Nguyên nhân khiến tàu chiến Anh 'án binh bất động' trên Biển Đỏ
Lực lượng Mỹ, Anh thời gian qua tiến hành nhiều cuộc tập kích vào loạt mục tiêu của nhóm vũ trang Houthi ở Yemen, nhằm đáp trả các đòn tấn công gần đây của nhóm vào tàu hàng ở Biển Đỏ.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh không ra lệnh cho khu trục hạm HMS Diamond đang hoạt động ở Biển Đỏ tham gia các cuộc tấn công trả đũa, mà triển khai tiêm kích Eurofighter Typhoon từ căn cứ không quân cách đó hàng nghìn km tới hỗ trợ Mỹ.
Nguyên nhân khiến khu trục hạm HMS Diamond "án binh bất động" là do tàu chiến này không có năng lực tấn công mục tiêu trên đất liền, Telegraph ngày 27/1 dẫn một nguồn tin quốc phòng nước này cho biết. Đây không chỉ là điểm yếu của riêng tàu HMS Diamond, mà tất cả các khu trục hạm hay hộ vệ hạm khác trong biên chế hải quân Anh đều không có khả năng phóng tên lửa lên đất liền.
Tàu HMS Diamond trong bức ảnh đăng tháng 11/2023. Ảnh: X/HMS Diamond
Vũ khí duy nhất mà tàu chiến Anh hiện có thể sử dụng để khai hỏa vào mục tiêu trên bộ hoặc trên biển là hải pháo ở mũi tàu, song chúng có tầm bắn ngắn nên không thể thay thế cho tên lửa. Nếu muốn tấn công các mục tiêu ở xa trên đất liền như của lực lượng Houthi, lực lượng Anh sẽ phải triển khai tiêm kích hoặc tàu ngầm từ nơi khác đến, ảnh hưởng tới tốc độ tiến hành các cuộc tập kích.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hải quân Anh đã loại biên tên lửa Harpoon, loại vũ khí diệt hạm sở hữu một số biến thể có khả năng tập kích mục tiêu trên đất liền, từ năm 2023 do hết niên hạn sử dụng. London định tạm thời thay thế Harpoon bằng dòng Tên lửa Tấn công Hải quân (NSM) đa nhiệm do Na Uy sản xuất, song tới nay mới lắp thử lên duy nhất một tàu chiến và chưa khai hỏa lần nào.
Theo kế hoạch, tên lửa NSM sẽ được trang bị cho 11 khu trục hạm, hộ vệ hạm của hải quân Anh trước khi lực lượng này ra mắt một mẫu tên lửa hành trình mới vào năm 2028.
Một quan chức quốc phòng cấp cao giấu tên của Anh cho hay đây là một "bê bối" của hải quân nước này. "Anh đang phải triển khai chiến đấu cơ từ cách đó hàng nghìn km để thực hiện nhiệm vụ mà một quả tên lửa đối đất bình thường có thể làm", quan chức này cho hay.
Một số nghị sĩ Anh cho rằng việc thiếu năng lực tấn công đất liền khiến tàu chiến Anh giống như "những con nhím", có năng lực phòng thủ tốt song lại không có khả năng tấn công.
Khu trục hạm HMS Diamond tuy không tham gia các cuộc tập kích trả đũa trên đất liền Yemen, song thời gian qua vẫn tích cực khai hỏa hệ thống phòng không Sea Viper đánh chặn tên lửa và máy bay không người lái (UAV) do Houthi phóng ra Biển Đỏ.
Sự việc này chỉ là một trong loạt vấn đề mà hải quân Anh đang phải đối mặt gần đây, bao gồm khủng hoảng nhân lực vì gặp khó khăn trong khâu tuyển quân. Truyền thông nước này cho biết London chưa triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Biển Đỏ do tàu hậu cần Fort Victoria của nhóm không thể ra khơi vì thiếu thủy thủ.
Đây là tàu hậu cần duy nhất có khả năng cung cấp cho nhóm tác chiến đủ đạn dược, nhu yếu phẩm, thiết bị dự phòng và máy bay để tiến hành nhiệm vụ dài hơi. Hải quân Anh trước đó cũng đã phải loại biên hai tàu chiến cũ HMS Westminster và HMS Argyll để có nhân lực phục vụ các tàu mới hơn.
Vị trí Biển Đỏ. Đồ họa: AFP
Bạn đang tìm dịch vụ về Siêu thị?
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/ly-do-tau-chien-anh-khong-the-phong-ten-lua-tap-kich-houthi-4706440.html