Bộ Quốc phòng Nga hôm 14/4 thông báo tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen, bị hư hại nặng sau một vụ cháy gây nổ kho đạn, khiến hơn 500 thủy thủ phải sơ tán.

Đám cháy trên tàu sau đó được khống chế và tuần dương hạm Moskva được kéo về cảng ở Crimea, với các bệ phóng tên lửa còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, trong quá trình được lai dắt về cảng, chiến hạm Moskva đã bị chìm do phần thân bị hư hại khiến tàu mất ổn định trong điều kiện sóng lớn, Bộ Quốc phòng Nga đêm 14/4 cho biết.

Quân đội Nga chưa tiết lộ nguyên nhân vụ cháy soái hạm Moskva, nhưng Maksym Marchenko, thị trưởng thành phố cảng Odessa ở miền nam Ukraine, cho biết hai tên lửa diệt hạm Neptune gây thiệt hại nặng cho chiến hạm Nga, nhưng không cung cấp bằng chứng.

Trong khi đó, Cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovych thông báo "bất ngờ đã đến với soái hạm thuộc hạm đội Biển Đen của Nga", nhưng khẳng định Kiev "không rõ chuyện gì đã xảy ra".

Tuần dương hạm Moskva chạy thử ngoài khơi bán đảo Crimea hồi năm 2021. Ảnh: Twitter/Capt_Navy.

Đây được coi là tổn thất nghiêm trọng với lực lượng Nga, bởi Moskva là tàu chiến mặt nước có uy lực nhất trong khu vực, đóng vai trò soái hạm của Hạm đội Biển Đen và tham gia chiến dịch quân sự tại Ukraine ngay từ ngày đầu.

Trong những ngày đầu chiến dịch quân sự, tuần dương hạm Moskva là một trong các tàu hải quân Nga áp sát đảo Zmiinyi, một trong các thực thể quan trọng trong lãnh hải của Ukraine và cũng là cơ sở giúp quân đội nước này theo dõi hoạt động hàng hải trên Biển Đen. Đây chính là chiến hạm phát thông điệp yêu cầu binh sĩ trên đảo Zmiinyi đầu hàng.

Moskva là tuần dương hạng nặng mang tên lửa dẫn đường thuộc Đề án 1164 Atlant của Nga. Tàu dài 186 m, rộng 21 m và có lượng giãn nước 12.000 tấn.

Vũ khí chính của Moskva là 16 tên lửa diệt hạm P-1000 Vulkan với tầm bắn 800 km, mỗi quả đạn có chiều dài tương đương một tiêm kích MiG-17 và nặng khoảng 5 tấn, mang được đầu đạn bán xuyên giáp chứa 950 kg thuốc nổ mạnh hoặc đầu đạn hạt nhân tương đương 350.000 tấn thuốc nổ TNT.

Nó cũng được trang bị 64 tên lửa phòng không tầm xa với tầm bắn 90 km, 40 tên lửa phòng không tầm ngắn cùng nhiều loại pháo tự động, vũ khí chống ngầm và hệ thống tác chiến điện tử.

Học thuyết sử dụng tuần dương hạm của Liên Xô trước đây khác biệt với Mỹ. Thay vì hộ tống các tàu sân bay, những tàu tuần dương như Moskva có nhiệm vụ chính là tấn công hàng không mẫu hạm đối phương.

Hải quân Ukraine không sở hữu các tàu chiến cỡ lớn tại Biển Đen, khiến dàn tên lửa Vulkan của tuần dương hạm Moskva không có điều kiện thể hiện sức mạnh trong chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, tổ hợp phòng không S-300F Fort, phiên bản hải quân của tên lửa S-300, với 64 quả đạn cho phép Moskva thiết lập ô phòng không trên Biển Đen, hạn chế hoạt động của không quân Ukraine và bảo vệ lực lượng mặt đất tham chiến tại miền nam nước này.

"Tổ hợp phòng không S-300F Fort cho phép chiến hạm Moskva bao phủ phần lớn khu vực phía bắc Biển Đen trong các chuyến tuần tra. Đây dường như là một phần trong lưới phòng thủ đa tầng với sự tham gia của tổ hợp S-400 tại quân cảng Sevastopol và những hệ thống tương tự triển khai khắp bán đảo Crimea", chuyên gia quân sự H. I. Sutton nhận xét.

Những khu vực tàu Moskva xuất hiện từ ngày 24/2 đến 4/4. Đồ họa: Naval News.

Trong giai đoạn đầu xung đột, tàu tuần dương Moskva chủ yếu hoạt động gần đảo Zmiinyi, cách xa những khu vực giao tranh chính và thành phố cảng chiến lược Odessa ở miền nam Ukraine.

Odessa là cảng chủ chốt của Ukraine tại Biển Đen và được đánh giá là một trong các mục tiêu hàng đầu của Nga, bởi kiểm soát được khu vực này đồng nghĩa với Ukraine sẽ gần như không còn đường ra biển. Nó cũng cho phép Moskva lập hành lang trên bộ với vùng ly khai Transnistria tại Moldova.

Dữ liệu nguồn mở được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy hải quân Nga bắt đầu hoạt động răn đe gần Odessa từ ngày 2/3, trong đó có lập hàng rào phong tỏa cảng biển của Ukraine. Tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy Moskva tham gia hoạt động này, bởi soái hạm của Hạm đội Biển Đen vẫn duy trì vị trí xa bờ.

"Moskva là tàu chiến đời cũ, nó không được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kalibr. Đó là lý do nó không trực tiếp tham gia những đợt tập kích nhằm vào mục tiêu ở sâu trong lãnh thổ Ukraine như các chiến hạm khác", Sutton nhận xét.

Hải quân Nga sau đó bắt đầu những cuộc phô diễn năng lực tấn công từ hướng biển bằng cách triển khai 6 tàu đổ bộ cỡ lớn ngoài khơi Odessa, nhưng sau đó bất ngờ điều động chúng tới vị trí khác. Hoạt động này được coi là biện pháp nghi binh, nhằm kìm chân lực lượng Ukraine ở Odessa.

Tuần dương hạm Moskva xuất hiện ngoài khơi Odessa trong ít nhất hai đợt vào ngày 15/3 và 30/3. Nó được nhiều chiến hạm Nga yểm trợ hoặc lập ô phòng không ở vị trí xa bờ, cũng như có thể đảm nhận nhiệm vụ trung tâm chỉ huy chiến dịch.

Cục diện chiến trường Ukraine sau 8 tuần giao tranh. Bấm vào hình để xem chi tiết.

Chuyên gia quân sự Tyler Rogoway cho rằng soái hạm Moskva mất khả năng chiến đấu là tổn thất nặng nề với Nga, khi nước này chỉ sở hữu ba tuần dương hạm Đề án 1164. Chúng là những chiến hạm mặt nước lớn thứ ba trong biên chế hải quân Nga, chỉ sau tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov và tuần dương hạm hạt nhân Pytor Đại đế.

"Lưới phòng thủ dày đặc của tàu Moskva khiến nó giống một pháo đài trước các mối đe dọa", Rogoway nhận định. "Bởi vậy, nếu tên lửa Neptune có thể thực sự xuyên thủng được lớp phòng thủ này, đó có thể là chiến thắng quan trọng về mặt tác chiến và tuyên truyền của Ukraine".

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/ton-that-khi-nga-mat-chien-ham-manh-nhat-o-bien-den-4451410.html