Niềm vui tự chế bonsai mini từ cây dại
Trước kia, Nguyễn Mạnh Huy từng có cuộc sống ổn định với nghề nhiếp ảnh và thiết kế. Nói với Zing, anh cho biết đó là công việc tốt mà mình cũng từng dành rất nhiều thời gian và tâm huyết. Tuy nhiên, niềm vui được ngắm nhìn những cây bonsai do mình tự tay làm ra đã khiến anh quyết định đổi hướng.
"Ban đầu, tôi chỉ tập tành xây kênh để chia sẻ niềm đam mê mới. May mắn thế nào, những video nhặt cây ven đường về làm thành bonsai của tôi lại được nhiều người yêu thích. Thế là tôi cũng thử tập tành buôn bán, cả những cây mình làm lẫn nhập thêm do số lượng không đủ. Nhìn chung, mọi thứ giờ cũng tốt", anh Huy chia sẻ.
|
Mạnh Huy nổi tiếng nhờ những video nhặt cây dại ven đường về nhà và biến thành bonsai. Ảnh: Anh Tú. |
Hàng ngày, ngoài việc buôn bán, anh lại "khảo sát" xung quanh xem có cây dại nào để nhổ làm phôi bonsai. Có khi, anh tìm thấy cây bên bờ sông. Có lúc, anh lại nhổ cây bên vệ đường. Hay thỉnh thoảng, trước cửa nhà hàng xóm mọc lên cây dại trông hay, anh cũng ra xin nhổ để về tạo tác.
Chàng trai Hà Nội cho biết việc nhặt cây dại làm bonsai thú vị hơn hẳn so với mua sẵn. Từ một cây xấu xí ban đầu, qua bàn tay và đầu óc sáng tạo của mình, anh có thể biến nó thành thứ hoàn toàn khác. Mạnh Huy gọi đó là "huấn luyện" cây.
Với anh, công việc huấn luyện cây giống nuôi một con chó. Nếu chỉ nuôi mà không dạy, con chó khó có thể khôn được. Cây cũng vậy, nếu để mọc dại ven đường, sau nhiều năm, nó sẽ vẫn lớn. Tuy nhiên, nó sẽ chỉ là một cái cây bình thường, thẳng đứng, chẳng có gì đáng chú ý.
|
2 cây bonsai mini trong bộ sưu tập tự làm của chàng trai sinh năm 1990. Ảnh: Anh Tú. |
Đó là cái thú của dân chơi bonsai. Theo anh Huy, điều anh thích ở cây bonsai so với cây cảnh bình thường là 4 yếu tố: cổ (sự già cỗi), kỳ (kỳ lạ, kỳ công), mỹ (thẩm mỹ), văn (ý nghĩa của cây). Mỗi yếu tố đều có những thú vị riêng với người chơi cây.
Ví dụ cổ không chỉ là tuổi đời của cây. Đó còn là thời gian người chủ dành để huấn luyện nó từ cây non, dại trở thành một bonsai đẹp. Hay với yếu tố văn, mỗi cây thường sẽ được gắn cho những ý nghĩa từ xa xưa. Tuy nhiên, với bàn tay tạo tác của người trồng, cây có thể biến đổi thành những hình dáng đặc biệt, mang ý nghĩa, tâm tư riêng.
Tư duy nghệ thuật, sáng tạo giúp Mạnh Huy được yêu thích dù anh tự nhận trình độ của mình còn non. Ảnh: Anh Tú. |
"Tôi vẫn nhớ cây si mình nhặt ở đầu ngõ cách đây 2 năm. Mẹ tôi bán hàng ở đầu ngõ. Tôi qua lấy đồ ăn vô tình nhìn thấy. Ban đầu, nhìn nó chẳng có gì đặc biệt. Sau 3, 4 lần thay chậu và được huấn luyện, nó trông khác xưa hoàn toàn. Bộ rễ nó không còn non, dáng tựa đá rất vững chãi", anh chia sẻ.
Chàng trai Hà Nội tự nhận xét mình không phải lão làng trong giới bonsai. Bản thân anh thấy nghệ thuật tạo tác của mình cũng còn nhiều khiếm khuyết. Bù lại, anh có những lợi thế về tư duy nhờ công việc sáng tạo trước kia.
Mạnh Huy cho biết có rất nhiều nghệ nhân bonsai, cây cảnh ở Việt Nam. Tuy nhiên, họ không quay lại những video mình làm, có thể do lười, cũng có thể do ngại tiếp xúc công nghệ. Dù trình độ chưa cao, Mạnh Huy lại biết cách thu hút với những câu chuyện khi nhặt cây dại ngoài đường về làm thành bonsai. Anh cũng nói thêm cách làm này không mới trong giới chơi bonsai nhưng để hấp dẫn được người xem, bạn cần có đầu óc sáng tạo.
"Tôi tự nhận mình không giỏi. Nếu muốn học về bonsai, mọi người có thể tìm những nghệ nhân khác. Tôi nghĩ mình chỉ giống cầu nối cho thế hệ trẻ, từ 9X, gen Z... đến với bộ môn này. Cuộc sống số làm con người xa dần với thiên nhiên, giới trẻ chẳng có gì chơi ngoài điện thoại. Tôi muốn truyền đi cái đam mê ấy và tính đến giờ, mọi thứ có vẻ đang thành công", anh nói thêm.
Bonsai hay Bồn Tài là nghệ thuật trồng cây trong chậu của người Nhật Bản. Nó xuất phát từ Trung Quốc nhưng sau đó lại phát triển mạnh mẽ ở xứ anh đào. Mỗi cây bonsai phải hội tụ những yếu tố nghệ thuật đơn giản, tinh tế và thể hiện sự hòa hợp của con người với thiên nhiên.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/tu-che-bonsai-mini-tu-cay-dai-post1307649.html