Nguy cơ bùng nổ chó mèo hoang tại Nhật Bản
Nhiều người Nhật Bản mua chó mèo cưng giữa đợt bùng phát Covid-19, song sau đó bỏ rơi chúng. Tình trạng vật nuôi bị bỏ rơi tự do sinh sản ở nhiều thành phố Nhật Bản tới mức báo động, thậm chí nguy cơ gây ra "khủng hoảng chó mèo hoang".
Bác sĩ thú y Miyuki Daimon, 42 tuổi cùng chồng là Masaaki, 38 tuổi, điều hành bệnh viện thú y Mobile Vet Office ở thành phố Ebetsu, tỉnh Hokkaido. Phòng khám này năm 2020 phẫu thuật triệt sản cho khoảng 1.600 con chó và mèo hoang, tăng lên 2.000 con trong năm 2021.
Ngoài thời gian làm việc tại bệnh viện, cặp vợ chồng đến nhiều vùng khác nhau để triệt sản cho chó mèo. Họ từng xử lý 40-50 ca triệt sản trong một số chuyến đi.
Bác sĩ Miyuki Daimon (trái) cùng chồng Masaaki (phải) tại phòng khám thú y Ebetsu ở tỉnh Hokkaido, Nhật Bản ngày 18/2. Ảnh: Kyodo.
Mỗi ca triệt sản hai vợ chồng Daimon thực hiện có giá từ 4.400-7.700 yen (38-67 USD), khoảng 1/3 phí tối thiểu tại các bệnh viện thú y thông thường. Do không thể theo dõi hậu phẫu với chó mèo hoang, độ dài vết mổ được giới hạn ở một cm hoặc ngắn hơn để những con vật bớt đau đớn.
"Chúng tôi hy vọng sẽ góp phần giảm số lượng mèo hoang bằng các hoạt động phẫu thuật triệt sản giá rẻ", bác sĩ Miyuki nói. Hai vợ chồng Daimon thường triệt sản chó mèo hoang lang thang trên đường phố được các nhóm bảo vệ động vặt hoặc người đi đường đưa đến phòng khám.
Bộ Môi trường Nhật Bản quy định tiêu hủy chó mèo là phương án cuối cùng khi không còn lựa chọn nào khác để ngăn các vấn đề ảnh hưởng tới cộng đồng như nguy cơ bệnh truyền nhiễm và mất vệ sinh do chất thải của chúng.
"Chúng tôi muốn mở rộng các hoạt động nhân đạo với động vật để không còn xảy ra những trường hợp đáng tiếc như vậy", một người tham gia bảo vệ động vật đề cập đến quy định của giới chức Nhật Bản.
Giới chức một số địa phương Nhật Bản đã cải thiện biện pháp đối phó với tình trạng chó mèo hoang, trong đó có hỗ trợ một phần chi phí triệt sản cho chúng. Nhờ đó, số mèo hoang bị tiêu hủy có xu hướng giảm, từ 27.107 con năm 2019 xuống 19.705 con năm 2020.
Thành phố Kobe thậm chí tài trợ toàn bộ chi phí triệt sản mèo hoang. Tuy vậy, có những trường hợp chương trình phải dừng do ngân sách cạn kiệt hoặc không đủ cơ sở vật chất.
Miyuki Daimon (phải) và Masaaki kiểm tra tình trạng của một con mèo tại bệnh viện thú y tại Ebetsu, Hokkaido, Nhật Bản tháng 4/2021. Ảnh: Mainichi.
Theo Hiệp hội Thức ăn vật nuôi Nhật Bản, số lượng mèo sinh sản trong một năm đã tăng 16% so với năm ngoái, một phần do nhiều người muốn nuôi thú cưng để bầu bạn khi mắc kẹt ở nhà trong đại dịch Covid-19. "Tôi sợ nhiều người quyết định nuôi mèo mà không suy nghĩ kỹ, sau đó bỏ rơi chúng", Miyuki nói.
Chính phủ Nhật Bản dự kiến sửa đổi luật động vật vào tháng 6, theo đó bắt buộc chó mèo được gắn chip chứa thông tin về chủ nuôi.
Ngoài phòng khám của hai vợ chồng Daimon, một số cơ sở thú y khác cũng triệt sản chó mèo hoang với chi phí thấp, trong đó có bệnh viện thú y Inagaki ở Koshigaya, tỉnh Saitama. Cơ sở này đã triệt sản khoảng 40.000 con mèo hoang.
Masaharu Inagaki, giám đốc bệnh viện thú y Inagaki, thường đến các chi nhánh tỉnh Fukushima, Ibaraki, Gunma và Chiba mỗi tháng một lần để triệt sản cho chó mèo hoang.
"Càng xa khu vực trung tâm, càng có ít bệnh viện cung cấp dịch vụ triệt sản", bác sĩ Inagaki chia sẻ. "Hơn nữa, nhiều người chủ không biết khả năng sinh sản tiềm tàng của mèo. Họ nên chuẩn bị sẵn sàng chăm lo cho mèo cưng sau khi làm phẫu thuật".
Bạn đang tìm dịch vụ về Siêu thị?
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/no-luc-ngan-bung-no-cho-meo-hoang-o-nhat-4435751.html