Người đàn ông rơi vào nguy kịch vì vết thương nhỏ ở tay

10:00' 09-01-2021
Bệnh nhân bị nhiễm trùng uốn ván làm co cứng cơ và phải thở máy liên tục.

Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả (Quảng Ninh) vừa điều trị cho bệnh nhân P.V.T., 58 tuổi, trú tại Vũ Thư, Thái Bình. Nam bệnh nhân bị thương sau khi ngã vào cột gỗ. Vết thương ở ngón tay, ống chân phải nhỏ, không sưng tấy nên bệnh nhân chỉ xử lý thông thường tại nhà.

Tuy nhiên, 5 ngày sau, bệnh nhân đến khoa Y học cổ truyền Phục hồi chức năng trong tình trạng cứng hàm. Đến ngày 1/12, bệnh nhân đau cơ, co cứng cơ ngực - lưng, hạn chế vận động.

Vết thương của bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Ông T. được chẩn đoán bị uốn ván toàn thể và chỉ định chuyển khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Tại đây, ông xuất hiện các cơn co cơ toàn thân, dẫn đến khó thở. Các bác sĩ đã cho ông T. dùng thuốc đặc hiệu điều trị uốn ván và thở máy liên tục.

Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Huy Đính, Phó giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, cho biết đây là ca bệnh uốn ván khởi phát sớm, thời gian ủ bệnh ngắn (5 ngày). Thời điểm sau khi nhập viện một ngày, bệnh nhân bắt đầu có các cơn mỏi quai hàm, xuất hiện co cứng cơ nhai, sau đến cơ mặt, gáy, lưng, bụng, các chi.

Bệnh nhân tiếp tục xuất hiện co giật toàn thân và co thắt hầu họng gây khó nuốt, sặc đờm, co thắt thanh quản. Các bác sĩ đã phát hiện kịp thời, chẩn đoán chính xác, mở khí quản cấp cứu, dùng thuốc đặc hiệu điều trị, chăm sóc dinh dưỡng tích cực, cứu người bệnh.

Sau 18 ngày điều trị, bệnh nhân được ngừng thuốc an thần - giãn cơ, tỉnh táo hơn nhưng vẫn có các cơn co cứng, đổ mồ hôi, rối loạn thần kinh thực vật. Sau 25 ngày, ông T. được cai máy thở, phục hồi tích cực. Sang ngày thứ 35, ông tỉnh táo, nói được, ăn uống bình thường và không còn các cơn cứng cơ. Ngày 4/1, bệnh nhân được chuyển điều trị phục hồi chức năng.

Bệnh nhân điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc ngày thứ 18. Ảnh: BVCC.

Theo bác sĩ Đính, uốn ván là bệnh nhiễm trùng, độc toàn thân do vi khuẩn Clostridium tetani gây nên. Nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương bị nhiễm đất bẩn, bụi đường hoặc vết thương dập nát, nhẹ, rách, bỏng sinh ra độc tố.

Độc tố của nó sẽ tác động vào hệ thần kinh cơ gây co cứng cơ liên tục hoặc co giật toàn thân. Thông thường, nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ nguy cơ tử vong rất cao do suy hô hấp, ngừng tim đột ngột, nhiễm trùng toàn thân, xuất huyết. Thời gian ủ bệnh càng ngắn thì tình trạng bệnh càng nặng và diễn biến xấu rất nhanh.

Nhiều năm trở lại đây, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả không phát hiện ca bệnh uốn ván nào. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên chủ quan với các vết thương trên cơ thể.

Nếu vết thương nhỏ, chúng ta cần rửa sạch, sát trùng, để hở vết thương, không bịt kín hoặc đắp bất cứ thứ gì lên. Nếu vết thương nghiêm trọng hoặc bẩn, người dân cần đến cơ sở y tế ngay lập tức để được xử trí kịp thời. Tiêm vaccine uốn ván là biện pháp phòng bệnh tốt nhất hiện nay.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Luật sư - Trạng sư?

Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn


Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: http://news.zing.vn/nguoi-dan-ong-nguy-kich-vi-vet-thuong-nho-o-tay-post1171189.html