Nguồn cung năng lượng tái tạo đạt mức cao kỷ lục

21:00' 25-10-2021
Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung điện năng ra thị trường của Australia đã đạt mức cao kỷ lục hơn 60%.

Nguồn cung năng lượng tái tạo của Australia chạm mức kỷ lục. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo cáo công bố ngày 22/10 của Cơ quan điều hành Thị trường Năng lượng Australia (AEMO) cho biết tỷ lệ thâm nhập của năng lượng tái tạo, hòa vào lưới điện quốc gia của Australia, hiện đạt mức cao kỷ lục, chiếm hơn 60% tổng số điện năng cung cấp cho thị trường.

Trong vòng 12 tháng qua, dòng năng lượng tái tạo từ của các trang trại điện gió và Mặt Trời lớn, cùng với sự tăng trưởng của năng lượng Mặt Trời trên mái nhà đã đóng góp đáng kể vào mạng lưới điện, làm định hình lại hoàn toàn Thị trường Điện Quốc gia của Australia, khiến giá bán buôn điện ban ngày giảm xuống mức mà các nguồn năng lượng chủ đạo như than và khí đốt đang phải vật lộn để cạnh tranh.

Vào lúc 1 giờ 30 phút ngày 24/9, mức thâm nhập của năng lượng tái tạo hòa vào lưới điện quốc gia của Australia đã chạm ngưỡng kỷ lục mới, chiếm 61,4% tổng lượng điện cung cấp. Tính trên cả quý III/2021, năng lượng tái tạo chiếm trung bình 31% tổng sản lượng điện, cũng là một kỷ lục lần đầu tiên ghi nhận tại Australia.

AEMO cho biết sản lượng điện tái tạo cao hơn đã giúp đẩy giá điện bán buôn tại Australia xuống dưới mức 0 đồng thường xuyên nhiều hơn. Nhờ giá bán buôn điện chạm đáy, giá điện sinh hoạt cũng giảm rất nhiều, giúp các hộ gia đình tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể.

Tuy nhiên, điều này đã gây áp lực rất lớn lên khả năng tồn tại của các máy phát điện chạy bằng than, hiện vẫn là nguồn cung cấp phần lớn điện năng của Australia. Các nhà máy nhiệt điện hiện thường xuyên hoạt động thua lỗ do không thể cạnh tranh về giá với các nguồn năng lượng tái tạo ngày càng rẻ hơn.

Giám đốc thị trường của AEMO, Violette Mouchaileh, cho biết tại bang Victoria, giá điện giao ngay trung bình trong khoảng thời gian ban ngày đã giảm từ 30 AUD/megawatt giờ (21 USD/megawatt giờ) vào năm 2020, xuống chỉ còn 0,01 AUD/megawatt giờ trong tháng 8/2021 và tháng 9/2021. Tương tự, bang Nam Australia lần đầu tiên ghi nhận giá điện ban ngày trung bình dưới 0 liên tục trong cả quý III/2021.

Đầu năm nay, công ty khai thác và kinh doanh điện năng lớn của Australia là EnergyAustralia đã thông báo sẽ đóng cửa nhà máy nhiệt điện Yallourn tại bang Victoria vào năm 2028, sớm hơn 4 năm so với kế hoạch.

Một công ty khác là AGL, công ty điện lực hàng đầu của quốc gia, cũng đang có kế hoạch tách rời các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than và khí đốt khổng lồ ra khỏi hoạt động kinh doanh bán lẻ điện, sau khi thua lỗ 2,3 tỷ AUD (1,61 tỷ USD) trong vòng nửa năm gần đây.

Do sản xuất điện là nguồn phát thải chủ yếu của Australia, nên việc giảm sản lượng từ các nhà máy than sẽ giúp Australia giảm mạnh lượng khí thải carbon quốc gia, tiến gần hơn tới mục tiêu không phát thải. Tuy nhiên, Chính phủ Australia và một số nhà lãnh đạo ngành năng lượng đã cảnh báo rằng việc ngừng hoạt động sớm bất ngờ của các máy phát điện chạy bằng than có thể làm tăng nguy cơ mất điện hoặc tăng đột biến hóa đơn điện trong tương lai.

Bộ trưởng Năng lượng và Giảm phát thải Australia Angus Taylor mới đây nhất đã lên tiếng kêu gọi phát triển một cơ chế năng lực để thúc đẩy nguồn đầu tư vào hệ thống lưu trữ và cung cấp điện theo yêu cầu, nhằm hỗ trợ kiểm soát nguồn năng lượng tái tạo khi thiếu nguồn cung gió và mặt trời.

Nhưng chính sách này đã vấp phải sự "kêu ca" từ các nhóm hoạt động vì môi trường. Họ cho rằng đó sẽ là “máy lọc than” vì chúng hoạt động trên quy tắc hỗ trợ trả chi phí giúp các nhà máy than được duy trì ở lại trong lưới điện lâu hơn, nhằm đảm bảo giữ cho nguồn cung điện ổn định trong tương lai. Tuy nhiên, ông Taylor khẳng định cơ chế này sẽ được thiết kế trung lập với công nghệ, mang lại cơ hội bình đẳng cho các nguồn năng lượng khác nhau.

Canberra hiện đang phải chịu áp lực rất lớn về vấn đề chính sách năng lượng, khi Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 sắp diễn ra vào đầu tháng tới ở Glasgow (Anh) và Thủ tướng Scott Morrison đã xác nhận sẽ tới tham dự.

Do những bất đồng chính kiến trong nội bộ chính trị Australia, đến nay Canberra vẫn chưa đi đến thống nhất về các mục tiêu giảm phát thải carbon của quốc gia trong thời gian tới. Ông Morrison muốn cam kết Australia sẽ giảm lượng khí thải carbon xuống bằng vào năm 2050, nhưng một số quan chức trong Chính phủ Australia lại đang có thái độ lưỡng lự.

Báo cáo từ Hội đồng Khí hậu của Liên hợp quốc mới đây đã xếp Australia xuống hạng thấp nhất trong số các quốc gia phát triển về những nỗ lực giải quyết thách thức khí hậu tại nguồn bằng cách cắt giảm lượng khí phát thải. Báo cáo cho biết lượng khí phát thải từ điện của Australia đã tăng 1/3 kể từ năm 1990, trong khi lượng khí thải giao thông tăng hơn một nửa./.

 
 

 

 

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from BNEWS.

Original source can be found here: https://bnews.vn/nguon-cung-nang-luong-tai-tao-cua-australia-cham-muc-ky-luc/217958.html