Nguyên nhân thất bại của bà Harris
Trong giai đoạn nước rút của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ứng viên Cộng hòa Donald Trump và đội ngũ dưới quyền liên tục đưa ra những phát biểu gây tranh cãi, như khi diễn viên hài Tony Hinchcliffe gọi Puerto Rico là "hòn đảo đầy rác rưởi trôi nổi giữa đại dương" trong buổi mít tinh của ông Trump, khiến cử tri gốc Puerto Rico ở bang Pennsylvania phẫn nộ.
Đội ngũ của Phó tổng thống Kamala Harris nhận định những phát ngôn trên đã giúp ích rất nhiều cho chiến lược tranh cử của mình, đó là chứng minh cho cử tri thấy ông Trump không phù hợp để đứng đầu Nhà Trắng. Họ lạc quan cho rằng bà Harris đang rất gần với chiến thắng, dù từng đánh giá đây sẽ là cuộc bầu cử rất gay cấn và khó đoán.
Sự lạc quan này là bằng chứng cho thấy bà Harris và cả đội ngũ của mình đã hiểu sai về cử tri, những người quan tâm hơn tới vấn đề nhập cư hay lạm phát thay vì tính cách của ông Trump, theo bình luận viên Tarini Parti của Wall Street Journal.
Ngay từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử cách đây gần 4 tháng, các cố vấn của Phó tổng thống Mỹ đã nhận thấy bà Harris là người ở thế bất lợi. Họ nhận định cách duy nhất để giúp ứng viên đảng Dân chủ vượt khó là xoáy sâu vào tính cách bốc đồng, khó lường của đối thủ, khiến cử tri cho rằng ông Trump không xứng đáng để làm tổng thống một lần nữa.
Bà Harris khi phát biểu nhận thua ở Đại học Howard, Washington, ngày 6/11. Ảnh: AP
Nhưng trên thực tế, cử tri Mỹ lại đang bất mãn về hướng đi hiện tại của đất nước và mong muốn một tác nhân có thể tạo ra thay đổi. Đây là điều ông Trump hứa hẹn sẽ mang đến.
Trong khi đó, bà Harris không cảm thấy thoải mái với việc chỉ trích chính sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden, dù một số đồng minh đã thúc giục ứng viên đảng Dân chủ làm điều này. Các cố vấn của Phó tổng thống Mỹ cũng cho rằng đây không phải bước đi hợp lý, khi xét đến vai trò quan trọng của bà Harris trong chính quyền hiện tại.
Sai lầm của bà Harris là đã "chọn không giữ khoảng cách với ông Biden", nghị sĩ Dân chủ Adam Smith, đại diện bang Washington, nhận định.
Chiến lược vận động tranh cử của bà Harris còn phạm nhiều sai lầm khác. Một số đảng viên Dân chủ cho rằng đội ngũ của Phó tổng thống Mỹ đã tiếp cận nhóm cử tri da đen, gốc Latin và thuộc tầng lớp lao động quá muộn, thông điệp của bà với những nhóm này cũng không rõ ràng.
Nghị sĩ Smith nhận định bà Harris dường như đã quá nghiêng về phe cấp tiến của đảng Dân chủ, những người thường bị ông Trump mô tả là "cực tả".
"Những người đó đã đẩy chúng ta xuống hố", Smith nói, nhắc đến đến các phong trào gây tranh cãi của phe cấp tiến như kêu gọi cắt ngân sách của cảnh sát và nới lỏng chính sách kiểm soát biên giới.
Những sai lầm trên đã khiến bà Harris đánh mất lượng cử tri lớn. Trong bầu cử năm nay, cả phụ nữ lẫn nam giới đều có xu hướng ủng hộ đảng Cộng hòa hơn so với cách đây 4 năm.
Đảng Dân chủ cũng đánh mất một ít lợi thế trong nhóm cử tri có trình độ đại học, đồng thời bị rất nhiều cử tri không có học vấn cao quay lưng, dù nhóm này chiếm tới 60% tổng số người Mỹ đủ điều kiện bỏ phiếu.
Tỷ lệ ủng hộ của cử tri da đen cho ông Trump đã tăng gấp đôi lên mức 16%, trong khi ủng hộ từ cử tri gốc Latin tăng thêm 6 điểm phần trăm, lên mức 41%. Bà Harris còn đánh mất hậu thuẫn từ nhóm cử tri có thu nhập theo hộ gia đình dưới 100.000 USD/năm, dù nhận được thêm ủng hộ từ nhóm cử tri kiếm được nhiều hơn con số trên.
Có thể thấy rõ dấu hiệu về sự thất thế của đảng Dân chủ tại cuộc mít tinh của Tim Walz, phó tướng của bà Harris, ở Hart Plaza tại bang Michigan vào đêm trước ngày bầu cử. Địa điểm này vốn có sức chứa hàng nghìn người, song số người tham dự chỉ chiếm một góc nhỏ, theo một tình nguyện viên tại sự kiện.
Có lúc đội ngũ của ông Walz đã phải yêu cầu khán giả tập trung lại những hàng ghế trước camera để tạo cảm giác rất nhiều người đã tới dự cuộc mít tinh.
Ông Walz phát biểu tại cuộc vận động tranh cử ở Hart Plaza tại Detroit, Michigan hôm 4/11. Ảnh: AFP
Một sai lầm khác của đảng Dân chủ là đã đề cử ông Biden ra tái tranh cử và đưa bà Harris lên thay vào thời điểm tương đối muộn.
Trong cuộc chạy đua năm 2020, Tổng thống Biden cam kết sẽ là người đóng vai trò chuyển tiếp và "truyền đuốc" lại cho một thế hệ lãnh đạo mới của đảng Dân chủ, ám chỉ ông sẽ chỉ làm một nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, sau khi đảng Dân chủ đạt kết quả vượt mong đợi trong bầu cử giữa kỳ năm 2022, Tổng thống Biden tự tin rằng những tiếng nói hoài nghi về khả năng lãnh đạo của ông đã một lần nữa bị chứng minh là sai lầm. Tháng 4/2023, ông công bố quyết định tái tranh cử.
Các trợ lý cấp cao của Nhà Trắng trước đó cũng tin rằng Tổng thống Biden sẽ tiếp tục ra tranh cử. Vấn đề này cũng không vấp phải tranh cãi nào lớn trong nội bộ của đảng.
"Tôi không nghĩ đây là câu hỏi còn bỏ ngỏ với ông ấy", Bob Shrum, chiến lược gia đảng Dân chủ và là người gần gũi với các cố vấn của Tổng thống Biden, cho biết. "Hỏi về điều đó là không thực tế. Ông ấy là tổng thống và đã muốn làm công việc suốt trong 50 năm".
Tuy nhiên, vẫn có những lời phàn nàn ở hậu trường từ nhóm nhân viên cấp trung ở Nhà Trắng nói riêng và đảng Dân chủ nói chung, theo các quan chức đã và đang làm việc ở Nhà Trắng. Không ai muốn công khai lo ngại của mình do sợ bị đuổi việc hoặc mất tiếng nói.
"Việc ông ấy từ chối cuộc phỏng vấn trước trận Super Bowl cho thấy rõ rằng Tổng thống không đủ năng lực làm ứng viên tranh cử. Dù vậy, họ vẫn nghĩ rằng chỉ cần kiên trì và chạy chiến dịch chống ông Trump là đủ", Brian Goldsmith, cố vấn của đảng Dân chủ và là nhà tài trợ cho chiến dịch tranh cử Biden - Harris, cho biết.
Ông Biden tại Nhà Trắng hôm 7/11. Ảnh: AP
Wall Street Journal hồi tháng 6 nói ông Biden đã cho thấy dấu hiệu suy giảm sức khỏe trong các cuộc gặp riêng với giới lãnh đạo lập pháp, song Nhà Trắng và các thành viên cấp cao của đảng Dân chủ bác bỏ.
Đội ngũ cố vấn của Tổng thống Mỹ đã quản lý lịch trình hoạt động và tương tác cá nhân của ông một cách chặt chẽ, nhằm hạn chế tối đa các dấu hiệu cho thấy ông Biden đã bị ảnh hưởng bởi tuổi tác.
Dù vậy, mọi chuyện vỡ lở khi Tổng thống Mỹ có cuộc tranh luận đáng thất vọng với ông Trump hồi tháng 6. Tại sự kiện, ông Biden nhiều lần bị vấp, thể hiện giọng khàn, yếu ớt và liên tục bị đối thủ lấn át.
Sau đó một tháng, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố ngừng tranh cử và ủng hộ bà Harris làm ứng viên thay thế, vào thời điểm chỉ còn khoảng ba tháng là đến ngày bầu cử. Điều này khiến bà Harris chỉ có thể phát động chiến dịch tranh cử trong 107 ngày, ngắn nhất trong lịch sử Mỹ.
Cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 8/11 cho rằng thất bại của bà Harris là do Tổng thống Biden rút khỏi chiến dịch tranh cử quá muộn, khiến đảng Dân chủ không thể chọn ứng viên mới thông qua bầu cử sơ bộ.
"Kamala có thể sẽ tham gia, tôi nghĩ bà ấy làm tốt việc đó và mạnh mẽ hơn, nhưng nó đã không xảy ra", Pelosi nói. "Mọi chuyện đã khác nếu điều này diễn ra sớm hơn".
Vấn đề sắp xếp nhân sự sau khi đảng Dân chủ thay ứng viên là nguyên nhân khác dẫn đến thất bại của họ. Sau khi được cấp trên "truyền đuốc", bà Harris kế thừa đội ngũ tranh cử của ông Biden, nhưng cũng đưa vào các cố vấn thân cận của mình, cùng những chiến lược gia từng giúp cựu tổng thống Mỹ Barack Obama đắc cử như David Plouffe, Stephanie Cutter và Mitch Stewart.
Một số trợ lý trong chiến dịch cho biết điều này đã gây ra rạn nứt nội bộ, dẫn đến bất đồng trong việc đưa ra quyết định và thông điệp tranh cử. Một phụ tá của bà Harris tiết lộ họ đã gặp nhiều khó khăn để thống nhất cách mô tả ông Trump trước cử tri.
Ông Plouffe và một số người muốn gọi Trump là "người nguy hiểm", trong khi một số thành viên khác nghĩ nên mô tả đối thủ là "mối rủi ro" hoặc là người theo đuổi "quyền lực không thể kiểm soát". Kết quả cuối cùng là sự kết hợp của tất cả những thông điệp này.
Chiến dịch của Phó tổng thống Mỹ còn mâu thuẫn về việc liệu bà có nên trả lời phỏng vấn Joe Rogan, người dẫn chương trình podcast số một ở Mỹ, hay không, dù điều này có thể giúp họ thu hút thêm ủng hộ từ cử tri là nam giới trẻ.
Bà Harris cuối cùng đã không thực hiện cuộc phỏng vấn do xung đột lịch trình. Trong khi đó, ông Trump đã làm điều này và được Joe Rogan tuyên bố ủng hộ.
Một sai lầm nữa của bà Harris là không cho cử tri thấy được quyết sách cụ thể để giải quyết các thách thức hiện tại của Mỹ nếu bà đắc cử.
Sau khi trở thành ứng viên, Harris cùng đội ngũ cố vấn đã gấp rút xây dựng một chiến lược kinh tế nhằm giải quyết những lo ngại của cử tri về lĩnh vực này. Các cuộc khảo sát cho thấy kinh tế là chủ đề được người dân Mỹ quan tâm nhất.
Nếu như ông Biden tập trung vào tạo công ăn việc làm, bà Harris lại nhấn mạnh mục tiêu kiểm soát giá cả. Phó tổng thống Mỹ đề xuất ban hành lệnh cấm tăng giá hàng hóa quá cao trên phạm vi liên bang, giúp người mua nhà lần đầu có thể trả tiền đặt cọc và hỗ trợ nhiều hơn cho chủ doanh nghiệp nhỏ.
Dù vậy, kết quả thăm dò cho thấy ông Trump vẫn liên tục dẫn trước bà Harris về vấn đề kinh tế.
Đội ngũ cố vấn của bà Harris đã có những cuộc tranh luận dài để thống nhất có nên sửa đổi để kế hoạch chính sách trở nên chi tiết và mở rộng hơn hay không. Họ cuối cùng quyết định chỉ đề cập khái quát về nhiều chi tiết, cho rằng cử tri cần cái nhìn toàn cảnh chứ không phải là những tờ giấy đầy chữ.
Một số cố vấn của Phó tổng thống Mỹ đã thừa nhận đây là sai lầm chiến lược. Cử tri muốn biết thêm thông tin về cách bà sẽ điều hành đất nước, nhiều người cũng nói họ chưa biết đủ về ứng viên đảng Dân chủ.
Nỗi thất vọng của người ủng hộ bà Harris khi chờ nghe bài phát biểu nhận thua của Phó tổng thống Mỹ tại Đại học Howard ở Washington hôm 6/11. Ảnh: AP
Trong khi đó, người dân Mỹ có thể hình dung được ông Trump sẽ điều hành đất nước như thế nào, dựa trên những gì ứng viên đảng Cộng hòa đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Trong hơn hai năm qua, ông Trump cũng đã liệt kê hàng chục chính sách dự kiến thực hiện trong ngày đầu tiên của nhiệm kỳ mới, trong đó có trục xuất hàng loạt người nhập cư trái phép và đẩy mạnh hoạt động khoan dầu. Bà Harris thì chưa thể giải thích rõ ngày đầu tiên nhậm chức của mình sẽ diễn ra như thế nào.
Sau khi thất bại của bà Harris trở nên rõ ràng, một số đảng viên Dân chủ đã đổ lỗi cho các kế hoạch kinh tế của Phó tổng thống Mỹ. Theo họ, cử tri không hiểu những kế hoạch này sẽ mang lại lợi ích gì cho tầng lớp trung lưu đang gặp khó khăn.
Future Forward, siêu PAC ủng hộ đảng Dân chủ, từng cảnh báo với chiến dịch của bà Harris rằng họ đang phạm sai lầm khi tập trung chỉ trích ông Trump thay vì cho cử tri thấy mình sẽ làm gì.
"Nhiệm vụ của chúng ta vẫn là tập trung vào bà Harris, chứ không phải ông Trump. Cần cung cấp cho cử tri thông tin mới, cụ thể về cách mà bà Harris có thể giúp họ và gia đình khi lên làm tổng thống", bản ghi nhớ của Future Forward gửi cho các đồng minh có đoạn.
Nhưng bà Harris và chiến dịch của mình đã không làm được điều đó. Và bà đã thất bại chóng vánh trước ông Trump, cả về phiếu phổ thông lẫn đại cử tri, cũng như ở loạt bang chiến trường, những nơi từng được dự báo là kết quả "rất sít sao".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nhung-sai-lam-khien-ba-harris-tra-gia-4813536.html