Nguyên nhân khiến Trung Quốc quyết tâm theo đuổi chiến lược 'không Covid'
Kinh nghiệm của Singapore trong việc sống chung với Covid-19 có thể không phải là mô hình hữu ích với Trung Quốc khi nước này đang xem xét việc mở cửa trở lại biên giới, nhà nghiên cứu y tế Trung Quốc cho biết.
Một người phụ nữ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 hôm 13/10 tại Thanh Đảo. Trung Quốc xét nghiệm toàn bộ dân số 10,7 triệu người tại thành phố này khi phát hiện cụm ca mắc Covid-19. Ảnh: Reuters
Bảo vệ sức khỏe cho 1,4 tỷ dân không phải là điều dễ dàng
“Mạng lưới an toàn bảo vệ sức khỏe cho 1,4 tỷ dân không phải là điều dễ dàng. Trung Quốc không thể làm điều tương tự [như Singapore]”, bà Li Ling, nhà nghiên cứu y tế tại Đại học Bắc Kinh cho biết.
Trung Quốc áp dụng chiến lược “không khoan nhượng” để đối phó với đại dịch Covid-19, theo đó áp lệnh phong tỏa nhanh chóng và trên diện rộng, cộng với xét nghiệm quy mô lớn trong toàn bộ cộng đồng bất cứ khi nào xuất hiện các cụm ca mắc Covid-19.
Tuy nhiên, Singapore, với 83% dân số đã được tiêm chủng, đã dỡ bỏ hạn chế tụ tập từ tháng 8, cho phép người dân được ăn uống tại các nhà hàng, nhân viên được trở lại làm việc tại công sở nhiều hơn.
Các hạn chế được áp đặt trở lại vào cuối tháng 9 do sự gia tăng số ca mắc Covid-19 và các bệnh viện phải chịu nhiều sức ép. Các biện pháp hạn chế này ban đầu dự kiến được áp dụng đến ngày 25/10 nhưng sẽ được gia hạn đến 21/11 sau khi Singapore ghi nhận 3.994 ca mới mắc Covid-19 trong ngày 19/10.
Bà Li cho biết, chiến lược của Singapore đã thất bại trong việc kiềm chế số ca mắc Covid-19 và nếu các điều kiện tương tự xảy ra ở Trung Quốc - đất nước 1,4 tỷ dân, “kịch bản sẽ không chỉ là 3.000 ca mới mỗi ngày”.
Chìa khóa để Trung Quốc mở cửa trở lại là liệu tình trạng lây nhiễm cũng như các biến thể mới có được kiểm soát ở các nước khác hay không.
“Chừng nào một đất nước còn chưa thể kiểm soát được dịch Covid-19 thì không nước nào có thể loại bỏ nguy cơ lây nhiễm”, bà nói.
Trung Quốc không chịu nhiều sức ép về kinh tế?
Bà Li cũng nói rằng, Trung Quốc không chịu nhiều sức ép về kinh tế phải mở cửa trở lại.
“Với ‘chiến lược tính toán kép’, nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi dần dần”, bà Li nói, đề cập tới các nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế thông toa nhu cầu và tiêu thụ nội địa.
“Hiện tại, Trung Quốc không ở trong tình huống cấp bách phải ‘mở cửa trở lại’ như ở Singapore. Trung Quốc phải đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu”, bà Li cho biết thêm.
Theo bà Li, vai trò của Singapore như một trung tâm tài chính quốc tế cũng có nghĩa là việc mở cửa biên giới trở lại với thế giới là mục tiêu quan trọng của nước này.
Ở Trung Quốc, cũng không có nhiều dấu hiệu về sự ủng hộ của công chúng đối với cách tiếp cận như của Singapore.
Chuyên gia virus học Trung Quốc Zhang Wenhong hồi tháng 7 nói rằng mọi nước đều phải học cách sống chung với virus vì các dữ liệu cho thấy dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan mặc dù các chiến dịch tiêm chủng được tiến hành rộng rãi.
Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Y tế Gao Qiang cho rằng việc một số chuyên gia ở Trung Quốc nhấn mạnh khả năng lây nhiễm của biến thể Delta trong khi vẫn khuyến cáo nước này nên sống chung với đại dịch là điều mâu thuẫn.
Dù vậy, việc mở cửa đất nước vẫn đang được xem xét. Ông Zhong Nanshan, một chuyên gia hàng đầu về bệnh đường hô hấp và ông Gao Fu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc đều cho rằng tỷ lệ tiêm chủng tối thiểu 85% và tỷ lệ tử vong thấp hơn có thể là điều kiện để mở cửa trở lại. Tính đến giữa tháng 9, khoảng 78% dân số Trung Quốc đã được tiêm chủng đầy đủ.
Bất chấp việc sử dụng mã QR y tế để hạn chế việc đi lại của người dân, Trung Quốc vẫn tiếp tục ghi nhận những đợt bùng phát Covid-19 lác đác, và trong đợt bùng phát gần đây nhất, các ca bệnh được ghi nhận trên một khu vực địa lý rộng hơn.
Các trường hợp được ghi nhận trong những ngày qua ở tỉnh Cam Túc, Thiểm Tây, Quý Châu cũng như các khu vực trị Hồi Ninh Hạ và Nội Mông, thậm chí cả thủ đô Bắc Kinh.
Trong khi giới chức vẫn chưa xác định được nguồn lây của các ca bệnh đầu tiên ghi nhận trong đợt bùng phát mới này, đã có thêm 9 ca có triệu chứng trong ngày 19/10 và 17 ca trong ngày 20/10, tất cả đều nằm cùng một chuỗi lây nhiễm.
Các trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên trong chuỗi lây nhiễm này là 2 vợ chồng đã nghỉ hưu. Ngày 9/10, hai người này từ Thượng Hải bay tới Trương Dịch, tỉnh Cam Túc và có một chặng dừng ở Tây An tỉnh Thiểm Tây. Sau đó, hai người này di chuyển bằng đường bộ ở Cam Túc và Nội Mông.
Hai người có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay từ Thượng Hải và xét nghiệm âm tính một lần nữa trước khi bay từ Gia Dục Quan, tỉnh Cam Túc tới Tây An. Hai người sau đó có kết quả dương tính.
Hai vợ chồng này tiếp xúc gần với 6 người khác trong quá trình đi lại bằng đường bộ và cả 6 người sau đó đều có dương tính với SARS-CoV-2.
Ngoài ra, 5 nhân viên làm việc trong một nhà hàng ở Nội Mông mà 2 vợ chồng ghé thăm cũng dương tính với SARS-CoV-2.
Một người đàn ông thuê ô tô với cặp vợ chồng nêu trên cũng mắc Covid-19. Sau chuyến đi chung, người đàn ông này bắt tàu hỏa từ Gia Dục Quan tới Bắc Kinh. Một người khác đi cùng toa tàu với người đàn ông này cũng mắc Covid-19./.
Bạn đang tìm dịch vụ về Giáo dục?
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: https://kenh14.vn/ly-do-trung-quoc-khong-theo-duoi-chien-luoc-song-chung-voi-covid-19-nhu-singapore-20211021205817624.chn