Nguyên nhân gây tử vong số 1 trong các vụ hỏa hoạn
Mới đây, vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội với số lượng thương vong lớn nhận được sự quan tâm của rất nhiều người dân. Trong số các nạn nhân thương vong, nhiều người trong đó có biểu hiện ngạt khói.
Ngạt khói là nguyên nhân gây tử vong số một và phổ biến nhất trong các vụ hỏa hoạn. Theo PGS Trần Hồng Côn – nguyên giảng viên Khoa Hóa học, trường Đại học Tự nhiên Hà Nội, hầu hết những người thiệt mạng trong đám cháy là do hít khói chứ không phải bị bỏng. Ứơc tính 50%-80% số ca tử vong do hỏa hoạn là do thương tích do hít phải khói (chứ không phải do bỏng).
Nguy cơ thiệt mạng do ngạt khói, nhiễm khí độc
Hít phải khói trong đám cháy có thể gây nguy hiểm tính mạng nghiêm trọng và nó không chỉ ảnh hưởng đến đường hô hấp.
- Các loại khí độc như carbon monoxide (CO) và xyanua (CN) thường có trong khói của các đám cháy có thể dẫn đến ngạt thở. Ngạt do ngộ độc CO là nguyên nhân chính gây tử vong nhanh chóng cho các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn. Điều này do tác động cùng lúc lúc của việc suy giảm nồng độ oxy (do tiêu thụ nhiều oxy trong quá trình đốt cháy) và hít phải nồng độ CO và CN cao từ khói (dẫn đến cơ thể không thể sử dụng oxy ở cấp độ tế bào).
Trong một đám cháy, sau vài phút nồng độ oxy sẽ giảm xuống nhanh chóng có thể khiến một người bất tỉnh. Và khi nồng độ oxy xuống thấp đáng kể trong 4 phút hoặc lâu hơn, các tế bào não bắt đầu chết và sau 5 phút, tổn thương não do thiếu oxy vĩnh viễn có thể xảy ra. Sau bảy phút, tử vong sẽ xảy ra.
- Tổn thương nhiệt chủ yếu ở đường hô hấp trên: Nhiệt từ khói sẽ đốt cháy màng nhầy của đường thở (mũi, miệng, khí quản và tiểu phế quản). Điều này không chỉ cực kỳ đau đớn mà còn làm tổn thương đường hô hấp, gây sưng tấy và có khả năng làm xẹp đường thở.
- Chấn thương do hóa chất ở đường hô hấp trên và dưới: Trong đám cháy, các đồ nội thất, thiết bị,... khi bị đốt sẽ tạo ra các hóa chất làm tổn thương da và màng nhầy. Những hóa chất này được mang theo trong khói và làm hỏng đường hô hấp, gây sưng tấy và xẹp đường thở. Amoniac, sulfur dioxide và clo là những ví dụ về chất kích thích hóa học trong khói. Những chất này và các hợp chất khác trong khói sẽ gây tổn thương tế bào trong cơ thể bằng cách cản trở việc cung cấp và sử dụng oxy cũng như gây nhiễm độc thần kinh (tổn thương hệ thần kinh).
Cách tránh ngộ độc khí trong đám cháy
Trong trường hợp bạn bị mắc kẹt trong đám cháy và chưa thể thoát ra ngoài ngay, hãy bình tĩnh và cố gắng thực hiện theo những cách sau để giúp giảm thiểu tình trạng ngạt khói và từ đó tránh được nguy cơ tử vong.
- Nhanh chóng tìm kiếm các lối thoát hiểm thay vì nhốt mình trong phòng
- Quỳ xuống sàn và di chuyển bằng tay và đầu gối. Vì khói và khí bay lên cao nên bạn sẽ hít thở ít chúng hơn nếu ở gần mặt đất.
- Lấy một mảnh vải hoặc một mảnh quần áo lớn, làm ẩm nó và áp vào mũi và miệng. Nước sẽ lọc các khí độc, ngăn bạn hít phải.
- Tránh xa và tránh lao vào những căn phòng mà bạn có thể nhìn thấy khói cuồn cuộn.
- Trong trường hợp bạn bị mắc kẹt trong phòng, hãy đóng cửa lại để ngăn khói bay vào và lót khoảng trống xung quanh khung cửa và quạt thông gió bằng vải ướt hoặc băng keo.
- Nếu quần áo của bạn bắt lửa, hãy nằm xuống và lăn mình trên mặt đất cho đến khi lửa tắt
Khi bị mắc kẹt trong đám cháy, bạn nên bò ở dưới thấp tới lối thoát và dùng miếng vải hay quần áo ẩm ướt để che mũi miệng. (Ảnh minh họa)
Khi bạn đã rời xa nguồn lửa, hãy báo cho nhân viên y tế cấp cứu có mặt tại hiện trường. Ưu tiên hàng đầu sẽ là giảm mức carboxyhaemoglobin trong máu. Để làm được điều đó, các kỹ thuật viên cấp cứu sẽ sử dụng mặt nạ dưỡng khí với lưu lượng oxy 100%.
Nếu bị bỏng và chấn thương, hãy nhanh chóng đến bệnh viện gần nhất để xử lý.
Bạn đang tìm dịch vụ về Tiệm rượu?
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/nguyen-nhan-so-1-khien-nhieu-nguoi-mat-mang-trong-cac-dam-chay-lam-sao-de-phong-ngua-c131a570604.html