Những thương hiệu xe thành công nhất tại Trung Quốc
Dù mức tăng trưởng doanh số thường niên tại đây không còn khả năng duy trì ở mốc 20% đều đặn như giai đoạn trước đó, ngành ô tô vẫn luôn là một trong những mũi nhọn kinh tế của Trung Quốc. Sản lượng xe tại đây cũng chiếm gần 25% tổng sản lượng toàn cầu từ năm 2015.
Tuy vậy, với việc số xe có mặt trên thị trường mới chỉ bằng hơn một phần hai số người có bằng lái, tiềm năng Trung Quốc sở hữu vẫn lớn hơn hẳn so với những sân chơi đã phát triển (Mỹ, Đức) hay đang phát triển với tốc độ cao (Ấn Độ, Brazil). Con số 24,72 triệu xe du lịch và 4,16 triệu xe thương mại bán ra trong năm 2017 chắc chắn vẫn sẽ bị phá vỡ trong tương lai gần.
Dưới đây là những thương hiệu đã khai thác tốt nhất sân chơi Trung Quốc trong năm ngoái. Đáng chú ý, 2 cái tên dẫn đầu trong danh sách không phải là thương hiệu nội địa vốn được ưu ái về quy định và điều kiện kinh doanh mà lại là 2 ông lớn toàn cầu, trong đó vị trí số 2 có lẽ là cái tên ít người ngờ đến.
Volkswagen (3,14 triệu xe)
Kể từ thập niên 1980, Volkswagen đã đẩy mạnh sản lượng xe do mình và các liên minh Trung Quốc lắp ráp. Thành công ất yếu đến với họ nhờ các con bài chủ lực Lavida và Phideon. Cũng bởi xe diesel không có vai trò quá quan trọng tại thị trường này mà scandal Dieselgate bùng nổ 3 năm trước không gây ảnh hưởng doanh số. Thị phần hãng tại Trung Quốc giờ đạt tới gần 13%.
Honda (1,42 triệu xe)
Khi nhắc tới cuộc đua doanh số song mã mà Volkswagen là 1 trong 2 cái tên góp mặt, vị trí còn lại thường được liên tưởng tới Toyota. Tuy nhiên, Honda với gần 1,5 triệu xe bán ra trong năm ngoái mới xứng đáng có mặt trong danh sách. Mức tăng trưởng họ đạt được trong năm 2017 lên tới 18,5%. Dự kiến chi trong 3 năm tới, quốc gia châu Á này sẽ thế chân Mỹ trở thành sân chơi chủ lực toàn cầu của Honda.
Geely (1,25 triệu xe)
2017 chứng kiến lần đầu tiên tập đoàn nội địa Geely chiếm lĩnh được hơn 5% thị phần ô tô Trung Quốc.
Buick (1,22 triệu xe)
Dù không còn được quan tâm mấy tại quê nhà Mỹ, Buick vẫn đang "ăn nên làm ra" tại Trung Quốc sau khi GM lựa chọn thương hiệu này thay thế Opel để tham chiến sân chơi châu Á.
Toyota (1,14 triệu xe)
Toyota được dự đoán sẽ leo cao hơn trong danh sách nhờ đội hình SUV mạnh, giàu tính cạnh tranh trong bối cảnh phân khúc sedan tại Trung Quốc đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu "hụt hơi" trước sự tăng trưởng mạnh mẽ của SUV/crossover.
Nissan (1,12 triệu xe)
Số liệu trong bài viết chỉ bao gồm lượng xe được sản xuất nội địa tại thị trường Trung Quốc, không tính xe nhập bởi giá cả chúng rất đắt đỏ vì thuế nhập khẩu lên tới 25%. Hầu hết các hãng xe muốn thành công tại đây đều phải xây dựng liên minh, chẳng hạn như Nissan với Dongfeng cùng thành quả là chiếc Kicks trong ảnh.
Changan (1,06 triệu xe)
Thương hiệu "thuần nội địa" đầu tiên trong danh sách (Geely đã hướng đến thị trường toàn cầu từ lâu) chứng kiến mức giảm 8% về doanh số trong năm qua. Hãng đã giới thiệu một loạt các dòng xe thế hệ mới với thiết kế hiện đại, đậm chất châu Âu để giành lại thị phần đã mất.
Baojun (1,02 triệu xe)
Trái với Changan, Baojun đã có 1 năm thành công đáng kể. Thương hiệu thuộc sở hữu của tập đoàn GM và SAIC đạt mức tăng trưởng cực cao 34% nhờ sự xuất hiện của các sản phẩm mới, chẳng hạn như dòng SUV 510.
Haval (849.554 xe)
Thương hiệu thuộc tập đoàn Great Wall với tham vọng trở thành "hãng xe SUV hàng đầu toàn cầu" cạnh tranh với Land Rover và Jeep vừa có một năm không thành công với doanh số giảm hơn 9%.
Ford (839.815 xe)
Doanh số Ford tại Trung Quốc giảm 12% trong năm 2017 bởi trái với sân chơi Bắc Mỹ, các mẫu xe Ford chủ lực tại đây hầu hết không nằm trong phân khúc "đang phát triển" mà lại ở thế thua, chẳng hạn như chiếc Escort.
Bạn đang tìm dịch vụ về Tiệm rượu?
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from AUTOPRO.
Original source can be found here: http://autopro.com.vn/nhung-hang-xe-thanh-cong-nhat-trung-quoc-20180429124611854.chn