Nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn điều gì thông qua những vụ phóng tên lửa?
Vào sáng sớm ngày 29/8, Triều Tiên đã phóng đi một tên lửa từ khu vực gần thủ đô Bình Nhưỡng. Tên lửa bay về hướng đông, bay xa khoảng 2.700km và bay cao 550km, qua không phận ở vùng đảo Hokkaido của Nhật Bản trước khi rơi xuống Thái Bình Dương cách đó khoảng 1.180km về phía đông.
Đây là lần thứ 3 Triều Tiên phóng tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Lần đầu tiên vào năm 1998 và lần thứ hai vào năm 2009 mặc dù Bình Nhưỡng cho biết vật thể nước này phóng cách đây 8 năm chỉ là vệ tinh. Trong khi đó, hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) tuyên bố vụ phóng tên lửa mới nhất là bước khởi đầu để Bình Nhưỡng kiềm chế vùng lãnh thổ Guam của Mỹ.
Tính đến nay Triều Tiên đã tiến hành hơn 80 vụ thử tên lửa kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền vào cuối năm 2011. Tuy nhiên, vụ phóng vào sáng qua đã gây chú ý hơn cả vì đây là lần đầu tiên tên lửa Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản dưới thời ông Kim Jong-un. Vậy nhà lãnh đạo Triều Tiên thực sự muốn đạt được điều gì thông qua những vụ phóng này?
Các cuộc đàm phán trực tiếp với Mỹ
Một số chuyên gia cho rằng ông Kim Jong-un đang tìm cách gây sức ép để buộc Mỹ bước vào bàn đàm phán thông qua một loạt vụ thử tên lửa gần đây.
“Triều Tiên cho rằng bằng cách phô diễn năng lực của họ, con đường tới bàn đối thoại sẽ được mở ra. Tuy nhiên, phần còn lại của thế giới không hiểu được logic đó của Triều Tiên. Nó không dễ hiểu chút nào”, Giáo sư Masao Okonogi tại Đại học Keio của Nhật Bản cho biết.
Trong những tuần gần đây, một số nhà lập pháp Mỹ đã công khai ủng hộ ý tưởng theo đuổi các biện pháp ngoại giao với Triều Tiên, trong đó một số người còn ủng hộ các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Washington và Bình Nhưỡng.
“Người Triều Tiên muốn có các cuộc đàm phán trực tiếp với Mỹ từ hơn một năm nay nhưng họ không muốn đưa ra cam kết trước về việc sẽ phải từ bỏ hạt nhân hay phải có những động thái đơn phương trước khi cuộc đàm phán bắt đầu”, Giám đốc Dự án Hợp tác An ninh Đông Bắc Á tại Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã hội Leon Sigal nhận định.
Theo chuyên gia Sigal, mong muốn thay đổi mối quan hệ với Mỹ của Triều Tiên có từ cách đây hơn 30 năm và Triều Tiên vẫn hy vọng việc Mỹ thay đổi chính sách thù địch của nước này nhằm vào Bình Nhưỡng sẽ là đòn bẩy để đưa hai nước tiến tới bàn đàm phán.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Trump cũng nhiều lần tuyên bố các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên có thể diễn ra với điều kiện tiên quyết là Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, ông Adam Mount, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ có trụ sở tại Washington, cho rằng: “Nếu Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Rex Tillerson tin rằng Triều Tiên sẽ xuống thang thì họ đã nhầm. Triều Tiên sẽ không bao giờ tình nguyện làm như vậy (từ bỏ vũ khí). Không bao giờ”.
“Đó là vấn đề liên quan tới chuyện mặc cả. Và Triều Tiên đã cho thấy rất nhiều lần rằng cái giá của sự mặc cả này là rất cao”, ông Adam cho biết thêm.
Đảm bảo sự tồn vong của chế độ
Theo nhiều chuyên gia phân tích, Triều Tiên tin rằng việc nước này phát triển thành công đầu đạn hạt nhân để gắn lên tên lửa phóng tới lãnh thổ Mỹ là cách duy nhất để Bình Nhưỡng ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ hòng thay đổi chế độ tại Triều Tiên.
Theo chuyên gia về các vấn đề Trung Đông Gabrielle Rifkind, các nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể đã nhìn vào lịch sử các cuộc chiến tại Iraq, Libya và rút ra một bài học rằng: việc họ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân cũng đồng nghĩa với việc chế độ của họ sẽ sụp đổ.
Trong khi đó, Triều Tiên nhiều lần tuyên bố sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình vũ khí vì cho rằng việc duy trì chương trình vũ khí này là sự cần thiết để đối phó với sự thù địch của Mỹ và các nước đồng minh.
Buộc quân đội Mỹ rút khỏi bán đảo Triều Tiên
“Ông Kim Jong-un là một nhà lãnh đạo trẻ tuổi. Ông ấy tin rằng mình sẽ còn tiếp tục nắm quyền trong khoảng 40 năm nữa. Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) là chìa khóa cho chiến lược dài hơi của ông ấy. Ông Kim Jong-un tin rằng việc sở hữu ICBM về cơ bản sẽ thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực, từ đó có thể buộc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc. Ông Kim có thể đã đúng”, chuyên gia Thomas Wright viết trên trang web của Viện nghiên cứu Lowy.
Chuyên gia Wright cũng trích một đoạn trong một bài phỏng vấn của ông Steve Bannon, cựu chiến lược gia trưởng của Tổng thống Trump, trước khi ông rời Nhà Trắng. Khi đó ông Bannon nói rằng Mỹ sẽ không có giải pháp quân sự nào để đáp trả mối đe dọa từ ICBM của Triều Tiên, và ông ủng hộ việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc (hiện có khoảng 28.500 binh sĩ) để đổi lại việc Triều Tiên sẽ đóng băng các chương trình hạt nhân của nước nay.
Chuyên gia Wright cũng nói thêm rằng, nếu thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên thực sự xảy ra, tức là Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc và Triều Tiên đóng băng các cơ sở hạt nhân, thì một kịch bản “hủy diệt” có thể xảy ra tại khu vực Đông Bắc Á. Vì khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tự phát triển vũ khí hạt nhân của riêng 2 nước này, kéo theo nguy cơ dẫn tới một cuộc chiến tranh liên Triều mới.
Chứng minh năng lực của Triều Tiên trước nước lớn
Ông Rupert Wingfield-Hayes cho rằng vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên là nhằm chứng minh cho các nước thấy quyết tâm của Bình Nhưỡng, để thể hiện rằng Triều Tiên sẽ không nao núng trước các lời hăm dọa của Mỹ và cũng không “xuống thang” như đề xuất của Tổng thống Trump cách đây 2 tuần.
Chỉ mới tuần trước, tại cuộc mít tinh ở Arizona, ông Trump đã tuyên bố rằng lời đe dọa trút “hỏa lực và cơn thịnh nộ” xuống Triều Tiên nếu nước này gây hấn với Mỹ đã bắt đầu phát huy tác dụng. Nhà lãnh đạo Mỹ nói ông Kim Jong-un “bắt đầu tôn trọng” Mỹ.
Tuy nhiên, ngay sau vụ phóng vào sáng qua, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đã có bài viết đáp trả tuyên bố của Tổng thống Trump.
“Mỹ nên hiểu rằng họ không thể hăm dọa Triều Tiên bằng bất kỳ lệnh cấm vận kinh tế hay đe dọa quân sự nào. Họ cũng không thể khiến Triều Tiên chùn bước trên con đường mà Triều Tiên đã chọn”, báo Triều Tiên khẳng định.
Nâng cao chương trình tên lửa
Với mỗi vụ thử tên lửa, các nhà khoa học tên lửa Triều Tiên sẽ có thêm các dữ liệu và góc nhìn để phát triển chương trình tên lửa của nước này. Nhiều chuyên gia và giới chức Mỹ từng cảnh báo rằng tên lửa ICBM của Triều Tiên hoàn toàn có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ vào năm 2018.
Điều này đã làm thay đổi các tính toán địa chính trị trong khu vực. Thực tế, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang xem xét triển khai thêm các vũ khí mạnh khác để đối phó Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng phóng thành công 2 tên lửa ICBM Hwasong-14 hồi tháng 7.
Nhà quan sát Ankit Panda viết trên tờ Diplomat rằng Triều Tiên vẫn đang nghiên cứu các thông số kỹ thuật để có thể hoàn thiện các vụ phóng tên lửa tầm xa hơn, bao gồm cả tên lửa Hwasong-12 và tên lửa Hwasong-14.
Một số chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn đạt được mục tiêu do nhà lãnh đạo Kim Jong-un đặt ra, đó là chế tạo thành công một đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ và nhẹ để lắp vừa trên tên lửa, và phải đảm bảo rằng việc lắp đặt đó không ảnh hưởng tới tầm phóng cũng như khả năng quay trở lại khí quyển trái đất của tên lửa.
Ngoài ra, các nhà khoa học tên lửa của Triều Tiên được cho là vẫn chưa đạt được công nghệ bảo vệ đầu đạn tên lửa khỏi sức nóng và áp suất cực lớn khi quay trở lại trái đất trong môt vụ phóng liên lục địa.
Thử thách quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) chụp ảnh cùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp nhau bên lề thượng đỉnh G20 tại Đức tháng 7/2017 (Ảnh: Express)
Các vụ thử tên lửa của Triều Tiên gần đây được cho là còn nhằm một mục đích khác, đó là gây áp lực cho quan hệ Mỹ - Nhật cũng như quan hệ Mỹ - Hàn. Triều Tiên muốn tạo cho Nhật Bản và Hàn Quốc cảm giác rằng hai quốc gia này rất dễ bị tổn thương, từ đó sẽ “thử” độ quyết tâm của Mỹ.
Tổng thống Trump đã phải trấn an Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc điện đàm ngày 29/8 rằng Mỹ sẽ 100% toàn tâm toàn ý với Nhật Bản. Thông điệp này cũng từng được ông Trump đưa ra nhiều lần trước đây.
Trong khi đó, các chuyên gia an ninh Hàn Quốc và Nhật Bản đã chỉ ra một mối nguy hiểm nghiêm trọng, thậm chí còn đáng lo ngại hơn một cuộc tấn công hạt nhân của Triều tiên.
Theo chuyên gia Richard C Bush thuộc Viện nghiên cứu Brookings, để bảo đảm an ninh của mình, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn phải phụ thuộc vào các cam kết với Mỹ. Theo đó, Tokyo và Seoul vẫn tin rằng Washington sẽ sử dụng tất cả các biện pháp có thể để bảo vệ hai đồng minh châu Á trước các cuộc tấn công từ Triều Tiên.
Hàn Quốc và Nhật Bản cho đến nay vẫn chọn cách không tự trang bị vũ khí hạt nhân cho chính mình vì tin rằng họ đã được bảo hộ dưới cái ô hạt nhân của Mỹ.
“Khi chương trình hạt nhân của Triều Tiên ngày càng tiến gần đến điểm thành công, sự hoài nghi bắt đầu tăng lên ở Nhật Bản và Hàn Quốc về độ tin cậy trong các cam kết của Mỹ. Liệu Washington có sẵn sàng đánh đổi mối nguy hiểm mà San Francisco đang phải đối mặt để cứu Seoul và Tokyo hay không?”, ông Richard viết trên trang web của Diễn đàn Đông Á.
Bạn đang tìm dịch vụ về Tiệm rượu?
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from DANTRI.
Original source can be found here: http://dantri.com.vn/the-gioi/trieu-tien-thuc-su-muon-gi-khi-phong-ten-lua-qua-nhat-ban-20170830135224003.htm