Người dân Nga không muốn chiến tranh
Nga ngày 15/2 thông báo rút một phần lực lượng ở biên giới với Ukraine, dấu hiệu cho thấy căng thẳng dường như bắt đầu giảm nhiệt. Điện Kremlin có thể đã phần nào đạt được những mục tiêu của mình và đang chuyển hướng.
Bằng cách điều động hơn 100.000 quân tới sát biên giới Ukraine và ra "tối hậu thư" về an ninh, Tổng thống Vladimir Putin đã buộc Mỹ và NATO phải ngồi vào bàn đàm phán với Nga. Sau đó, với chiến lược "bên miệng hố chiến tranh", chính phủ Nga đã khiến Mỹ và đồng minh NATO có rất ít lựa chọn ngoài việc đàm phán trên cơ sở bình đẳng.
Tuy nhiên, với nhiều người dân bình thường ở Nga, các động thái của Điện Kremlin được nhìn nhận theo một cách khác. Giữa lúc đại dịch Covid-19 gây ra những ảnh hưởng tiêu cực với nền kinh tế, một số người có thể cảm thấy chính phủ Nga lao vào cuộc đối đầu không cần thiết và liều lĩnh với phương Tây.
Tấm áp phích với dòng chữ "Chúng tôi là vùng Donbass của Nga" tại thành phố do phe ly khai kiểm soát ở Donetsk, miền đông Ukraine hồi tháng 1. Ảnh: Reuters.
Nguy cơ khủng hoảng kinh tế
Chính sách đối ngoại cứng rắn và quyết đoán của Tổng thống Putin, đặc biệt với phương Tây, dường như nhận được nhiều ủng hộ của dư luận Nga, khi họ cho rằng Nga "bị chèn ép từ mọi phía".
Tỷ lệ ủng hộ dành cho Putin cũng tăng vọt vào năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Đối với nhiều người Nga, bán đảo Crimea mang ý nghĩa quan trọng. Crimea từng là một phần lãnh thổ của đế quốc Nga, người dân ở đây nói tiếng Nga và bán đảo có pháo đài quân sự quan trọng ở Sevastopol. Do đó, sáp nhập Crimea được nhiều người Nga xem là niềm an ủi sau khi Liên Xô tan rã.
Nhưng không giống như khủng hoảng Ukraine hiện tại, Nga đã tổ chức trưng cầu dân ý sáp nhập Crimea mà không dẫn tới xung đột vũ trang với quân đội Ukraine. Nhưng trong tình cảnh hiện nay, bất kỳ chiến dịch quân sự nào của Nga trên lãnh thổ Ukraine dường như sẽ dẫn tới xung đột đẫm máu và kéo dài.
"Người Nga biết nó sẽ là một cuộc chiến tranh thực sự với nhiều nạn nhân. Khi đối mặt với cuộc xung đột như vậy, họ cảm thấy mâu thuẫn nhiều hơn", Andrei Kolesnikov, nhà phân tích của Foreign Affairs, cho hay.
Theo khảo sát hồi tháng 4/2021, khi quân đội Nga bắt đầu tăng cường lực lượng ở biên giới phía đông Ukraine, quan điểm của người Nga về hành động của chính quyền cân bằng, với 43% nói Moskva nên can thiệp và tỷ lệ tương tự nói không nên.
Đến tháng 12/2021, nỗi lo của người Nga về nguy cơ chiến tranh trở nên rõ ràng hơn, theo khảo sát của Trung tâm Levada ở Moskva. Nhiều người Nga bày tỏ mệt mỏi khi liên tục đối đầu với phương Tây và Ukraine. Thái độ chủ yếu của những người tham gia khảo sát là "nó thật đáng sợ, khó chịu và tôi không muốn dính vào".
Điều khiến người Nga thêm bất an với kịch bản chiến tranh là họ có thể sớm đối mặt với tổn thất kinh tế quy mô lớn do đối đầu với phương Tây. Trong cuộc thăm dò khác vào tháng 12/2021, Levada chỉ ra tỷ lệ dân Nga cảm thấy khả năng khủng hoảng kinh tế xảy ra ở Nga trong năm nay tăng đáng kể so với một năm trước, từ 50% lên 64%.
Cảm giác bi quan về kinh tế ngày càng tăng theo các giả định về nguy cơ chiến tranh bùng nổ. Trong cuộc khảo sát tháng 12/2021 của Levada, tỷ lệ người Nga dự đoán "xung đột vũ trang với nước láng giềng" trong năm 2022 tăng 14% so với năm trước, từ mức chưa tới 1/4 lên hơn 1/3. Số người dự đoán chiến tranh xảy ra giữa Nga với Mỹ hoặc NATO tăng gần gấp đôi, từ 14% lên 25%. Đồng thời, ngày càng nhiều người lo ngại nguy cơ xảy ra "chiến tranh thế giới" quy mô lớn.
Trong khảo sát khác gần đây của Levada về nỗi sợ hãi thường thấy nhất của người Nga, nỗi sợ nổ ra chiến tranh đứng thứ hai, chỉ sau nỗi lo người thân yêu hoặc trẻ em bị bệnh. 56% người Nga sợ một cuộc thế chiến mới, trong khi 14% lo ngại về nó.
Ngay cả khi chưa có một cuộc chiến tranh thực sự, dự báo GDP và lạm phát năm 2022 của Nga cũng khá ảm đạm. Căng thẳng vài tuần qua với phương Tây đã làm đồng ruble suy yếu, dù trong năm 2021 tương đối ổn định, gây thiệt hại cho thị trường chứng khoán Nga và ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán toàn cầu. Tâm lý của nhiều người tiêu dùng Nga thêm ảm đạm bởi những lo ngại rằng biện pháp trừng phạt mới của phương Tây có thể khiến Moskva bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây không đóng vai trò quyết định trong thái độ của người dân Nga với chính sách của Điện Kremlin, khi kết quả khảo sát cho thấy khoảng 46% tin rằng lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng tới họ. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi nhanh chóng khi những tác động của các biện pháp trừng phạt trở nên rõ ràng hơn.
Một báo cáo của các nhà kinh tế thuộc Viện Tài chính quốc tế ở Washington, Mỹ chỉ ra rằng bị loại khỏi SWIFT sẽ "hạn chế mạnh mẽ" khả năng thực hiện các giao dịch tài chính quốc tế hàng ngày của người Nga. Các nhà kinh tế vĩ mô hàng đầu của Nga cũng đưa ra cảnh báo tương tự.
"Nếu các lệnh trừng phạt được mở rộng, nền kinh tế Nga sẽ chứng kiến tăng trưởng bằng 0 hoặc âm", Evsey Gurvich, người đứng đầu Nhóm Chuyên gia Kinh tế, tổ chức nghiên cứu kinh tế độc lập ở Moskva, nói hồi cuối tháng 1.
Xe tăng chủ lực T-72B3 Nga diễn tập tại thao trường Kadamovsky ngày 3/2. Ảnh: TASS.
Nỗi lo nhân mạng và ảnh hưởng chính trị
Cho đến nay, mối quan tâm lớn nhất với nhiều người Nga về chiến tranh ở Ukraine là bản chất của cuộc xung đột này. Nhiều người Nga cho rằng cuộc chiến với Ukraine sẽ rất tàn khốc và nhiều gia đình lo sợ con trai bị đưa vào quân đội.
Theo cuộc khảo sát chung gần đây của Levada và Viện Xã hội Quốc tế Kiev, 51% cho rằng Nga và Ukraine nên là các quốc gia độc lập nhưng thân thiện, không cần có thị thực. Chỉ 16% người Nga và 6% người Ukraine ủng hộ ý tưởng về một nhà nước thống nhất. Đặc biệt, 2/3 người Nga trong độ tuổi 18-24, nhóm có thể tham gia quân đội, có quan điểm tích cực đối với Ukraine và không muốn tham gia chiến đấu.
Cho đến nay, các chính sách đối ngoại của Putin dường như giúp củng cố mức tín nhiệm của ông. Cùng với động thái sáp nhập Crimea, người Nga cũng ủng hộ nỗ lực của Nga hậu thuẫn cho phe ly khai ở miền đông Ukraine. Mọi hoạt động quân sự kể từ cuộc chiến với Gruzia vào tháng 8/2008 và chiến dịch can thiệp vào Syria từ năm 2015 đều duy trì hoặc nâng cao mức tín nhiệm của Putin.
Nhưng nhiều người Nga cũng nhận thức được vấn đề đi kèm khi tiến hành chiến dịch can thiệp quân sự ở nước ngoài là suy giảm nền kinh tế trong nước. Sau khi sáp nhập Crimea, nền kinh tế Nga bắt đầu trì trệ. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu giảm liên tục, thu nhập thực tế của người Nga đã giảm trong suốt 7 năm.
Hiện chưa rõ liệu phản ứng của công chúng có ảnh hưởng đến hành động của Điện Kremlin ở Ukraine hay không. Trong những năm gần đây, mức tín nhiệm của Putin hầu như không thay đổi, ở mức hơn 60%.
Putin dường như tin rằng đưa Ukraine trở lại phạm vi ảnh hưởng của Nga và biến nó thành vùng đệm là mục tiêu có thể đạt được, đồng thời giúp duy trì và củng cố tỷ lệ ủng hộ trong nước.
Tổng thống Nga đến nay đã thành công, khi đặt phương Tây vào trạng thái căng thẳng, bất an mà không làm suy yếu đáng kể sự ủng hộ trong nước. Hiện tại, không có phong trào phản đối chiến tranh lớn nào diễn ra ở Nga.
Tổng thống Vladimir Putin tại buổi họp trực tuyến của chính phủ ở Sochi, Nga hồi tháng 11/2021. Ảnh: Reuters.
Theo Kolesnikov, điều đó có thể nhanh chóng thay đổi trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự. Khi có đủ số người cảm thấy kịch bản chiến tranh đặt ra mối đe dọa cho sinh kế của họ, tỷ lệ ủng hộ dành cho Putin có thể suy giảm.
"Liệu kịch bản này có thể ảnh hưởng tới tính toán của Điện Kremlin hay không vẫn là điều chưa chắc chắn. Putin có thể cho rằng nhu cầu thể hiện sức mạnh của Nga lớn hơn bất kỳ rủi ro chính trị nào", Kolesnikov nhận định. "Nhưng nếu làm vậy, Putin có thể không chỉ đẩy người Ukraine ra xa Nga, mà còn đẩy người Nga xa rời Điện Kremlin".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/noi-lo-khien-nguoi-nga-khong-muon-chien-tranh-voi-ukraine-4426198.html