Nhớ mùa trứng kiến
Nhớ lại, khi ông bà ngoại tôi còn ở lán nương trên đồi Noong Cốp (Quang Huy), mỗi dịp cuối tuần lên thăm, tôi thường theo ông bà vào rừng tìm tổ kiến để lấy trứng. Bà tôi bảo: Không phải loài kiến nào cũng có thể lấy trứng, mà phải loại kiến vàng, kiến nâu thì trứng mới ngon và ngậy. Kiến thường làm tổ ở cây luồng, cây tre, cây “xổm pột”. Những tổ kiến to như cái mũ cối bám vào cành cây, tùy thuộc vào độ căng, nhẵn của tổ, nếu mặt ngoài tổ kiến kín, màu đen bạc, thớ tổ gờ to, khi chặt cành nâng lên thấy nặng tay thì tổ kiến sẽ mẩy.
Theo kinh nghiệm đi rừng lâu năm của ông bà tôi, thì phải chọn ngày nắng ráo vào rừng, khi ấy trứng kiến mới bong, không bị dính vào tổ. Kiến thường làm tổ ở trên cao, muốn hạ xuống cần người phải biết leo trèo, nên công việc này do ông tôi đảm nhận. Sau khi hạ được tổ kiến xuống, bà dùng mũi dao nhọn chọc vào tổ, cắt thành 3 - 4 miếng, chặt thêm những cành cây nhỏ, nhiều lá phủ lên trên tổ để lũ kiến mẹ bám vào. Bà ngoại cứ lặp lại như vậy, những con kiến mẹ bị rũ ra từ trong tổ, chúng rối rít ôm lấy một quả trứng rồi lao đi tán loạn, để lại mớ trứng trắng ngần, béo ngậy, ngon như bát gạo tám. Thứ “sản vật” của núi rừng này đủ cho cả nhà có một bữa tối ngon lành.
Bà tôi chế biến các món trứng kiến rất ngon, cũng bởi vậy nên cứ đến mùa là chúng tôi lại háo hức. Trong những món bà nấu, tôi thích nhất là cháo trứng kiến nấu cùng thịt băm và bột gạo nếp thơm. Món này chế biến không khó, sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu, bắc nồi đảo qua thịt, nêm gia vị cho thịt săn lại. Sau đó, bỏ trứng kiến vào đảo đều, thêm nước vào đợi sủi lăn tăn, rồi hòa bột gạo nếp đỏ vào, rắc chút lá rau mùi rồi ăn nóng, nhai thật chậm, cảm nhận vị béo ngậy của thịt, bùi mềm, thơm nức của trứng kiến quện vào nhau rất hấp dẫn.
Ngoài món cháo trứng kiến thịt băm, bà tôi còn đồ xôi trứng kiến, làm gỏi trộn với nước măng chua, nấu canh trứng kiến với rau rừng và làm bánh cũng rất ngon. Với món bánh, bà thường chuẩn bị bột gạo nếp, sau đó, làm nhân bằng cách rang thịt băm với trứng kiến, hạt tiêu và gia vị. Bột gạo nếp hòa với nước, sau đó, dát mỏng, đặt nhân vào giữa, bọc trong lá vả, đem hấp trong chõ gỗ. Khi ăn, thường sẽ ăn cả phần lá và phần bánh. Vị bùi béo đậm đà khi được ăn miếng bánh trứng kiến khiến tôi nhớ mãi.
Cháo trứng kiến
Giờ, ông ngoại tôi đã mất, bà ngoại tuổi đã cao, nên không ở lán nương nữa. Món trứng kiến ngày nào trong bữa ăn gia đình nay trở thành món đặc sản. Ở các chợ loại thực phẩm này đang được bán với giá 200.000 đồng/kg, nhưng không có nhiều để mua, bởi chúng thường được các nhà hàng đặt mua trước với người đi rừng. Thời vụ lấy trứng kiến chỉ kéo dài khoảng hơn tháng, sau đó các tổ kiến sẽ tàn, trứng nở thành con.
Với đồng bào Thái trắng Phù Yên, mùa trứng kiến còn gắn với Tết Thanh minh, bà con thường gọi là “sẳn phăn” - đây là lễ tảo mộ được các dòng họ: Lường, Hà, Sầm, Si, Lý... tổ chức vào ngày 3/3 âm lịch. Tùy vào điều kiện mà tổ chức to, nhỏ khác nhau, nhưng hầu như nhà nào cũng làm bánh trôi, thổi xôi, nấu cháo trứng kiến. Sau khi hoàn thành những lễ nghi cần thiết, các thành viên trong gia đình cùng quây quần bên mâm cỗ chia sẻ với nhau những việc đã làm được, những dự định trong tương lai và cũng là dịp để con cháu tưởng nhớ đến đấng sinh thành, các bậc tổ tiên.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3366918