Nghề lạ đố bạn biết: từ dọn toilet, trinh sát đến xuất hiện ở tất cả các phim trường
“Location scout” là những người chuyên tìm kiếm địa điểm phù hợp để quay phim. “Scout” có thể hiểu như người trinh sát, “đánh hơi” xem cái chốn nào hay ho rồi “rinh” nguyên đoàn phim tới quay.
Dù nghề này đã xuất hiện từ lâu ở kinh đô điện ảnh Hollywood nhưng dường như chẳng nhiều người biết đến, một phần vì credit của họ tận xa tít tắp, chỉ hiện lên khi khán giả đã... đứng lên đi về.
Nhưng khi phim ảnh ngày càng phổ biến, người ta bàn tán chán chê về đạo diễn, diễn viên thì sẽ đến những điểm quay đẹp như mơ thôi! Biết đâu trong tương lai, “location scout” sẽ trở thành nghề nghiệp quen thuộc, mở ra thêm cơ hội cho những trái tim mê dịch chuyển, yêu nghệ thuật và thích khám phá?
Nhưng trước hết, hãy xem “mặt mũi” của những người làm location scout tại xứ sở cờ hoa.
1. Làm trong đoàn phim nhưng với location scout, “thưởng thức phim” là xa xỉ
Hầu hết mọi người khi xem phim chỉ chú ý đến cốt truyện, các chi tiết drama hay những khung hình đẹp mê hồn. Nhưng khi location scout xem phim, điều họ quan tâm nhất là khâu logistics - tức là nhà làm phim đã chuẩn bị và dựng mọi thứ lên như thế nào.
Họ đã “quét sạch” người xe như thế nào nhỉ?
Họ đã quay ở đâu? Làm sao có thể xin phép quay khu đó?
Làm sao Quảng trường Thời đại đông đúc lại biến thành "Khung trời ảo mộng" thế kia (phim Vanilla Sky – 2001)?
Một người location scout sẽ trải qua bộ phim không với bắp rang mà với cây bút hay chiếc điện thoại, ghi lại mọi quan sát riêng, để rồi khi phim hết họ nhận ra rằng mình... chưa kịp hiểu nhân vật nói gì.
Nhưng đừng lo, trước sau gì họ cũng hiểu thôi vì location scout (phải) “nghiền ngẫm” phim hàng chục lần mà!
2. Bắt đầu từ dọn toilet và cắt bánh kem
Xuất phát điểm của location scout thường thấp, làm những việc không tên trong dây chuyền sản xuất hàng ti tỉ thứ.
Cô Audra hiện nay đã làm việc với những ekip điện ảnh, truyền hình có tiếng như The Greatest Showman (2017), The Blacklist. Thế nhưng cô bắt đầu ở vị trí trợ lí đơn vị sản xuất, bao gồm chuyện rửa toilet và đi quăng rác. “Ít nhất theo tôi biết, không ai vừa vào đã làm ngay location scout”, Audra nói.
Hãy bình tĩnh, học cách mỉm cười và hỏi họ có muốn thêm 1 cốc cà phê nữa không
Cô Lori cũng tương tự, có thâm niên 30 năm tìm kiếm điểm quay cho các phim gồm A Wrinkle in Time (2018), Inception (2010) - nhưng cũng bắt đầu từ việc vặt như cắt bánh phô mai và tiếp tế cà phê.
“Tôi làm việc đó ngay khi có bằng thạc sĩ. Dĩ nhiên khi được hỏi về kinh nghiệm thực tế, tôi không thể tả mình đã cắt bánh phô mai đẹp như thế nào. Ý tôi là đôi khi bạn phải chấp nhận những việc làm nhỏ, học cách mỉm cười, biết ơn và hỏi họ có muốn thêm 1 cốc cà phê nữa không”, cô Lori nói.
Các location scout cũng nói thêm rằng đừng nhăn nhó khi bạn vào nghề với việc vặt, hãy tốt bụng với mọi người và họ sẽ giúp lại bạn.
Ví dụ như khi quá “bí” một địa điểm quay tuyệt đẹp theo kịch bản, biết đâu người khác sẽ cung cấp cho bạn manh mối. Người làm location scout hiểu rằng, họ muốn quen người ở nhiều nơi chốn khác nhau, có “gu” khác nhau để đáp ứng cho nhu cầu “thiên biến vạn hóa” của công việc chọn điểm quay.
3. Sống và làm việc... trên xe
Là location scout, bạn nên chuẩn bị cho việc bị quăng cho kịch bản bất kì lúc nào, nói rằng “tìm một khu nhà ở New York này nhưng giống với... thành phố Detroit”!
Đối với chế tác lớn, bạn thậm chí còn được xem 1 đoạn hoạt hình thô để hình dung mọi thứ lên phim trông như thế nào - cái này được gọi là previs (viết tắt của Previsualization, hiểu nôm na là mẫu để minh họa).
Hình ảnh từ một đoạn previs
Người làm location scout sẽ bắt đầu google mọi tòa nhà trong khu vực, tìm kiếm các website bất động sản. Khi ưng ý, họ liền xách xe khảo sát thực tế. Họ có vài tháng để chuẩn bị điểm quay cho phim, và có thể chỉ vài giờ nếu quay TV show.
Nhưng dù thế nào thì “trinh sát điểm quay” cũng sắm sửa đầy đủ đạo cụ. Cô Audra mang theo sổ tay, điện thoại, đồ sạc kèm theo tất cả những gì giúp cô sống sót ngay trên xe suốt nhiều ngày rong ruổi. Cô Lori thì mang theo một rổ... máy ảnh cơ và tripod để chụp nội thất những khu nhà hơi u tối, ảm đảm (hoàn hảo cho 1 phim giật gân)!
4. Trung bình cộng của bay bổng và hiện thực
Làm location scout, bạn phải vừa thả hồn theo kịch bản nhưng cũng nên biết ghìm lại đúng lúc nếu mọi thứ đã đi xa quá. Nhiều địa điểm tưởng đẹp, có sẵn nhưng không hề dễ quay.
Ví dụ tòa nhà nơi thường có máy bay ngang qua sẽ gây ồn và ảnh rác nhiều. Lại có những địa điểm ban ngày và ban đêm trông rất khác nhau, khán giả khó hình dung được. Một chỗ khác có khung trời lãng mạn nhưng... thang máy hư, đoàn làm phim không thể vác đồ nghề lên xuống 10 tầng lầu.
Phim Noah (2014) ban đầu định quay ở miền trung Iceland nhưng cuối cùng dời về quần đảo gần thủ đô cho tiện hơn
Chính vì vậy, location scout không chỉ tìm 1 địa điểm cho cảnh quay mà họ có "plan B", thậm chí là "plan X Y Z" đề phòng bất trắc.
Cô Lori kể về 1 trường hợp như vậy khi chuẩn bị điểm quay cho phim Noah (2014). Cô đến vùng trung Iceland - khung cảnh tuyệt đẹp và hoang sơ mỹ miều cho phim.
Thế nhưng cũng vì quá heo hút nên không đủ nơi ăn chốn nghỉ cho cả ekip đông đảo, việc di chuyển cũng hạn chế trong khi lại phải quay vô số cảnh khác nhau.
Cuối cùng đoàn phim Noah chọn quay ở quần đảo gần thủ đô Reykjavík của Iceland, đồng thời quay vài cảnh ngay tại chính New York.
5. Nằm mơ thấy cảnh phim quá khứ liền bừng tỉnh
Cảnh quay thời dĩ vãng luôn là thử thách cho cả đoàn phim, và location scout “thấm” điều đó hơn ai hết. Đối với dự án phim The Greatest Showman có bối cảnh từ thế kỉ 20 chẳng hạn, cô Audra đã toát mồ hôi với kiến trúc các tòa nhà và... thời trang.
Chuyện là thời gian địa điểm rõ ràng, đến ngày quay diễn viên trong trang phục lộng lẫy xuất hiện nhưng không thể... bước vào nhà! Cô Audra giải thích: “Thế kỉ 20, cửa ra vào bé tí vì người xưa ‘nhỏ con’ hơn. Và khi cô diễn viên với chiếc váy quá khổ đến, cô ấy không qua lọt cánh cửa”.
Cuối cùng, giữa việc thay cửa ra vào và thay phục trang, các nhà làm phim chọn vế thứ hai. Đó còn là 1 bài học cho Audra: “Bạn phải tính cả những chuyện hậu cần bé tẻo teo khi chọn địa điểm quay, nhất là cảnh quá khứ, vì nếu đạo diễn không sửng cồ lên thì khán giả cũng tinh mắt lắm”.
6. Như “trinh sát” đúng nghĩa, bạn phải thu thập thông tin
Tìm kiếm, liên hệ thôi chưa đủ, quan trọng nhất với location scout là kí được hợp đồng thuê địa điểm. Nhiều khi một người sở hữu cả tòa nhà nhưng bãi giữ xe lại thuộc về 1 cá nhân khác!
Mọt phim sẽ nhận ra ngay những khung cảnh quen thuộc của New York hay Los Angeles vì chúng xuất hiện quá nhiều
Location scout sẽ hỏi trực tiếp xem ai sở hữu cái gì, tra thông tin từ website quản lý quy hoạch của thành phố đến... bảng gia phả, lịch sử địa phương!
Chưa kể, 1 số chủ nhà không vui lắm khi bạn gõ cửa họ vào buổi sáng và hỏi rằng liệu tôi có thể "mượn" nhà bạn cho vài cảnh quay không. Thành phố New York cũng không cho phép đoàn phim quay ở vài khu nhất định vì người dân chỗ ấy... vừa lên màn ảnh quá nhiều.
Một nhà location scout lâu năm tiết lộ, vài chủ nhà yêu cầu 2.500 USD (khoảng 57 triệu đồng) cho 1 ngày quay, hoặc 10.000 USD (khoảng 227 triệu đồng) cho cả bộ phim. Đó là cái giá cho địa điểm, thời gian và kể cả chuyện “bị làm phiền” của chủ nhà.
7. Vỡ mộng
Cuối cùng thì không có nghề nào hào nhoáng mà không kèm chông gai cả, location scout cũng vậy. Cô Lori cho biết: “Bạn nhận ra mình suốt ngày ở trên xe nhưng hầu như loanh quanh 40 - 50 km tính từ trung tâm thành phố. Đối với chế tác lớn, mỗi sáng bạn sẽ được thức dậy ở một nơi xa. Nhưng tin tôi đi, bạn sẽ bắt đầu chán việc đó như bất kì việc quen thuộc nào khác trên đời. Khi ngủ quá nhiều trên ghế máy bay, tôi nhớ chiếc giường ở nhà da diết”.
Người làm location scout khi thấy cảnh gì ấn tượng, họ đều lưu lại cho những dự án quay phim tương lai
Location scout là một nghề chứ không phải một sở thích. Không chỉ có tòa nhà đẹp đẽ, bạn còn phải biết về cây cầu, đường hầm và mỏ đá cũng như phải sở hữu mắt thẩm mĩ, nhìn ra các góc quay độc đáo.
Bạn phải hiểu biết nhất định về các thứ mà người bình thường cho qua luôn như các hòn đá, khung cửa sổ và chân đèn.
Và 1 điều thú vị là, cô Audra tâm sự rằng đến sinh nhật của mình, cô chẳng biết tổ chức chỗ nào cho mới mẻ cả vì đã nhẵn mặt hết các điểm vui chơi giải trí trong thành phố.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về nghề location scout? Hãy để lại bình luận của mình nhé!
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/nghe-la-do-ban-biet-chuyen-xe-dich-va-trinh-sat-canh-dep-cho-doan-lam-phim-20180421234835252.chn