Nhiều cổ trấn đẹp như bức tranh thủy mặc ở Trung Quốc

08:00' 23-08-2018
Sở hữu nền văn hóa lâu đời và phức tạp nhất trên thế giới với hàng nghìn năm lịch sử, hiện tại ở Trung Quốc vẫn còn tồn tại rất nhiều cổ trấn từ thời xa xưa, giữ nguyên được nét cổ kính và rêu phong thưở sơ khai.

Trong những năm gần đây, người Việt khi nhắc đến du lịch Trung Quốc thường nghĩ ngay đến Phượng Hoàng cổ trấn với những nếp nhà cổ có phần giống với Hội An, quyến rũ du khách bởi nét yên bình và trầm mặc. Thế nhưng có lẽ nhiều người không biết rằng bên cạnh Phượng Hoàng, Trung Quốc còn sở hữu những cổ trấn nên thơ khác như từ trong tranh vẽ bước ra. 

Cổ trấn Châu Trang (tỉnh Giang Tô)

Nằm cách thành phố Côn Sơn khoảng 40km, cổ trấn Châu Trang thuộc tỉnh Giang Tô là đô thị bên sông ra đời sớm và tiêu biểu nhất Trung Quốc. Người Trung Quốc thường tự hào gọi Châu Trang là thị trấn nước đệ nhất hay "Venice của phương Đông".

Venice của phương Đông

60% nhà ở tại Châu Trang được giữ theo phong cách nhà Minh và Thanh, với 14 cây cầu cổ độc đáo và hệ thống kênh rạch xen giữa các tòa nhà. Nơi đây vẫn còn có khoảng 1000 hộ gia đình sinh hoạt, chủ yếu kiếm sống bằng việc chèo thuyền và hướng dẫn du khách khám phá cổ trấn.

Không xa hoa, tráng lệ, thị trấn Châu Trang mang trong mình một vẻ bình dị, mộc mạc tạo nên sức quyến rũ với du khách xa gần. Trong không gian thanh bình của Châu Trang, dường như những vướng bận của cuộc sống được gác lại nhường chỗ cho những lắng đọng trong tâm hồn.

 

Một góc cổ trấn Châu Trang với cây cầu đá cong bắt qua dòng kênh

Cổ trấn về đêm lung linh trong ánh đèn lồng

Đại Nghiên cổ trấn (tỉnh Vân Nam)

Đại Nghiên cổ trấn thuộc khu thành cổ Lệ Giang nằm ở Vân Nam, Trung Quốc, được mệnh danh là thắng cảnh nên thơ nhất nhì nước này. Đây là một thành phố cổ tuyệt đẹp cả về phong cảnh lẫn lịch sử mà nhiều du khách khi đã đến đây rồi, lập tức chìm đắm trong bầu không khí hoài cổ, lãng đãng mà vẫn tươi tắn trong từng cảnh vật nơi đây.

Cổ trấn này nổi tiếng với những ngôi nhà gỗ với kiến trúc cổ, mái ngói âm dương, cột gỗ đặc trưng kiểu Trung Hoa; những con đường lát đá vuông cạnh và 354 cây cầu bắc qua dòng sông Ngọc (Ngọc Hà) đã tồn tại hơn 800 năm…

 

Non nước hữu tình

Lệ Giang nằm ở giáp biên giới với Tây Tạng, nên kiến trúc nơi đây là sự giao thoa giữa nhiều dân tộc: Hán, Bạch, Tạng, Nạp Tây. Phố xá trong cổ trấn gắn liền với sông núi, hoa cỏ miên man nâng bước chân du khách. Ở đây, dường như mọi thứ cứ hòa quyện vào nhau, không một chút sắp đặt, như tự bản thân chúng từ khi xuất hiện đã như vậy. 


Kiến trúc độc đáo giao thoa giữa nhiều dân tộc

Cổ trấn lúc lên đèn đẹp lộng lẫy

Đối với nhiều người dân Trung Quốc, không phải Phượng Hoàng cổ trấn mà Lệ Giang mới chính là địa danh sở hữu khu cổ trấn đẹp nhất đất nước. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và bào mòn của thời gian, không khí cổ kính vẫn đặc quánh nơi đây, toát ra từ từng ngôi nhà, con phố, cho đến lối sống và sinh hoạt của người dân.

Thôn Tây Đệ (tỉnh An Huy)

Thôn Tây Đệ nằm tại huyện Y, thành phố Hoàng Sơn, phía Nam tỉnh An Huy Trung Quốc là 1 thị trấn cổ tồn tại từ thời nhà Tần. Năm 2000, khu di tích thôn cổ Nam bộ An Huy, tiêu biểu là Tây Đệ và Hoành thôn đã được UNESCO ghi nhận là "Di sản văn hóa thế giới" nhờ dấu ấn đậm nét của một làng quê mang đậm phong cách Trung Quốc: đường cổ, cầu cổ, bia cổ, thư viện cổ, các pho tượng bằng đất và rất nhiều tác phẩm điêu khắc bằng đá và gỗ.


Tây Đệ được UNESCO công nhận là "Di sản văn hóa thế giới"

Tây Đệ được mệnh danh là "ngôi làng trong Đào Nguyên Minh". Tương truyền ông tổ của thôn này là Hồ Thị Thủy, con của Đường Chiêu Tông, do đi lánh nạn, lưu lạc khắp nơi sau đó đến sống ở đây rồi đổi thành họ Hồ. Thôn Tây Đệ được xây dựng theo sự chỉ dẫn của thầy địa lý. Thôn có hình dáng của một con thuyền, dài 700m, rộng 300m. Cách bố trí của thôn ngụ ý "trôi theo dòng nước về phía Tây sẽ được các vị thần giúp đỡ lấy chân kinh, từ đó sẽ đại cát đại lợi".

Thôn Tây Đệ bốn mặt đều giáp núi. Nước trong thôn trong xanh, cây cối um tùm, tường nhà màu trắng, ngói màu đen. Những ngôi nhà cổ ở đây được xây hoặc liền sát nhau hoặc được xây tách rời độc lập, hầu hết đều có giếng trời, xung quanh có tường bao bọc, không khí vào trong nhà theo giếng trời. Tường và mái của các giếng trời đều nghiêng vào trong mảnh đất để nước mưa chảy vào trong, ngụ ý nước non phì nhiêu không chảy ra ngoài.
Ô Trấn (tỉnh Triết Giang)

Nằm ở trung tâm của 6 thị trấn cổ phía nam sông Dương Tử, thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, Ô Trấn là thành cổ tuyệt đẹp với hơn 1300 năm lịch sử thể hiện qua những cây cầu đá cổ, những con đường lát đá và những công trình gỗ chạm khắc tinh tế.

Trải qua hơn 1.000 năm, Ô Trấn chưa từng thay đổi tên gọi, kiến trúc và cả văn hoá. Các tòa nhà truyền thống, lan can và cầu vòm, cổng cong trên đường phố, nhà ở với khoảng sân rộng rãi, bờ sông và hành lang tất cả đều được bảo tồn rất tốt. Trong thị trấn sông ngòi đan xen chằng chịt, có nhiều điểm hội tụ của các con sông, nhà dân được xây dựng ngày bên bờ sông, lầu các chênh vênh trên mặt nước, điển hình của phong cảnh miền quê sông nước Giang Nam Trung Quốc.
 
 

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Giáo dục?

Williamstown High School Vùng: Williamstown. Phone: 9393 9039
Xem thêm

Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.


Article sourced from KENH14.

Original source can be found here: http://kenh14.vn/ben-canh-phuong-hoang-co-tran-trung-quoc-van-con-nhieu-co-tran-dep-nhu-tranh-ve-khac-ma-ai-cung-muon-ghe-tham-2018082116165907.chn