Người Tây Ban Nha luôn ăn tối vào lúc... 10 giờ đêm

15:16' 26-02-2018
Rất nhiều người cho rằng những bữa ăn muộn của người Tây Ban Nha phản ánh một lối sống phóng khoáng và thoải mái, tuy nhiên sự thật … không hề như bạn nghĩ!

Người Tây Ban Nha đang sống sai múi giờ và nó đã tồn tại hơn … 70 năm!

Vào 10 giờ tối, hầu như mọi đầu bếp ở khắp nơi trên thế giới đều đã treo tạp dề và chuẩn bị về nhà nghỉ ngơi. Nhưng tại Tây Ban Nha, các con đường lát sỏi vẫn rộn ràng tiếng người nói chuyện, tiếng xào nấu và mùi thơm của món gambas ai ajillo (tôm nấu với tỏi) hay cocido madrileno (đậu hạt hầm với thịt heo và xúc xích)…

Du khách đến đây thường cho rằng giờ ăn tối rất muộn ở Tây Ban Nha phản ánh lối sống thư thái ở đất nước này. Nhưng lý do thực sự lại khác vô cùng: Người Tây Ban Nha đang sống sai múi giờ, và chuyện đó xảy ra đã hơn 70 năm nay.

Nhìn trên bản đồ, bạn sẽ nhận thấy Tây Ban Nha nằm cùng vĩ độ với Vương quốc Anh, Bồ Đào Nha và theo múi giờ của Greenwich (GMT). Tuy nhiên, trên thực tế, Tây Ban Nha lại theo múi giờ Trung Âu (CET).

Tại sao người Tây Ban Nha lại sống chậm hơn so với múi giờ địa lý thực của mình?

Trong thời gian diễn ra Thế chiến thứ II, Thủ tướng Francisco Franco đã đổi múi giờ của Tây Ban Nha, di chuyển đồng hồ nhanh hơn một giờ cho trùng với múi giờ của Đức, từ đó gián tiếp thể hiện sự đoàn kết với phát xít Đức.

Quá mệt mỏi với chiến tranh khốc liệt, người Tây Ban Nha lúc ấy không quan tâm và cũng không phàn nàn gì về sự thay đổi giờ, và họ vẫn tiếp tục sinh hoạt theo giờ cũ. Kết quả là, bữa trưa lúc 13 giờ của họ lại trở thành 14 giờ và bữa tối cũng từ 21 giờ thành 22 giờ.

Sau Thế chiến thứ II kết thúc, giờ cũ vẫn không được thay đổi lại.

Dần dần, điều này trở thành một nét văn hóa khó thể chối bỏ của người Tây Ban Nha.

Ngủ trưa lâu thật lâu để thức khuya "chơi hết ga" - một nét văn hóa độc đáo của Tây Ban Nha

Một nguyên nhân nữa khiến cho bữa tối của người dân xứ này diễn ra muộn, chính là giấc ngủ trưa đặc biệt - kéo dài tới 3 tiếng đồng hồ - của người Tây Ban Nha.

Người Tây Ban Nha có văn hóa ngủ trưa rất độc đáo, và theo nhiều sử sách ghi chép lại chính họ chứ không phải một dân tộc nào khác là những người đã sáng tạo ra văn hóa ngủ trưa đầu tiên trên thế giới này. Tiếng Tây Ban Nha gọi đó là "siesta", và trong từ điển tiếng Anh cũng có từ này, nó có nghĩa là "giấc ngủ trưa."

Có lẽ ngoại trừ những thành phố lớn như Madrid hay Barcelona với các cửa hàng, trung tâm dịch vụ vẫn mở cửa hàng xuyên trưa, thì nhiều nơi khác trên đất nước này đều im lìm trong khoảng thời gian nửa buổi chiều, có khi đến hết buổi chiều. Thị trưởng thành phố Ador còn chính thức áp dụng quy định ngủ trưa cho toàn dân kéo dài khoảng 3 tiếng (từ 14h đến 17h). Trong thời gian ngủ trưa chính thức này, người dân được yêu cầu phải giữ im lặng, tránh gây ồn ào đến xung quanh.

Tại miền Nam, nhất là ở những ngôi làng chài ven biển Andalusian, người ta thường hay ngủ trưa vào mùa hè để tránh nhiệt độ cao trong ngày. Đó cũng là một cách để họ giữ gìn sức khỏe cho những buổi tối tràn đầy hứng khởi đến khuya. 

Ngủ trưa cũng là một cách để những người dân ở các ngôi làng chài này tăng tuổi thọ và tận hưởng cuộc sống.

Với truyền thống ngủ trưa đặc sắc như vậy, Tây Ban Nha đã từng tổ chức một cuộc thi "Đi tìm nhà vô địch… ngủ trưa" độc nhất trên thế giới. Cuộc thi này thu hút được khá nhiều người tham dự. Người nào có thể ngủ ngon trong tiếng ồn ào của ban trưa sẽ là người chiến thắng. Và bạn tin được không, đã có rất nhiều người thắng giải đấy!

Nếu đặt chân đến đây, bạn đừng quá sửng sốt khi có một người bạn bản xứ nào đó rủ bạn đi ăn trưa vào lúc… 3 hoặc 5 giờ chiều nhé. Các căng tin của nhiều trường đại học ở đây sẽ không phục vụ bữa trưa vào lúc 12 rưỡi hoặc 1 giờ chiều, vì họ cho rằng lúc ấy là quá sớm.

Chính vì mất quá nhiều vào thời gian nghỉ trưa, người Tây Ban Nha phải tăng giờ làm việc đến đêm, có khi đến 9, 10 giờ tối họ mới từ chỗ làm ra về. Vì vậy mà họ lại dùng bữa tối cũng vô cùng muộn. Giờ vàng trên truyền hình thường cũng là… sau 10 giờ rưỡi tối.

Nhịp sinh hoạt lộn xộn gây tranh cãi

Sống lệch với múi giờ cộng với văn hóa ngủ trưa quá dài, người Tây Ban Nha bị đánh giá là có nhịp sinh hoạt lộn xộn. Trong thời đại ngày nay, giữa sự phát triển nhộn nhịp của nền kinh tế, văn hóa siesta bị coi là làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của Tây Ban Nha. 

Trong mấy năm trở lại đây, nhiều người cũng đang cố gắng điều chỉnh lại giờ giấc cho phù hợp với tiến độ của thế giới nói chung.

Theo José Luis Casero, chủ tịch Ủy ban quốc gia về hợp lý hóa thời gian, cho biết: "Chúng ta nên cấm ngủ trưa ở Tây Ban Nha bởi vì nó không phù hợp với thực tế. Sự thay đổi múi giờ sẽ làm chúng ta ăn tối sớm hơn để có thêm một giờ ngủ, như vậy sẽ có ít nhu cầu nghỉ ngơi vào buổi trưa."

Năm 2016, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy thông báo chính phủ đang lên kế hoạch để thay đổi lịch làm việc mới: giờ tan sở sẽ chuyển lên thành 18h thay vì 20h như hiện tại. Đây được cho là bước đầu trong kế hoạch đổi múi giờ từ CET sang GMT.

Tuy nhiên, những người yêu văn hóa "sống lệch với múi giờ" lại cho rằng, sống chậm hơn 60 phút so với múi giờ GMT nghĩa là Mặt trời lên muộn và lặn cũng muộn. Họ sẽ có những buổi tối mùa hè rực rỡ khi hoàng hôn buông xuống vào lúc 10h đêm. Chủ các khu nghỉ dưỡng ở đây cũng tin rằng càng nhiều thời gian ban ngày thì sẽ càng thu hút đông khách hơn.

Giấc ngủ siesta dường như đã ngấm vào trong máu và trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người dân xứ này. Có rất nhiều người vẫn muốn giữ gìn nó.

Dù truyền thống văn hóa này đang gây nhiều sự tranh luận, nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng, đây chính là một điều đã tạo nên một nét riêng độc nhất cho đất nước Tây Ban Nha.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from KENH14.

Original source can be found here: http://kenh14.vn/co-gi-do-hoi-sai-nguoi-tay-ban-nha-luon-an-toi-vao-luc-10h-dem-20180224185657366.chn