Những lời đồn thổi sai lầm liên quan đến virus corona hiện nay

15:12' 05-02-2020
Từ việc ăn kim chi, uống nước tiểu bò cho đến niệm chú và làm lễ hiến sinh.

Chủng virus corona mới đã giết chết hơn 400 người ở Trung Quốc và lây nhiễm cho hơn 20.000 người ở 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Khi virus lây lan và các nhà khoa học chưa tìm ra một loại thuốc đặc trị cho nó, một số người dân đã bị lọt vào những luồng tin giả với những biện pháp phòng và trị bệnh phi khoa học, thậm chí quái đản.

Chẳng hạn như, một số người Ấn Độ bây giờ tin rằng việc niệm chú và bôi phân bò lên người có thể phòng được virus corona. Trong khi đó, nhiều người Hàn Quốc vẫn tin rằng món kim chi của họ cũng có thể chữa bệnh.

Hãy cùng điểm qua những lời đồn thổi sai lầm liên quan đến virus corona hiện nay, được đăng tải trên Washington Post.

Ở Trung Quốc: Một số người đã mua nhầm thuốc "Song Hoàng Liên" dành cho gia súc, gia cầm

Một hộp Song Hoàng Liên thật.

Người dân Trung Quốc đã đổ xô đi mua Song Hoàng Liên – một loại thuốc y học cổ truyền Trung Quốc sau khi có nghiên cứu cho rằng ở dạng lỏng, Song Hoàng Liên có thể ức chế virus corona mới.

Loại thuốc này được điều chế từ các vị thảo mộc gồm kim ngân, liên kiều và hoàng cầm. Viện Dược liệu Thượng Hải, một phân viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đã nói rằng Song Hoàng Liên có hiệu quả trong điều trị bệnh do virus corona gây ra.

Tin tức được đưa trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Trung Quốc, bao gồm Tân Hoa Xã và CCTV đã khiến người dân xếp hàng dài ở các cửa hiệu thuốc bắc trên toàn quốc để mua nó. Các nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc bao gồm Taobao.com và JD.com đã đều đã báo hết hàng với sản phẩm Song Hoàng Liên.

Sau một số chỉ trích về tính chính xác của kết quả nghiên cứu, Viện Dược liệu Thượng Hải đã nhấn mạnh lại một lần nữa, rằng những phát hiện của họ đã được Viện Virus học Vũ Hán công nhận.

Tuy nhiên, không phải người dân Trung Quốc nào cũng có thể tìm mua chính xác sản phẩm Song Hoàng Liên mà các nhà khoa học của họ đã nghiên cứu. Hóa ra, có cả những loại thuốc thú y được dùng cho gà hoặc lợn được dán mác là Song Hoàng Liên. Không thể tránh khỏi, một số người đã mua nhầm.

Một nhà cung cấp dịch vụ chăn nuôi trên Taobao nói với truyền thông địa phương rằng ông không bao giờ có thể nghĩ rằng sẽ có nhiều người mua thuốc thú y của mình đến vậy. Trong khi đó, những nhà sản xuất thuốc cho gia cầm phải khuyến cáo người dân rằng sản phẩm của họ không dành cho con người.

Hạt cau chỉ hỗ trợ điều trị triệu chứng

Theo trang web y học cổ truyền Trung Quốc Me and Qi, hạt cau có thể hoạt động giống như một loại thuốc xổ để thanh lọc cơ thể, tống khứ những cặn bã độc tố ra ngoài qua đường tiêu hóa. Nó thường được sử dụng để loại bỏ giun móc, sán dây và các loại ký sinh trùng đường ruột khác.

Dựa vào đây, một nhóm thương mại cau thuộc Hiệp hội Trái cây Trung Quốc cho biết loại hạt này cũng có thể được sử dụng để điều trị virus corona. Nhóm này nói tuyên bố dựa trên việc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã đưa hạt cau vào trong đơn thuốc được đề nghị dùng cho bệnh giống viêm phổi.

Nhưng Ủy ban Y tế Quốc gia và Cơ quan Y học Cổ truyền Quốc gia Trung Quốc giải thích rằng các phương pháp y học cổ truyền này không hề có tác dụng chữa khỏi bệnh do virus corona gây ra. Chúng chỉ hỗ trợ việc điều trị triệu chứng mà thôi.

Nước muối ấm không có tác dụng phòng virus corona

Một số người dân Trung Quốc hiện đang chia sẻ một phương pháp đơn giản được cho là có thể phòng bệnh do virus corona gây ra: súc miệng và rửa mũi với nước muối ấm. Mặc dù đây là một cách thường được áp dụng để phòng ngừa bệnh viêm mũi họng, nhưng các chuyên gia y tế cho biết nó không có tác dụng phòng chống virus corona mới.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo rằng việc rửa mũi bằng nước muối sinh lý thể giúp những người mắc cảm lạnh thông thường phục hồi nhanh hơn, mặc dù các bằng chứng cho hiệu quả này vẫn hạn chế.

Còn về việc nó có giúp phòng ngừa virus corona hay không, WHO cho biết nước muối sinh lý tuyệt đối không có tác dụng phòng virus corona. Mọi người chỉ nên tuân thủ theo các khuyến cáo chính thức từ Tổ chức Y tế Thế giới, bao gồm rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với người có triệu chứng cúm.

Ở Hàn Quốc: Nhiều người nghĩ kim chi có thể chữa bệnh

Nhiều người Hàn Quốc từ lâu đã tuyên bố rằng kim chi, món bắp cải lên men cay truyền thống của họ là một loại thuốc chữa bách bệnh. Niềm tin này thậm chí đã có từ thời dịch SARS, cúm gia cầm H5N1 cho tới cúm lợn H1N1. Nhiều người cũng vẫn tin rằng kim chi có thể chữa khỏi cả cúm thông thường.

Sự thật không phải vậy. "Ăn kim chi không ngăn ngừa virus corona mới", Bộ Y tế Hàn Quốc phải lên tiếng cảnh báo trong một bản tin. Họ cũng dập tắt một tin đồn nữa, nói rằng kim chi làm từ bắp cải Trung Quốc có thể lan truyền virus.

Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết, bệnh viêm phổi do virus mới gây ra không thể lây qua con đường này, và cả từ những hộp bưu kiện nhập từ Trung Quốc.

Ở Ấn Độ: Một số người đặt niềm tin vào… phân bò

Swami Chakrapani Maharaj, chủ tịch của Hindu Mahasabha, một đảng phái chính trị Ấn Độ mới đây đã gây phẫn nộ khi tuyên bố rằng nước tiểu và phân bò có thể được sử dụng để điều trị những ca nhiễm virus corona.

"Uống nước tiểu bò và ăn phân bò sẽ ngăn chặn ảnh hưởng của virus corona", Chakrapani nói. Nếu đi kèm với một lễ hiến sinh đặc biệt (yagna) của đạo Hindu, được thực hiện trước một ngọn lửa thiêng - ông này cho biết nó còn có thể giết chết virus corona mới lạ và chấm dứt ảnh hưởng của nó đối với thế giới.

"Người nào niệm Om Namah Shivay và trát phân bò lên người sẽ được cứu vớt. Một nghi thức hiến sinh đặc biệt sẽ sớm được thực hiện để tiêu diệt virus corona", Chakrapani nói.

Mặc dù vậy, ông ấy không hề cung cấp bất kỳ công thức nấu ăn nào có thể giúp món nước tiểu bò và phân bò trở nên ngon miệng hơn.

Tham khảo Washingtonpost

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Nhà hàng?

Crystal Jade Vùng: Melbourne. Phone: 9639 2633
Xem thêm

ẩm thực đồ biển Trung Hoa ngon nhất vùng Melbourne


Article sourced from KENH14.

Original source can be found here: http://kenh14.vn/virus-corona-bao-my-lat-tay-nhung-huong-dan-phong-benh-phi-khoa-hoc-20200204235633845.chn