho con nhỏ Tàu này hả? Tao đánh chết mày bây giờ.

Nói xong, ông ta vừa giơ nắm đấm lên, định hành hung luôn cả người khách lạ thì hai nhân viên bảo vệ tàu đã bước đến, nhanh chóng quắp hai tay ông ra sau lưng. Người đàn ông lè nhè chửi rủa thêm vài câu nữa rồi bị giải xuống ở ga tàu kế tiếp.

- Cô không sao chứ?

Thấy Mia ngồi thẫn thờ như người mất sổ gạo, người đàn ông đã nói giúp cho cô bước đến, ân cần hỏi.

- Tôi không sao... Cảm ơn anh.

- Đừng để ý tới tên đó nhé. Trên đời thật có lắm kẻ ngu. Bản thân tôi luôn dành cho những người làm công việc ở đầu chiến tuyến như cô những lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất...

Ánh mắt anh ta dịu dàng, khóe miệng cong lên như một nụ cười an ủi.

- Mà nhân tiện đây, cô thật sự là một nữ y tá xinh đẹp nhất mà tôi từng được nhìn thấy từ trước đến giờ!

Người đàn ông thòng thêm một câu cảm thán, vừa ngưỡng mộ vừa có ý tán tỉnh.

- Cảm ơn anh.

Mia đáp nhưng không thể cười nổi, dù chỉ là một nụ cười xã giao. Cô vẫn còn chết lặng trong cơn sốc. Cô không thể tin những gì vừa xảy ra.

Màu da vàng và gương mặt Á Đông này chính là thứ đã khiến cô bị kỳ thị ư? Mia chợt bật cười chua chát và ngẫm nghĩ về thời ấu thơ của mình.

[…]

Đến bệnh viện, Mia bước vào nhà vệ sinh tranh thủ rửa mặt cho hai mắt bớt sưng và sửa mái tóc rối bù. Cô không muốn ai biết mình vừa khóc. Nhưng Mia không phải là nạn nhân đầu tiên của vấn nạn kỳ thị chủng tộc lẫn nhân viên y tế này.

Trong cuộc họp toàn khoa ngày hôm đó, y tá trưởng đã dặn dò tập thể không được mặc đồng phục ở nơi công cộng. Truyền thông và báo đài đã ghi nhận có một số y tá bị người đi đường vô cớ hành hung hoặc phỉ nhổ vì cho rằng nhân viên y tế đem virus từ bệnh viện phát tán ra cộng đồng.

Ngay chiều hôm đó, Bộ trưởng Bộ Y tế của New South Wales, ông Brad Hazzard, thông báo sẽ phạt 5.000 đôla bất kỳ ai nhổ nước bọt, hay cố tình ho vào người các nhân viên y tế. Khi họ ban hành một luật lệ cho một hiện tượng thì rõ ràng hiện tượng đó đã được lặp lại một cách thường xuyên!

 
 

 

 

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Relax For Life Japanese Massage Chairs Vùng: Peakhurst. Phone: 02 8307 0878
Xem thêm

Article sourced from Zing.