Ngành công nghiệp thời trang Mỹ 'chật vật' thu hút khách hàng
Hãng thời trang American Eagle của Mỹ tuần này đã góp tên mình vào danh sách các nhà bán lẻ quần áo ghi nhận mức doanh thu ảm đạm trong quý tài chính mới nhất, giữa bối cảnh ngành công nghiệp thời trang đang “chật vật” tìm định hướng thu hút khách hàng sau đại dịch, đồng thời đối mặt với nhu cầu giảm khi lạm phát tăng cao thắt chặt “hầu bao” của người tiêu dùng.
Nhà phân tích Corey Tarlowe của ngân hàng đầu tư độc lập Jeffries nói với CNBC: “Môi trường bán lẻ đang không thuận lợi. Hàng tồn kho gia tăng. Hiện có rất nhiều hàng may mặc tồn kho trị giá hàng tỷ USD đang chưa được giải quyết và đó là một vấn đề.”
Để đẩy bớt các sản phẩm khỏi kệ hàng trong thời gian chờ đợi định hướng may mặc mới, các nhà bán lẻ bao gồm Macy’s và Nordstrom đã thực hiện các biện pháp giảm giá sản phẩm, khiến lợi nhuận của họ bị tổn thương.
Giữa tuần này, American Eagle cho biết họ đang tạm dừng chia cổ tức sau khi doanh thu trong quý tài chính mới nhất (kết thúc ngày 30/7/2022) giảm 6% so với một năm trước đó.
Giám đốc Điều hành American Eagle, Mike Mathias, chỉ ra rằng “nhu cầu giảm dần” do môi trường kinh tế vĩ mô xấu đi đã dẫn tới kết quả này.
Jen Foyle, Giám đốc kinh doanh của American Eagle, cho biết các ưu tiên của nhà bán lẻ thời trang này là “điều chỉnh các mặt hàng và thu hẹp lượng hàng tồn kho.”
Việc giảm giá bán để “giải tán” hàng tồn kho đã làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của American Eagle, với việc công ty công bố mức lợi nhuận chỉ đạt 4 xu Mỹ/cổ phiếu trong quý kết thúc vào ngày 30/7. Con số đó giảm so với mức kỳ vọng của các nhà phân tích là 13 xu/cổ phiếu.
Trước đó, Giám đốc Tài chính của chuỗi cửa hàng bán lẻ Nordstrom, Anne Bramman, cũng cho biết tại Hội nghị Bán lẻ Toàn cầu do ngân hàng Goldman Sachs tổ chức rằng, việc giảm giá đã “sâu” hơn rất nhiều so với dự kiến của các công ty thời trang và có thể phải mất một vài quý để họ điều chỉnh lại một cách hợp lý.
Trong tháng 8/2022, Nordstrom 8 đã báo cáo doanh số bán hàng tăng mạnh hơn trong quý 2/2022, nhưng đã cắt giảm dự báo tài chính cho cả năm nay với lý do lượng hàng tồn kho dư thừa lớn và nhu cầu chậm lại.
Các nhà bán lẻ khác bao gồm Wal-Mart, Target, Gap và Kohl’s đã phải đối mặt với vấn đề tương tự khi lượng hàng tồn kho đồng loạt tăng cao.
Target cho biết công ty này phải giảm giá mạnh tay để loại bỏ lượng hàng tồn kho dư thừa, khiến lợi nhuận hàng quý của họ giảm 90%.
Nhận thấy nhiều người tiêu dùng có tâm lý đề phòng lạm phát, Wal-Mart đã áp dụng các biện pháp giảm giá mạnh mẽ tương tự để “giải tán” bớt các mặt hàng như quần áo khỏi các cửa hàng của họ, dẫn đến nguy cơ lợi nhuận bị giảm đáng kể.
Trong khi đó, Gap và Kohl’s đang tìm cách tránh việc phải giảm giá bằng chiến lược “đóng gói và giữ lại” đối với một số mặt hàng nhất định, cho phép họ dự trữ hàng tồn kho dư thừa cho đến khi nhu cầu tăng lên.
Nhà phân tích Tarlowe cho biết tới năm 2023, các nhà bán lẻ có thể điều chỉnh chiến lược kinh doanh theo nhu cầu dễ dàng hơn khi chuỗi cung ứng bình thường hóa.
Nhưng hiện tại, ông cho rằng các công ty đang gặp khó khăn trong việc điều chỉnh các chương trình khuyến mại của họ./.
Bạn đang tìm dịch vụ về Tiệm rượu?
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/my-cac-hang-ban-le-thoi-trang-ghi-nhan-doanh-thu-am-dam/815827.vnp