Những lưu ý không thể bỏ qua khi chuẩn bị mâm cúng Rằm tháng 7
Ngày, giờ cúng rằm tháng 7
Xưa nay, người Việt rất coi trọng rằm tháng 7. Mỗi năm cứ đến dịp này, các gia đình sẽ sửa soạn mâm lễ dâng cúng tổ tiên, thần Phật và thực hiện các nghi lễ đặc trưng.
Nhiều gia đình có thói quen chọn giờ đẹp cúng rằm tháng 7. Tuy nhiên, theo chuyên gia phong thủy, kiến trúc sư Phạm Cương, khi cúng rằm tháng 7 không nhất thiết phải chọn ngày giờ rườm rà, ảnh hưởng đến công việc.
Các gia đình Việt rất chăm chút cho lễ cúng rằm tháng 7 (Ảnh: Nguyen Thuy).
Việc cúng lễ diễn ra vào ban ngày nên sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến công việc của những gia đình làm việc theo giờ hành chính. Vì vậy, theo ông Phạm Cương, các gia đình có thể lựa chọn linh hoạt ngày cúng rằm tháng 7.
"Thời điểm cúng có thể vào đúng ngày rằm (trước 12h) hoặc trước đó một vài ngày đều được. Năm Quý Mão này, rằm tháng 7 là ngày 30/8/2023 rơi vào thứ tư giữa tuần.
Nếu quá bận rộn công việc, gia chủ có thể cúng sớm vào ngày chủ nhật (12/7 âm lịch). Đây là ngày nghỉ nên các gia đình sẽ có nhiều thời gian chuẩn bị tươm tất hơn", chuyên gia này nói.
Những lưu ý không thể bỏ qua khi chuẩn bị mâm cúng rằm tháng 7
Về những lưu ý khi chuẩn bị mâm cúng rằm tháng 7, chuyên gia phong thủy Phạm Cương cho rằng, nếu có điều kiện các gia đình nên chuẩn bị 2 mâm cúng.
Một mâm cúng trên ban thờ thần linh gia tiên để tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Một mâm cúng chúng sinh thể hiện lòng từ bi, thương xót với những cô hồn y thảo.
Mâm cúng gia tiên không cần quá cầu kỳ, mâm cao cỗ đầy. Ngoài thanh bông hoa quả thì tùy điều kiện gia đình và phong tục vùng miền để lựa chọn đồ cúng cho phù hợp.
Ở miền Bắc thường có xôi, gà, giò, măng, mọc…;miền Nam thường có tam sên (tôm, thịt ba chỉ, trứng).
Ngoài ra, vì rằm tháng 7 cũng là ngày lễ Vu Lan tưởng nhớ ông bà cha mẹ nên trong mâm lễ, các gia đình có thể dâng lên những món ăn mà khi còn sống ông bà cha mẹ mình yêu thích để tỏ lòng thành kính.
Mâm cúng chúng sinh thường có xôi, bỏng, chè, cháo, gạo, muối… Đây là những đồ ăn thức uống đã được nghiền nhỏ, pha loãng để các cô hồn y thảo, nhất là những vong linh hài nhi yếu ớt có thể dễ dàng thụ hưởng được.
Ở cả hai mâm lễ, gia chủ có thể sắm một chút đồ mã (quần áo, tiền vàng, giấy ngũ sắc…).
Nhìn chung, việc chuẩn bị mâm cỗ nên tùy thuộc theo điều kiện của từng gia đình. Ngoài việc chú trọng đến mâm cúng rằm tháng 7, dịp này các gia đình có thể phóng sinh, ăn chay, bố thí cho chúng sinh thông qua nhà chùa…
Mâm cúng chúng sinh thường được bày ngoài trời (Ảnh: Toàn Vũ).
Cũng theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương, mâm cúng cô hồn chúng sinh thường được đặt ở ngoài sân. Vì theo quan niệm dân gian, đó là vị trí các cô hồn y thảo ở xung quanh dễ dàng tìm đến để thụ hưởng lễ vật và chỉ dừng lại ở bên ngoài, không vào trong nhà quấy quả gia chủ.
Việc lựa chọn đặt mâm cúng chúng sinh ở đâu không quá khó với các gia đình có nhà mặt đất. Tuy nhiên, với những gia đình sống ở chung cư, nhiều người không biết nên đặt mâm cúng này ở vị trí nào cho phù hợp.
Chuyên gia phong thủy Phạm Cương (Ảnh: P. C).
Vì vậy, chuyên gia này gợi ý: Đối với nhà chung cư, gia chủ có thể bày mâm cúng này ở ban công phòng khách. Nếu hành lang rộng thì có thể đặt trước cửa hàng lang chung cư.
Khi đặt mâm lễ ở các không gian này, gia chủ chỉ nên thắp một vài nén hương tượng trưng, không nên thắp nhiều quá ảnh hưởng đến hàng xóm và hệ thống phòng cháy của tòa nhà.
Article sourced from 2SAO.
Original source can be found here: https://2sao.vn/chuan-bi-2-mam-cung-ram-thang-7-va-goi-y-noi-cung-chung-sinh-khi-o-chung-cu-n-353326.html