Nơi đàn ông phải biết đan mũ để tán tỉnh phụ nữ

06:00' 08-09-2021
Truyền thống đặc biệt trên hòn đảo nhỏ Taquile (Peru) tồn tại gần 500 năm qua. Ngày nay, đàn ông trên đảo vẫn tiếp tục đan mũ để thể hiện sự hấp dẫn của mình.

Giá trị của một người đàn ông tại Taquile không thể hiện ở khả năng săn bắn, câu cá hay những công việc nặng nhọc khác. Điều họ quan tâm nhất là kỹ năng đan lát - điều thường thấy ở phụ nữ hơn.

Những chiếc mũ quyền lực

Alejandro Flores Huatta sinh ra trên hòn đảo 1.300 người này. Năm nay, ông đã 67 tuổi. Kỹ năng đan lát của Alejandro được xếp vào hạng bậc thầy trên đảo.

Chullo - loại mũ biểu tượng của đảo - là thứ đàn ông ở Taquile buộc phải biết đan để được công nhận. Loại mũ này được sử dụng rộng rãi ở vùng núi Andean. Người bản địa dùng chullo để chống chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Nó có vành tai, dây buộc ở dưới cằm và màu sắc đa dạng.

Alejandro học kỹ thuật làm chullo từ anh trai và ông nội. Ông có thể dễ dàng đan chullo bằng gai xương rồng thay vì kim đan.

"Hầu hết đàn ông học bằng cách nhìn người đi trước làm. Tôi không có cha nên ông nội và anh trai là người dạy tôi đan", ông kể.

Những chiếc chullo có ý nghĩa đặc biệt với cộng đồng dân đảo Taquile.

Lý do việc học dựa trên xem người đi trước làm là bởi ngôn ngữ địa phương của Taquile không được viết ra. Do đó, họ chỉ có thể hướng dẫn cho lớp kế cận bằng hành động.

Chullo mang nhiều ý nghĩa với người dân đảo Taquile - nơi nổi tiếng với hàng dệt may. Trong khi phụ nữ dệt vải và cung cấp len từ cừu, nam giới sẽ có trách nhiệm sản xuất những chiếc chullo. Với họ, chullo không đơn thuần là thứ đồ giữ ấm. Nó đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc xã hội của hòn đảo.

Một chiếc mũ chullo thể hiện sự sáng tạo, bản lĩnh, ước mơ của đàn ông. Thông qua chullo, họ còn có thể nói lên tâm trạng của mình. Đó là một truyền thống mà người dân trên đảo đang nỗ lực để bảo tồn.

Năm 2005, nghệ thuật dệt may của Taquile được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của Nhân loại. Alejandro thuộc top 7 người đàn ông được xếp hạng bậc thầy dệt may. Một trong sô này là chủ tịch đảo, ông Juan Quispe Huatta.

Các cậu bé ở Taquile bắt đầu học đan chullo từ lúc 5 hoặc 6 tuổi. Chiếc mũ đầu tiên những đứa trẻ học làm sẽ có màu trắng. Sau này, chúng được học thêm các kỹ thuật, cách pha chế màu từ thực vật và các khoáng chất khác để làm nên những chiếc mũ tinh tế, màu sắc hơn. Trung bình, kể cả những thợ lành nghề cũng phải mất một tháng để làm một chiếc chullo. Lý do là chullo đòi hỏi sự phức tạp, thể hiện những ý nghĩa đặc biệt thay vì chỉ có tác dụng giữ ấm.

Chullo thể hiện nhiều thứ ở đàn ông và giúp họ lấy vợ.

Nhờ chullo, đàn ông trên đảo cũng có thể cưới được vợ. Các cô gái chọn bạn đời dựa trên khả năng khả năng đan chullo bằng những chiếc kim mảnh.

Theo Alejandro, dấu hiệu của một bạn đời tốt nằm ở việc anh ta có thể dệt được chiếc chullo chất lượng.

"Các ông bố chồng kiểm tra sự chu đáo của chàng rể bằng cách này. Một chiếc chullo tốt phải giữ được nước khi di chuyển khoảng cách xa. Chiếc mũ của tôi có thể đi 30 m mà không rơi giọt nước nào. Nó khiến vợ tôi ấn tượng", ông tự hào kể.

Chủ tịch đảo, ông Juan, cũng xác nhận điều này. Các cô gái trên đảo mong muốn chồng mình đan được những chiếc chullo hoàn hảo. Nếu bạn đan được chiếc mũ càng tốt, cơ hội có bạn gái sẽ rõ ràng và nhanh hơn. Trong những bài kiểm tra cưới vợ, không chỉ bố cô dâu, cả gia đình nhà gái cũng tập trung lại để đánh giá chiếc mũ bạn đan.

Các biểu tượng trên chullo được làm tùy theo ý tưởng người đan. Tuy nhiên, có một số hình tượng phổ biến như bông hồng 6 cánh (đại diện cho 6 cộng đồng trên đảo), các loại chim cò, gia súc, cừu, chim ưng... Những biểu tượng liên quan đến nông nghiệp cũng thường được sử dụng.

2 màu sắc chính của chullo là đỏ và xanh. Đỏ đại diện cho máu của những người xưa đã ngã xuống. Xanh nói lên sự tôn kính với hồ thiêng Mama Cocha.

"Chỉ khi làm được chiếc chullo thực sự tốt, anh ta mới đáng làm đàn ông", Alejandro nói thêm.

Suốt cuộc đời người đàn ông, chullo cũng thay đổi liên tục. Khi anh ta đạt đến thứ bậc cao như vị trí lãnh đạo, trưởng lão..., chiếc chullo cũng cần thay đổi theo.

Vai trò của phụ nữ

Phụ nữ được coi trọng trong văn hóa của đảo Taquile. Họ có tiếng nói trong các quyết định của gia đình cũng như hòn đảo.

Alejandro nói: "Chúng tôi đều có trách nhiệm và làm việc, đưa ra quyết định cùng nhau. Một người đàn ông độc thân không thể tự làm lãnh đạo. Anh ta cần vợ mình. Từ thời cổ đại, đó đã là quy luật".

Ngoài ra, phụ nữ cũng có những sản phẩm làm nên tên tuổi họ, giống chullo của đàn ông. Họ thành thạo trong việc dệt những chiếc thắt lưng, gọi là chumpi. Đây cũng là món quà các cô dâu tặng cho chú rể vào ngày cưới.

Bên trong chumpi có tóc của người vợ. Khi còn độc thân, tóc bên trong chumpi là của mẹ chàng trai.

Phụ nữ có tiếng nói quan trọng trên đảo và giữ vai trò sản xuất chumpi.

Họa tiết của chumpi cũng như chullo, thường mang những ý nghĩa biểu tượng và đặc trưng của từng gia đình, cộng đồng trên đảo. Ngoài ra, điểm chung của chumpi là đều có 12 ô thể hiện 12 tháng trong năm. Do đó, chumpi hay được gọi với tên "thắt lưng lịch".

"Nếu là thợ dệt giỏi, cô gái sẽ tạo nên những biểu tượng, hoa văn đặc sắc trên chumpi. Họ có thể kể cả một câu chuyện bằng chiếc thắt lưng đó", Alejandro nói.

Phụ nữ Taquile truyền kỹ thuật này cho con gái và cháu gái của họ. Chumpi cũng hữu ích trong đời sống và thường được dùng như công cụ hỗ trợ việc gieo hạt, trồng trọt và xén lông cừu...

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: http://news.zing.vn/noi-dan-ong-phai-biet-dan-mu-de-tan-tinh-phu-nu-post1259645.html