Phần lớn thời gian trong 3 năm qua, người Mỹ phàn nàn về lạm phát cao. Nhiều người tiêu dùng đổ lỗi cho cách điều hành của Nhà Trắng. Hiện tại, lạm phát ít nhiều đã được kiểm soát. Tuy nhiên, cái giá phải trả là thị trường việc làm bắt đầu suy yếu.

Tháng trước, nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tạo ra 114.000 việc làm mới. Mức này giảm lần lượt trên 47% và 36% so với tháng 5 và 6. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng từ 4,1% lên 4,3%, chủ yếu do nhiều người bắt đầu tìm việc trở lại.

Báo cáo việc làm lần này không cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới sắp rơi vào suy thoái, nhưng nó gây ngạc nhiên cho nhiều người. Các nhà kinh tế học bắt đầu lo ngại thị trường việc làm Mỹ xuống cấp nhanh chóng. "Chúng tôi không biết thị trường lao động sẽ suy yếu mạnh đến mức nào. Nhưng rõ ràng là nó đang yếu đi", Heidi Shierholz - Giám đốc Viện Chính sách Kinh tế (EPI) tại Washington (Mỹ) nhận định trên CNN.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris (trái) và ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: AFP

Một tháng là không đủ dài để kết luận xu hướng của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, nó cũng đủ làm phức tạp các chiến lược kinh tế của Phó tổng thống Kamala Harris - ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử vào cuối năm nay.

Còn với Wall Street, số liệu này là giọt nước tràn ly, sau hàng loạt báo cáo tài chính kém lạc quan của các hãng công nghệ. Phiên cuối tuần trước, chỉ số DJIA và S&P 500 giảm gần 2%. Nasdaq Composite sụt 2,4%. Đầu tuần này, các chỉ số ghi nhận phiên tệ nhất hai năm qua, với mức giảm quanh 3%.

Thị trường đi xuống do nhà đầu tư lo ngại Mỹ rơi vào suy thoái và Cục Dự trữ liên bang (Fed) chậm giảm lãi suất để kích thích kinh tế. "Nhà đầu tư phản ứng như vậy vì xét theo nhiều góc độ, chúng ta đang ở thời kỳ tương tự bong bóng dotcom", Sam Stovall - chiến lược gia trưởng tại CFRA Research cho biết trên CNBC.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không bỏ qua cơ hội này để lôi kéo cử tri. "TRUMP CASH và KAMALA CRASH. Cử tri có quyền lựa chọn - thịnh vượng với Trump, hay lao dốc và suy thoái dưới thời Kamala", ông viết trên X hôm 6/8. Trong vài giờ, Trump liên tiếp đăng 10 bài về chủ đề này, khi thị trường tài chính toàn cầu chao đảo.

Cựu tổng thống thường nhắc đến tình trạng kinh tế ổn định trong nhiệm kỳ của ông trước khi Covid-19 xuất hiện. Dù tăng trưởng việc làm và thị trường chứng khoán có cải thiện dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, Trump thường xuyên xoáy sâu vào vấn đề lạm phát. "Nếu Harris thắng cử, các bạn sẽ thấy nền kinh tế lao dốc nhanh chóng", ông cho biết trong một cuộc vận động tranh cử tại Atlanta cuối tuần trước.

Cho đến gần đây, thị trường lao động Mỹ vẫn rất vững mạnh, bất chấp lạm phát và lãi suất cao. Tuy nhiên, các vết nứt bắt đầu xuất hiện, khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng, tỷ lệ thất nghiệp nhích lên và ít người chuyển việc hơn. Trong quá khứ, đây là tín hiệu kém lạc quan với đảng cầm quyền hiện tại. Tỷ lệ thất nghiệp giảm trong 2 năm trước khi diễn ra bầu cử, đảng hiện tại có khả năng tái đắc cử, nghiên cứu gần đây của hãng dữ liệu Refinitiv cho biết. Ngược lại, nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng lên trước bầu cử, đảng đối thủ có xu hướng hưởng lợi.

Chỉ báo này không phải lúc nào cũng đúng. Trong gần 70 năm qua, có rất nhiều ngoại lệ. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã tăng 0,8% trong hai năm qua. Điều này tạo ra rào cản lớn cho bà Harris.

Đảng Cộng hòa đến nay vẫn dùng lạm phát để công kích chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hiện tại, khi lạm phát đã được kiểm soát, họ chuyển sang báo cáo việc làm. "Đây là một trong những báo cáo tệ nhất chúng ta từng thấy dưới thời chính quyền Biden - Harris", Jason Smith - nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Missouri viết trên X.

Hơn 3 năm qua, chính quyền Biden đã gây dựng thị trường lao động vững mạnh, với tốc độ tăng lương cao hơn lạm phát, 16 triệu việc làm mới và tỷ lệ thất nghiệp luôn dưới 4%. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò cho thấy cử tri vẫn lo ngại lạm phát, bất chấp lương tăng bao nhiêu và việc làm nhiều đến thế nào.

Đảng Dân chủ thì cho rằng hiện còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận tổng quát nào về xu hướng của nền kinh tế. "Còn 3 tháng dữ liệu nữa mới đến cuộc bầu cử. Mọi thứ về nền kinh tế vẫn chưa rõ nét", Jason Furman - cựu cố vấn kinh tế cấp cao dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama nhận định trên WSJ.

Nếu Fed giảm lãi trong cuộc họp tháng 9, nhà đầu tư sẽ tự tin hơn. Đây là phiên họp cuối cùng của Fed trước bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11. Thị trường cũng sẽ nhận thêm báo cáo việc làm vài ngày trước khi cuộc bầu cử bắt đầu.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Relax For Life Japanese Massage Chairs Vùng: Peakhurst. Phone: 02 8307 0878
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/dau-hieu-ran-nut-trong-kinh-te-my-de-doa-kha-nang-dac-cu-cua-ba-harris-4778422.html