Hồi đầu tháng, Leting "Leo" Cai đang trò chuyện cùng nhóm bạn gốc Á của mình tại một sân chơi gần nhà ở quận Queens, thành phố New York, thì 5 thiếu niên khác tiến tới, gọi họ bằng những lời lẽ miệt thị, chửi bởi và bắt đầu tấn công một người bạn của Cai.

Khi Cai, 15 tuổi, nhảy vào để bảo vệ bạn, nhóm thiếu niên hung hãn quay sang tấn công cậu. Ban đầu, Cai chống trả nhưng đám người gây hấn to cao hơn cậu nhiều. Cai bị chúng đấm đá liên tục, khiến cậu choáng váng, chảy máu, mặt sưng lên. Sợ hãi, cậu quay lưng bỏ chạy.

Leting "Leo" Cai (giữa) và mẹ (thứ ba từ trái sang) cùng các đại diện của thành phố và bang đứng trước sân chơi nơi cậu bị tấn công. Ảnh: SCMP.

Nhóm 5 thiếu niên kia vẫn đuổi theo Cai tới một chung cư gần đó. May mắn cho cậu, một gia đình tốt bụng đã cho Cai vào nhà và khóa chặt cửa lại. Sau khi những kẻ tấn công bỏ đi, Cai gọi cảnh sát và cùng họ đến sân chơi. Cai chỉ mặt được ba người trong số nhóm tấn công.

"Tôi đã đọc hết những tin tức về việc người châu Á bị hành hung nhưng tôi không tưởng tượng được rằng chuyện đó lại xảy ra với mình", Cai, học sinh danh dự tại một trường trung học, nói.

Sau sự việc, Cai bắt đầu thành lập một nhóm hỗ trợ các thanh thiếu niên gốc Á khác đang bị công kích cả về thể chất lẫn tinh thần. "Tôi nghĩ những người ở độ tuổi chúng tôi muốn nói chuyện với bạn bè cùng tuổi với mình hơn là cha mẹ", Cai chia sẻ.

Vụ tấn công nhằm vào Cai chỉ là một sự việc nhỏ trong làn sóng thù ghét nhằm vào người gốc Á đang bùng lên những tháng gần đây tại Mỹ. Tuy nhiên, những đốm lửa phản kháng đang nhen nhóm, khi Cai và nhiều người khác trong cộng đồng gốc Á giờ đây không còn muốn nhẫn nhịn nữa.

Cai cho biết suy nghĩ ban đầu của cậu là giữ im lặng vì không muốn gây ồn ào, chú ý quá nhiều tới bản thân.

"Lúc đầu, tôi nghĩ việc bị đánh khá xấu hổ. Quyết định khi đó của tôi là để mọi việc trôi qua và không cho ai biết cả", Cai nói.

Nhưng sau khi nói chuyện với mẹ, Cai đã thay đổi suy nghĩ, nhận ra tầm quan trọng của việc đứng lên khẳng định tiếng nói của bản thân cũng như cộng đồng mình. "Tôi nhận ra rằng chuyện không phải chỉ của riêng tôi. Nếu bạn im lặng, việc này sẽ lặp đi lặp lại không có hồi kết", Cai quả quyết.

Các nhà xã hội học và khoa học chính trị cho biết các yếu tố khiến những vụ tấn công nhằm vào người gốc Á gia tăng đột biến gần đây gồm: Tâm lý phân biệt chủng tộc, ngoại hình của người châu Á khiến việc họ hòa nhập với các "khuôn mẫu Mỹ" trở nên khó khăn hơn, nhiều người vẫn tin rằng người châu Á mang Covid-19 đến Mỹ hay môi trường chính trị kích động thù ghét được khơi dậy bởi cựu tổng thống Donald Trump, người từng gọi nCoV là "virus Trung Quốc".

Quyết tâm vùng lên của người Mỹ gốc Á được thể hiện dưới nhiều hình thức. Nó bắt đầu bằng việc ngày càng có nhiều nạn nhân sẵn sàng báo cáo các cuộc tấn công nhằm vào họ hơn, nhờ đó cảnh sát cũng sẽ nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc hơn.

Những sĩ quan cảnh sát ở các thành phố lớn thường không coi các vụ tấn công thù ghét nhằm vào người gốc Á là ưu tiên bởi họ còn chịu áp lực chính trị phải giải quyết những vụ án nghiêm trọng khác mà dân Mỹ quan tâm hơn. Tuy nhiên, gần đây, đặc biệt là sau vụ một kẻ xả súng hàng loạt tấn công các spa ở Atlanta hồi tháng ba khiến 6 phụ nữ châu Á thiệt mạng, các thành phố với cộng đồng dân cư châu Á đông đúc đã tăng cường biện pháp phản ứng.

Sở Cảnh sát New York đã thông báo về kế hoạch tuần tra những khu dân cư châu Á. Các đơn vị chống khủng bố hay thậm chí cả cảnh sát trưởng, thị trưởng các thành phố như Seattle, Oakland hay San Francisco cũng đã vạch ra kế hoạch tương tự.

Một nỗ lực khác là tăng cường tập trung vào thu thập dữ liệu nhằm cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Nhóm Stop AAPI Hate chỉ ra rằng 6.603 vụ tấn công thù ghét nhằm vào người Mỹ gốc Á và người dân đến từ các đảo ở Thái Bình Dưỡng đã được báo cáo trong năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021.

Báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Chủ nghĩa Thù ghét và Chủ nghĩa Cực đoan, Đại học California ở San Bernardino cho thấy tại 15 thành phố lớn của Mỹ, tội phạm với động cơ thù ghét nhằm vào người gốc Á đã tăng 169% trong quý một năm nay so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, hầu hết mọi người tin rằng những số liệu trên vẫn chưa thể hiện đủ mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Andrew Yang, ứng viên chạy đua chức thị trưởng New York. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký luật phê chuẩn việc bổ nhiệm một quan chức đặc biệt tại Bộ Tư pháp có nhiệm vụ xem xét và thông báo cho lực lượng cảnh sát về những hành vi tội phạm thù ghét nhằm vào người gốc Á liên quan đến Covid-19.

Luật cũng buộc các cơ quan thực thi pháp luật của bang và địa phương phải đăng thông tin về các vụ tấn công hay hành vi có động cơ thù ghét bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, đồng thời cung cấp hướng dẫn cho các cơ quan cảnh sát mở rộng những chiến dịch giáo dục cộng đồng chống nạn phân biệt chủng tộc.

"Thông qua luật này, chúng tôi muốn nói với cộng đồng người Mỹ gốc Á rằng chính phủ đang chú ý tới họ, đã lắng nghe những quan ngại của họ và sẽ hành động để bảo vệ họ", lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer tuyên bố.

Người Mỹ gốc Á đang đứng trước bước ngoặt quan trọng nhất trong lịch sử. Giờ đây, họ là nhóm phát triển nhất trong các khu vực bầu cử. Theo Pew Research, từ năm 2000 đến 2020, số cử tri Mỹ gốc Á đủ điều kiện đi bầu cử đã tăng 139%, so với tỷ lệ 121% ở nhóm cử tri Tây Ban Nha, 33% ở nhóm da trắng và 7% ở nhóm da màu.

Theo số liệu sơ bộ, cộng đồng người Mỹ gốc Á có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất trong cuộc bầu cử năm 2020. Số người Mỹ gốc Á tranh cử vào những chức vụ cấp liên bang và địa phương cũng cao kỷ lục.

Kamala Harris là phó tổng thống gốc Á đầu tiên của Mỹ và Andrew Yang đang là một trong những ứng viên dẫn đầu cuộc đua giành chức thị trưởng thành phố New York. Michelle Wu, ủy viên hội đồng thành phố Boston, cũng đang tranh cử vị trí này. Robert Bonta, một người Mỹ gốc Philippines, mới đây được bổ nhiệm làm tổng chưởng lý California.

Theo dữ liệu từ AAPI, có 158 người Mỹ gốc Á chạy đua vào các cơ quan lập pháp bang trong năm 2020, tăng 15% so với năm 2018.

Khi sự hiện diện của người gốc Á gia tăng trên trường chính trị, những biện pháp nhằm bảo vệ cộng đồng họ chắc chắn sẽ được quan tâm hơn và đây là điều cần thiết để thay đổi gốc rễ vấn đề, giới quan sát đánh giá.

Tháng trước, một dự luật được giới thiệu lên cơ quan lập pháp bang New York yêu cầu tất cả các trường công lập trong bang phải dạy học sinh về lịch sử và vai trò xã hội của người gốc Á ở Mỹ.

"Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn những hành vi thù ghét xảy ra và tái diễn", thượng nghị sĩ bang New York Ann Stavisky hôm 11/5 tuyên bố. "'Nỗi sợ hãi về người khác' đã bị sử dụng như một công cụ gây chia rẽ trong các cộng đồng suốt nhiều thế kỷ qua".

Cai cùng mẹ, Miaoqing Liu, từ Trung Quốc chuyển đến Mỹ vào năm 2016. Mẹ cậu là luật sư nhân quyền thỉnh giảng tại Trường Luật Yale. Cai ban đầu hầu như không nói tiếng Anh, nhưng qua những năm tháng học ở trường Mỹ, khả năng ngôn ngữ của cậu đã được cải thiện.

Cuộc điều tra những kẻ tấn công Cai đang được cảnh sát xúc tiến nhưng gia đình cho biết họ chưa nghe thêm bất kỳ thông tin gì kể từ sau khi ba đối tượng tấn công bị bắt.

Vụ tấn công khiến cả cộng đồng gốc Á ở địa phương cảm thấy sốc, Jing Wang, một nhà quay phim, người bạn của gia đình Cai, cho hay. "Thật đau lòng khi chứng kiến khuôn mặt cậu bé sưng lên vì bị đánh", Wang nói. "Cai không chỉ là một học sinh xuất sắc mà còn là một thanh niên tốt bụng, dũng cảm".

Mẹ Cai cho biết bà ngưỡng mộ cách con trai đối diện với cuộc tấn công, cố gắng bảo vệ bạn mình, tìm kiếm giúp đỡ trong khu phố và báo cảnh sát.

"Tôi tự hào vì con trai mình, cũng tự hào vì con không cảm thấy thù ghét ngay cả với những người đã tấn công mình", cô nói. "Tôi không muốn con căm ghét ai. Đây không phải cách đối diện với vấn đề".

Xuất hiện cùng các quan chức địa phương tại sân chơi nơi xảy ra vụ tấn công, Cai nói: "Tôi ở đây vì muốn đứng lên bảo vệ cộng đồng người châu Á, đứng lên vì tuổi trẻ, đứng lên vì những người bị bắt nạt và đứng lên chống lại sự thù hận".

"Người châu Á chúng tôi không tồi tệ hơn hay tốt đẹp hơn bất kỳ chủng tộc nào khác", Cai nhấn mạnh. "Chúng tôi cũng mạnh mẽ và yếu đuối như tất cả mọi người. Chúng tôi đấu tranh để được đối xử công bằng như những gì mà luật pháp bảo đảm. Chúng tôi sẽ đấu tranh vì phẩm giá và sự tôn trọng mà mỗi con người đều xứng đáng có được".

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Giáo dục?

Williamstown High School Vùng: Williamstown. Phone: 9393 9039
Xem thêm

Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/nguoi-my-goc-a-vung-len-chong-nan-thu-ghet-4285166.html