Bộ Quốc phòng Nga hôm nay thông báo mở hành lang nhân đạo tại thủ đô Kiev, Chernihiv ở miền bắc, Sumy, Kharkov ở đông bắc và Mariupol ở miền nam Ukraine để người dân di tản. Cơ quan này sau đó cho biết 723 người đã được sơ tán qua hành lang Sumy-Poltava để đến Ba Lan, trong đó có 576 công dân Ấn Độ, trên đoàn xe đầu tiên.

Thống đốc Sumy Dmytro Zhyvytsky thông báo hai đoàn xe gồm dân thường Ukraine và khoảng 1.000 sinh viên nước ngoài đã rời Sumy. Ông không công bố số lượng cụ thể dân thường Ukraine đã di tản.

Một số dân thường cũng được sơ tán khỏi thị trấn Irpin gần thủ đô Kiev.

Trong khi đó, Ukraine cáo buộc lực lượng Nga đã pháo kích tuyến đường sơ tán ở Mariupol, vi phạm thỏa thuận ngừng bắn do Moskva và Kiev đạt được trước đó. Hàng trăm nghìn người ở đây đã chịu cảnh mất nước hoặc điện hơn một tuần.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết một em bé đã qua đời ở Mariupol vì cơ thể bị mất nước. Tuyên bố này chưa được xác minh độc lập.

Người đàn ông bế một cụ bà để di tản khỏi Irpin ngày 8/3. Ảnh: Reuters.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo các vụ tấn công nhằm vào cơ sở y tế và xe cứu thương của Ukraine gia tăng những ngày qua và nước này đang thiếu nguồn cung vật tư y thế thiết yếu.

Cơ quan này cho biết ít nhất 9 người đã thiệt mạng trong 16 vụ tập kích cơ sở y tế, nhưng không nói bên nào chịu trách nhiệm. Theo Catherine Smallwood, quan chức WHO tại châu Âu, thống kê bao gồm cả những vụ xe cứu thương được trưng dụng cho mục đích không liên quan đến tình huống y tế khẩn cấp.

Giới chức Ukraine và Nga chưa bình luận về thông tin này.

Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) thông báo số người phải rời bỏ Ukraine vì chiến sự đã vượt hai triệu. Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền (OHCHR) nói rằng 474 dân thường đã thiệt mạng và 861 người bị thương do xung đột tại Ukraine, nhưng số liệu thực tế có thể cao hơn nhiều.

"Nhiều nơi khác trên thế giới từng chứng kiến điều này, nhưng đây là lần đầu tiên nó diễn ra tại châu Âu từ Thế chiến II", người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi cho hay sau chuyến thăm Moldova, Ba Lan và Romania, các nước tiếp nhận người tị nạn Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát.

Khung cảnh đổ nát tại thành phố Kharkov, Ukraine, ngày 8/3. Ảnh: Reuters.

Ngoại trưởng Vatican Pietro Parolin điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, nhấn mạnh Tòa thánh muốn các cuộc tấn công ở Ukraine phải dừng lại và hành lang nhân đạo phải được đảm bảo. Bộ Ngoại giao Nga cho hay Ngoại trưởng Lavrov đã nêu rõ với Vatican "quan điểm chính của Nga về nguyên nhân cũng như mục tiêu của hoạt động quân sự đặc biệt đang được thực hiện ở Ukraine".

Cả hai bên đều bày tỏ hy vọng rằng vòng đàm phán thứ 4 giữa Moskva và Kiev sẽ được tổ chức càng sớm càng tốt nhằm thống nhất về các vấn đề chính gây ra cuộc khủng hoảng, đồng thời ngăn chặn các hành động thù địch, Bộ Ngoại giao Nga cho biết thêm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm với lãnh đạo Đức và Pháp, kêu gọi "kiềm chế tối đa nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn". Ông cũng nói rằng Trung Quốc sẵn sàng "làm việc tích cực" với cộng đồng quốc tế để làm trung gian hòa giải cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và các nguồn năng lượng khác để phản ứng trước chiến dịch quân sự tại Ukraine. Anh và EU cũng công bố các kế hoạch giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.

Công tố viên liên bang Đức ngày 8/3 thông báo mở một cuộc điều tra về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine trong bối cảnh Moskva bị cáo buộc tấn công vào dân thường và các cơ sở hạ tầng quan trọng. Vài giờ sau, Văn phòng Công tố Tây Ban Nha cho hay họ đã mở cuộc điều tra về "những hành động có thể vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế mà Nga thực hiện ở Ukraine".

Nga chưa phản hồi trước động thái trên. Moskva nhiều lần nhấn mạnh họ không nhắm mục tiêu vào dân thường. Hôm 7/3, Điện Kremlin cho biết chiến dịch quân sự ở Ukraine sẽ lập tức kết thúc nếu Ukraine ngừng các hành động quân sự, thay đổi hiến pháp để đảm bảo tính trung lập, thừa nhận Crimea thuộc Nga, đồng thời công nhận độc lập cho các "nước cộng hòa Donetsk và Lugansk" ở miền đông.

Hướng tiến quân của lực lượng Nga và Ukraine. Đồ họa: Guardian.

Sau khi mở chiến dịch quân sự hôm 24/2 "nhằm phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine", Nga đã kiểm soát thành phố Kherson ở miền nam và bao vây Mariupol ở đông nam, Kharkov ở đông bắc Ukraine. Quân đội Ukraine thông báo đã giành lại quyền kiểm soát thành phố Chuhuiv ở đông bắc đất nước, cũng như sân bay chiến lược Mykolaiv ở miền nam. Tuy nhiên, các tuyên bố này chưa được kiểm chứng.

Nga - Ukraine đến nay đã trải qua ba vòng đàm phán, song không đạt kết quả đột phá về một lệnh ngừng bắn nhằm chấm dứt xung đột. Hai nước thống nhất sẽ tiếp tục đối thoại và hy vọng sẽ đạt được những bước tiến cụ thể.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Westbourne Grammar Vùng: Truganina. Phone: 9731 9448
Xem thêm

trường học chuyên định hình nên những con người truyền cảm hứng cho thế giới


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/ngay-thu-13-chien-su-ukraine-bat-dau-so-tan-bang-hanh-lang-nhan-dao-4436401.html