Những món ăn “lấy hên” cho một năm mới sung túc, đủ đầy
Gà luộc – khởi đầu suôn sẻ hanh thông. Ảnh Internet
Tết Nguyên đán hay tết âm lịch là kỳ nghỉ quan trọng nhất trong năm với người dân tại một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Trong không khí ngày Xuân, mỗi món ăn truyền thống đều được người dân gửi gắm với niềm tin về những điều may mắn, an lành để chào đón năm mới.
Gà luộc – khởi đầu suôn sẻ hanh thông
Trong mâu cơm cúng giao thừa của người miền Bắc không thể thiếu món gà luộc. Đó là loại gà trống chắc thịt, buộc cánh tiên, luộc khéo sao cho da vẫn vàng óng, không bị nứt toác.
Đây là món ăn thể hiện lòng thành kính của gia chủ với trời đất, tổ tiên, cầu cho mọi điều suôn sẻ hanh thông trong năm mới. Màu vàng óng của da gà cũng mang ý nghĩa cầu chúc cho tài lộc đong đầy.
Bánh chưng – thể hiện sự biết ơn với tổ tiên
Dù ở đâu, chiếc bánh chưng luôn xuất hiện trên bàn thờ và mâm cơm ngày tết của người Việt. Những ngày cuối năm, nhiều gia đình các thế hệ sẽ quây quần cùng gói bánh, trông nồi bánh chưng, thể hiện sự đoàn kết, đoàn viên.
Bánh chưng – thể hiện sự biết ơn với tổ tiên. Ảnh Internet
Bánh chưng hình vuông – tượng trưng cho trời đất, bên ngoài gói bằng lá dong xanh, bên trong nhân mặn có thịt lợn, đậu xanh, hạt tiêu, gạo trắng…. hòa quyện cùng nhau. Đây cũng là món bánh truyền thống của người Việt, mang ý nghĩa của sự may mắn và bình an cho gia đình, đồng thời cũng thể hiện lòng biết ơn đối với công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và tưởng nhớ tới tổ tiên.
Canh khổ qua – nỗi buồn đi qua đón niềm vui tới
Xuất phát từ cái tên của mình – khổ qua (quả mướp đắng), người Việt quan niệm, ăn canh khổ qua vào năm mới nghĩa là mọi khổ cực qua đi để đón những điều hạnh phúc, an lành, tốt đẹp hơn.
Canh khổ qua – nỗi buồn đi qua đón niềm vui tới. Ảnh Internet
Canh khổ qua nhồi thịt xay hay cá thác lác là món ăn không thể thiếu trên mâm cơm ngày tết của người miền nam. Ngoài ra, bữa cơm ngày tết thường nhiều món thịt, dầu mỡ. Khổ qua trong đông y có vị đắng, lạnh, mang tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể, giúp ngon miệng.
Xôi gấc – tượng trưng cho thịnh vượng
Màu đỏ của xôi gấc tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng. Ảnh Internet
Bên cạnh bánh chưng, thì xôi gấc là món phổ biến trong mâm cỗ tên người miền bắc. Màu đỏ rực rỡ của xôi tượng trưng cho sự thịnh vượng, cát tường, còn là màu tự nhiên của đất sẽ tạo ra những dung hòa thuận lợi cho năm mới.
Thịt kho hột vịt – món ăn của sung túc, đoàn viên
Mỗi dịp xuân sang, các bà nội trợ ở phía nam lại chuẩn bị cho gia đình mình một nồi thịt kho hột vịt cỡ lớn để ăn dần trong tết. Với nguyên liệu chính là thịt lợn, trứng vịt, kho cùng nước dừa, món ăn có vị béo ngậy từ ba chỉ heo, bùi thơm của trứng, hòa quyện đậm đà.
Thịt kho hột vịt – món ăn của sung túc, đoàn viên. Ảnh Internet
Đây là món ăn thể hiện sự sung túc, đoàn viên và “màu mỡ” trong năm mới. Khi thưởng thức, món ăn sẽ dùng với cơm, thêm dưa giá để bớt ngấy.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2700962