‘Nữ hoàng băng giá’ là một trong 10 thác nước hùng vĩ nhất thế giới
Thác Niagara là một địa điểm tuyệt vời để tham quan. Ảnh: Trí thức trẻ
Thác nước Niagara ở sông Niagara tại Bắc Mỹ được biết đến là một trong 10 thác nước hùng vĩ nhất thế giới. Điều đặc biệt là cứ vào mùa đông, toàn bộ dòng nước ở đây bị đông cứng, thác nước Niagara nhanh chóng trở thành những khối băng rộng khổng lồ nối Mỹ và Canada.
Được biết, có năm nhiệt độ ở nhiều khu vực chỉ còn -67 độ C. Nhiệt độ xuống thấp đột ngột thậm chí khiến dòng nước chảy từ trên cao xuống đóng băng giữa không trung, tạo nên một cảnh tượng kỳ vỹ. Đây chính là lý do khiến nhiều du khách vẫn bất chấp giá lạnh khắc nghiệt để tận mắt chứng kiến và ghi lại những hình ảnh về hiện tượng thiên nhiên hy hữu này.
Lần gần đây nhất thác nước này bị đóng băng hoàn toàn là vào tháng 1/2014, khi nhiệt độ xuống dưới -19 độ C.
Trước đó vào những năm 1880, thác nước này cũng đã đóng băng, người ta thấy trẻ em trượt băng trên nền đất. Cụ thể, trong một bức ảnh được chụp vào đầu thế kỷ 20 trong cuốn sách "Thác nước Niagara: 1850-2000" bởi tác giả Paul Gromosiak và Christopher Stoianoff, người ta có thể thấy trẻ em đang chơi đùa gần thác nước, trên một núi băng khổng lồ.
Bên cạnh đó, việc thác nước đóng băng cũng giúp du khách đi bộ giữa 2 nước Mỹ và Canada dễ dàng. Tuy nhiên kéo theo đó là hệ quả, những tay buôn sẽ tìm cách tận dụng cơ hội để buôn bán những món đồ mùa đông. Thậm chí vào ngày 14/2/1883, một tay bợm rượu còn dựng cả chiếc lều giữa cây cầu băng khổng lồ và bán rượu dù luật pháp không cho phép.
Trên thực tế, thời tiết giá lạnh khiến số người tử vong tại Mỹ và Canada tăng lên. Nhiều chương trình chào đón năm mới cũng đã bị hoãn lại. Tại hồ Pigeon, bang Michigan, buổi trình diễn trượt nước tổ chức hàng năm vào ngày đầu năm mới đã bị hủy bỏ lần đầu tiên kể từ năm 1980 vì nước hồ đóng băng.
Hình ảnh thác nước trong ngày nắng. Ảnh: Trí thức trẻ
Theo tìm hiểu, Niagara sẽ rơi 2407 mét khối nước mỗi giây. Lượng nước đủ nhiều để có thể xây thủy điện. Tuy nhiên, vào năm 1969, thác Niagara đã cạn kiệt và chỉ còn chảy nước ở đoạn giữa.
Sự cạn kiệt không phải là do tự nhiên mà do yếu tố nhân tạo. Vì có nhiều đất đá bị cuốn trôi khỏi thác Niagara, các nhà địa chất lo lắng rằng thác Niagara bị xói mòn và biến mất. Vì vậy, chính phủ Mỹ và Canada đã quyết định khiến thác Niagara ngừng chảy trong 5 tháng để khắc phục.
Vào tháng 6/1969, hơn 12.000 xe tải đã tập kết và đổ hơn 20.000 tấn đá sa thạch xuống sông để xây dựng một con đập tạm thời. Sau đó, dòng nước được rút dần và làm khô thác Niagara.
Trong quá trình khắc phục địa hình, họ tìm thấy 2 xác chết. Việc này khá ngạc nhiên vì mỗi năm có khoảng hơn 40 vụ tai nạn và tự tử tại đây, các chuyên gia nghĩ rằng sẽ thấy nhiều xác chết hơn.
Sau khi thác nước bị làm khô, nhiều du khách vẫn đến thăm và đi lòng vòng để tìm những đồng xu đã bị ném xuống sông. Tháng 11/1969, thác Niagara tiếp tục dòng chảy mạnh mẽ của mình, trở thành một biểu tượng của những con thác hùng vĩ nhất thế giới cho đến tận ngày nay.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2278454