Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hôm 4/7 chấp thuận kế hoạch của Nhật Bản về việc xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển. Chính phủ Hàn Quốc một ngày sau đó cho biết họ tôn trọng kết luận của cơ quan giám sát hạt nhân Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, không phải mọi người dân Hàn Quốc đều đồng tình với quyết định của chính phủ. Bà Lee Jeong-mi, lãnh đạo đảng Công lý đối lập, đã tuyệt thực bên ngoài sứ quán Nhật Bản ở Seoul hơn 10 ngày để phản đối kế hoạch xả thứ mà bà gọi là "nước bị ô nhiễm" ra biển.

Theo bà Lee, báo cáo của IAEA không đáng tin cậy vì "không đưa ra bằng chứng khoa học để giải quyết những lo ngại về an toàn".

"Bản đánh giá có nhiều lỗ hổng khiến chúng tôi không thể tin tưởng", bà cho hay, đồng thời cáo buộc chính phủ Hàn Quốc im lặng trong khi phần lớn người dân phản đối việc xả nước thải từ Fukushima.

Hôm 5/7, một số sinh viên biểu tình trên đường phố Seoul để phản đối kế hoạch của Nhật. Họ căng các biển hiệu có nội dung "Ngừng xả nước phóng xạ vào đại dương".

Sinh viên biểu tình phản đối kế hoạch xả nước phóng xạ của Nhật Bản trên đường phố Seoul, Hàn Quốc ngày 5/7. Ảnh: AP

Tháng trước, các nhà hoạt động môi trường cũng biểu tình gần sứ quán Nhật Bản ở Seoul cùng tấm biển "Phản đối xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima".

Một cuộc khảo sát được tiến hành tháng trước cho thấy 84% người Hàn Quốc phản đối kế hoạch của Nhật Bản. Khoảng 70% số người được hỏi cho biết sẽ giảm ăn hải sản nếu kế hoạch xả nước thải được thực hiện.

"Lập trường cơ bản của chính phủ là tôn trọng các quyết định của IAEA vì đây là tổ chức được quốc tế công nhận. Lần này cũng vậy", ông Park Ku-yeon, quan chức Văn phòng điều phối chính sách của chính phủ Hàn Quốc, cho biết.

Hàn Quốc hồi tháng 5 cử chuyên gia đến Fukushima để đánh giá tình hình và chính phủ dự kiến sớm công bố kết quả. Hàn Quốc vẫn áp lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm Nhật Bản từ các khu vực xung quanh nhà máy hạt nhân Fukushima.

Nhật Bản đã kêu gọi chính phủ Hàn Quốc dỡ bỏ lệnh cấm, nhưng Seoul cho biết lệnh sẽ được duy trì cho đến khi những lo ngại về vấn đề ô nhiễm phóng xạ giảm bớt. Trong khi đó, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi dự kiến đến Hàn Quốc vào 7/7 sau chuyến thăm 4 ngày tới Nhật Bản và giải thích thêm về báo cáo cuối cùng của cơ quan này.

Các nhà hoạt động môi trường biểu tình gần sứ quán Nhật Bản ở Seoul ngày 30/6. Ảnh: AP

Nhật Bản tháng 3/2011 hứng chịu thảm họa kép động đất và sóng thần, khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị ảnh hưởng. Ba lõi lò phản ứng tan chảy, giải phóng lượng lớn phóng xạ vào môi trường xung quanh. TEPCO, đơn vị vận hành nhà máy, phải xử lý hàng trăm bể chứa hơn 1 triệu tấn nước ô nhiễm dùng để làm mát lò phản ứng trong sự cố.

Năm 2021, giới chức Nhật Bản dự đoán nhà máy Fukushima không còn đủ chỗ chứa nguồn nước thải và quyết định lên kế hoạch xả dần dần nước đã qua xử lý xuống biển.

Theo kế hoạch được IAEA phê duyệt, Nhật Bản sẽ bắt đầu xả hơn một triệu tấn nước, đủ để lấp đầy 500 bể bơi Olympic, được sử dụng để làm mát các thanh nhiên liệu của nhà máy sau khi nó bị sóng thần phá hủy. Việc xả nước sẽ được bắt đầu trong vài tuần tới và diễn ra trong 40 năm.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Luật sư - Trạng sư?

Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/nguoi-han-phan-doi-nhat-xa-nuoc-phong-xa-ra-bien-4626157.html