Credit: NSW Health

(*Tên các nhân viên y tế đã được thay đổi)

Nỗi sợ hãi xâm chiếm tâm trí Sarah* khi cô đến thay ca trực phòng chăm sóc tích cực tại một bệnh viện ở Sydney. Con đường dẫn tới khu vực này đậu đầy xe cấp cứu. "Nhìn thấy xe cấp cứu đậu đầy bên ngoài, tôi thực sự sợ hãi. Tôi biết các bệnh nhân này đang chờ đợi tôi", nữ y tá này cho hay.

Các y tá thường chăm sóc một bệnh nhân cần điều trị tích cực thì hiện đang phải chăm sóc 2 người. Sarah nói rằng cô cảm thấy kiệt sức và cô biết xu hướng của dịch Covid-19 đang không đứng về phía cô. "Từ những kinh nghiệm trước đó, chúng tôi biết nếu mỗi ngày số ca mắc tăng cao, tình hình sẽ tồi tệ hơn trong 1 - 2 tuần tới. Điều này giống như một tương lai ảm đạm đã thấy trước".

Ở New South Wales, nơi hệ thống y tế chịu tác động nặng nề nhất trước đại dịch Covid-19, Thủ hiến bang này, bà Gladys Berejiklian đã thừa nhận các nhân viên y tế đều đang cảm thấy bị quá tải. Tuy nhiên, bà cũng nhiều lần thể hiện sự tin tưởng vào hệ thống y tế khi nhận định với người dân New South Wales rằng bang này "sẽ đối phó" được với dịch bệnh. "Tôi hiểu họ phải thể hiện rằng các bệnh viện là một nơi an toàn. Nhưng tôi mong là họ sẽ chú ý nhiều hơn đến sức ép mà chúng tôi đang phải trải qua", Sarah chia sẻ.

Credit: AAP/ St Vincent’s Hospital

Trong ca trực 12 tiếng, Sarah phải chăm sóc cho các bệnh nhân Covid-19 cần điều trị tích cực. Những người mà phổi của họ bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus SARS-CoV-2 sẽ phải thở máy. Các y tá phải theo dõi sát sao việc điều trị và huyết áp của các bệnh nhân để xem liệu có xảy ra tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) và loét điểm tỳ hay không, chăm sóc mắt và miệng cho họ, cũng như điều chỉnh ống dẫn lưu hỗ trợ các chức năng của cơ thể.

Hiện Sarah đang chăm sóc 2 bệnh nhân một lúc và cô lo ngại mình có thể xảy sai sót ở đâu đó. "Covid-19 đã gây ra tình trạng thiếu thốn nhân lực và có thể dẫn tới sai sót", y tá này chia sẻ.

Grace cũng là một y tá chăm sóc tích cực, người từng điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở Melbourne. Cô đang lo ngại về những gì xảy ra ở New South Wales hiện nay. "Chúng tôi thấy đồng cảm với những y tá đang trải qua những điều chúng tôi từng trải qua", Grace cho hay.

Như những gì cô chứng kiến, khả năng của phòng chăm sóc tích cực không đơn giản nằm ở số lượng máy thở mà còn ở việc có đủ y tá được đào tạo để chăm sóc cho các bệnh nhân cần chúng. Grace cho biết, khi số ca mắc gia tăng, các nhà chức trách y tế có thể tăng gấp 3 lần số lượng máy thở nhưng họ không thể ngay lập tức tăng gấp 3 lần số lượng y tá ICU được đào tạo đặc biệt.

Theo Grace, hiện các bệnh viện vẫn là nơi an toàn để điều trị cho các bệnh nhân nhưng cô lo ngại tình trạng quá tải trong các bệnh viện có thể dẫn tới sự chăm sóc không đạt tiêu chuẩn và khiến bệnh viện không còn là nơi an toàn cho cả các nhân viên y tế.

Năm ngoái, hơn 4.000 nhân viên y tế mắc Covid-19 ở Australia và đợt bùng phát dịch gần đây ở Bệnh viện Hoàng gia Melbourne đã khiến một số nhân viên mắc bệnh, dẫn tới 450 nhân viên bệnh viện phải nghỉ phép.

Grace muốn bệnh viện trở thành nơi làm việc an toàn hơn và các nhân viên y tế không còn "bị coi là người hùng" khi làm công việc của họ nữa. "Thay vì biến các bác sĩ và y tá trở thành người hùng, chúng tôi muốn họ được an toàn", y tá này chia sẻ. "Nếu ai đó làm việc trong một môi trường an toàn, họ không cần những tràng pháo tay bởi họ chỉ đang làm công việc của mình".

Emma làm việc trong một phòng đặc biệt, nơi mà cô và các đồng nghiệp chăm sóc các bệnh nhân mắc Covid-19 tại một bệnh viện lớn ở Melbourne. Cô cho biết sức ép mà họ phải đối mặt giống như "những bức tường đang dần ép chặt lại". "Sai sót có thể xảy ra và sẽ xảy ra", Emma chia sẻ. Emma đã đeo khẩu trang PPE lâu đến mức những vết hằn trên mặt cô trông như "bị ai đó đấm". Kiên nhẫn chăm sóc các bệnh nhân trong khi cảm thấy nóng rát từ đầu tới chân trong bộ đồ bảo hộ thực sự là một thách thức với Emma và nhiều y tá khác.

Emma chia sẻ, cô đang làm việc trong một môi trường mà mọi người đều hiểu một lỗi sai nhỏ nhất cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, nhưng việc kiểm tra đang bị bỏ qua bởi các nhân viên không thể thực hiện toàn bộ quá trình hay theo dõi các chính sách mới nhất của bệnh viện. "Mọi người đều cảm thấy lo sợ. Tôi lo ngại rằng ai đó sẽ chết bởi tôi bỏ lỡ một thông tin mới cập nhật".

Trên thực tế, việc qua đời trong phòng chăm sóc tích cực với mỗi bệnh nhân Covid-19 là một điều vô cùng tồi tệ. Các nhân viên y tế đang cảm thấy như mang trên mình gánh nặng khi chứng kiến các bệnh nhân qua đời mà không có người thân bên cạnh. "Họ khóc, họ tuyệt vọng. Thật không dễ dàng khi chứng kiến có những điều bạn nên làm nhưng lại không thể làm", Emma chia sẻ.

Gần đây, Sarah chăm sóc một bệnh nhân Covid-19 và khi người này qua đời, cô muốn làm điều cuối cùng cho người phụ nữ ấy nhưng lại không thể. "Tôi chỉ muốn nắm tay cô ấy. Nhưng trước khi cô ấy qua đời, tôi đã bị điều đi và tôi không thể ở đây bên cô ấy".

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

MRC North West Vùng: St Albans. Phone: 1300 676 044
Xem thêm

Article sourced from VOV.