Nghiên cứu phát hiện "mấu chốt" giúp trẻ em thông minh hơn của Học viện MIT và Đại học Harvard

23:00' 23-12-2021
Thông qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện ra não bộ của một đứa trẻ hoạt động tốt hơn nhiều nếu bố mẹ thường xuyên nói chuyện, tương tác với con mình.

Năm 1995, 2 nhà khoa học người Mỹ Betty Hart và Todd Resley đã phát động cuộc nghiên cứu kéo dài 2,5 năm có tên "The Thirty Million Word Gap" (tạm dịch: khoảng cách 30 triệu từ), theo dõi 42 gia đình và ghi lại các cuộc trò chuyện thường ngày giữa bố mẹ và con cái.

Kết quả cho thấy, những đứa trẻ sinh ra trong gia đình nghèo, khi lên 4 tuổi nghe ít hơn 30 triệu từ tiếng Anh so với những đứa trẻ sinh ra trong gia đình giàu có.

Ngoài ra, chỉ số IQ của những đứa trẻ trong gia đình nghèo chỉ có 79, trong khi chỉ số này ở trẻ con nhà giàu là 117. Khi bọn trẻ được 10 tuổi, Betty và Todd ghé lại kiểm tra một lần nữa và phát hiện những đứa trẻ có vốn từ vựng lớn có thành tích học tập tốt hơn.

"Khoảng cách 30 triệu từ" trở thành khoảng cách giữa giàu và nghèo khi nói đến tương lai của một đứa trẻ. Để rút ngắn khoảng cách này, 2 nhà khoa học cho rằng trẻ cần đọc sách nhiều hơn.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây của Viện công nghệ MIT đã khám phá ra bí mật đằng sau khoảng cách này: Không phải vốn từ vựng ảnh hưởng tới sự phát triển trí não mà là cách giao tiếp của bố mẹ với con cái.

Nghiên cứu mới nhất của Viện công nghệ MIT, Harvard, Pennsylvania 

Viện công nghệ MIT, Đại học Harvard, Đại học Pennsylvania cùng nhau phối hợp thực hiện nghiên cứu mới nhất này. Họ tiến hành theo dõi 30 trẻ em từ 4-6 tuổi ở khu vực Boston, quét não của trẻ sau khi trò chuyện với bố mẹ và xem lại các đoạn ghi âm khi con cái ở nhà.

Bố mẹ trò chuyện với con cái có tác dụng tốt cho sự phát triển của trí não. (Ảnh minh họa)

Họ phát hiện ra rằng, con cái càng nói chuyện với bố mẹ thường xuyên thì các khu vực liên quan tới ngôn ngữ trong não bộ của trẻ càng hoạt động mạnh mẽ. Điều này không liên quan tới thu nhập của gia đình hay trình độ học vấn của bố mẹ. Hơn nữa, hoạt động của não không hoàn toàn liên quan đến việc trẻ nghe được bao nhiêu từ mà đó là tương quan chặt chẽ với số lượng các cuộc trò chuyện với bố mẹ. Những đứa trò chuyện nhiều với bố mẹ có xu hướng đạt được điểm số cao trong học tập.

Một bài báo đăng trên trang "MIT Technology Review" viết rằng: "Việc bố mẹ và con cái trò chuyện với nhau ảnh hưởng đến hoạt động tích cực của não bộ. Điều này thật tuyệt vời!".

Các nhà nghiên cứu còn chỉ ra rằng, trò chuyện không chỉ thúc đẩy mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái mà còn cải thiện kỹ năng xã hội. Việc giao tiếp cho phép con người phát triển nhiều kỹ năng cùng một lúc.

Bố mẹ cần chú ý gì khi nói chuyện với con cái?

Nếu muốn lấp đầy "khoảng cách 30 triệu từ", bố mẹ nên đọc nhiều sách cho trẻ nghe, giao tiếp nhiều hơn với con cái trong cuộc sống hàng ngày. Những điều này tác động rất lớn đến sự phát triển não bộ và IQ của một đứa trẻ.

Bố mẹ nên đọc nhiều sách cho trẻ nghe, giao tiếp nhiều hơn với con cái trong cuộc sống hàng ngày.

Tuy nhiên, việc trò chuyện với con cái không chỉ đơn giản là nghe và nói mà còn chú ý tới thái độ. Có 2 kiểu trò chuyện kém chất lượng phổ biến ở bố mẹ và con cái như sau:

- Bố mẹ nói chuyện một cách lơ đãng, không tập trung

Có lẽ bạn sẽ không quá lạ lẫm khi một đứa trẻ ngồi nói chuyện hăng say với bố mẹ nhưng họ lại vừa bấm điện thoại, vừa trả lời một cách hờ hững, không tập trung. Cách trò chuyện kiểu này không mang lại hiệu quả trong giao tiếp.

- Bố mẹ không hào hứng nói chuyện

Ví dụ, khi bạn đưa con gái đi ăn, bé lấy ra một con búp bê. Bạn hỏi rằng: "Con búp bê này ở đâu ra vậy?". Cô bé trả lời: "Con mang theo. Bây giờ con đang mặc đồ cho búp bê thật đẹp, trang điểm thật xinh". Sau đó, bạn không có hứng thú tiếp tục nói chuyện với con mình nữa, để mặc con tự chơi với búp bê.

Nếu lúc đó bạn hỏi thêm con cái mình vài câu như "con luôn mang theo búp bê à" hay "búp bê mặc đẹp vậy để đi đâu thế"…, có lẽ câu chuyện của 2 mẹ con sẽ trở nên vui vẻ, hào hứng hơn, thay vì dừng lại chỉ sau 2 câu nói.

Bố mẹ nên nói chuyện với con cái như thế nào?

Đối với não bộ, điều quan trọng nhất chính là sự tương tác. Tiến sĩ Dana Suskind tại Đại học Chicago dựa trên nghiên cứu "khoảng cách 30 triệu từ" đã đề xuất 3 nguyên tắc bố mẹ nên áp dụng khi nói chuyện với con cái.

- Chú ý tới những gì con cái đang làm và đang nói chuyện.

- Sử dụng thêm nhiều từ ngữ miêu tả khi nói chuyện.

- Thay phiên tham gia vào cuộc nói chuyện với con cái.

Ảnh minh họa.

Ví dụ: Một đứa trẻ 3 tuổi đang đi trong nhà với đôi giày của bố mình. Nếu áp dụng nguyên tắc của tiến sĩ Dana Suskind, bạn sẽ nói như sau:

- Bước đầu tiên: Chú ý tới hành vi của trẻ.

- Bước thứ 2: Tích cực giao tiếp.

"Con đang đi giày của bố sao, nó quá to so với con. Bố có bàn chân to nên đi giày to, con có bàn chân nhỏ nên đi giày nhỏ nhé."

- Bước thứ 3: Thay phiên nói chuyện với trẻ.

"Đôi giày nào to hơn? Của bố hay của con?", sau đó đợi trẻ trả lời rồi nói tiếp.

"Chân của bố lớn hơn của con rất nhiều nhưng chân của con cũng sẽ to dần ra. Đó là lý do vì sao bố mẹ đã mua cho con một đôi giày mới vào tuần trước. Đôi giày cũ của con đã chật rồi."

Trong cuộc trò chuyện này, thay vì ra lệnh cho đứa trẻ cất giày vào chỗ cũ hoặc nhắm mắt làm ngơ, người bố tích cực nói chuyện với con mình. Ông không chỉ giải thích cho trẻ hiểu sự khác biệt lớn và nhỏ mà còn cung cấp cho trẻ kiến thức cơ thể lớn lên như thế nào.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Natalie Suleyman MPParliament of Victoria Vùng: Keilor Downs. Phone: (03) 9367 9925
Xem thêm

Article sourced from AFAMILY.

Original source can be found here: http://afamily.vn/nghien-cuu-cua-hoc-vien-mit-va-dai-hoc-harvard-mau-chot-giup-tre-em-thong-minh-hon-khong-phai-doc-sach-ma-la-dieu-cuc-ky-de-nay-20211222134718707.chn