Nga thực sự muốn gì khi tăng quân áp sát Ukraine?

02:00' 14-04-2021
Việc Nga phô diễn sức mạnh quân sự sát biên giới với Ukraine thời gian gần đây khiến chính quyền Kiev và phương Tây lo ngại về ý định thật sự của Moscow.

Theo Guardian, chỉ sau hai tuần tăng cường hiện diện quân sự, Nga triển khai gần 80.000 quân đến khu vực biên giới phía đông và nam Ukraine.

Cùng lúc đó, bộ binh, xe tăng và các đơn vị pháo binh được triển khai đến Voronezh - một thành phố Nga cách biên giới Ukraine khoảng 250 km. Phía Kiev cho rằng Nga có tới 40.000 lính tại thành phố này, và thêm 40.000 lính nữa tại bán đảo Crimea.

Sự hiện diện quân sự của Nga càng được củng cố với những tuyên bố cứng rắn của các quan chức ở Moscow. Tuy nhiên, khả năng cuộc tấn công toàn diện khó có thể xảy ra. Điều này khiến phương Tây và Ukraine bối rối trong việc thấu hiểu mục tiêu thật sự của Nga, theo Foreign Policy.

Tăng cường phô diễn sức mạnh

Thomas Bullock, một nhà phân tích thuộc đơn vị tình báo quân sự Jane's, cho rằng đây là lần triển khai quân sự không báo trước "lớn nhất của Nga, kể từ khi nước này sáp nhập Crimea".

Ông Bullock tin rằng Nga thậm chí đã điều động vài nghìn quân từ những quân khu xa xôi như Siberia. Đây là điều Nga không thực hiện trong những cuộc diễn tập quân sự gần đây.

Xe tăng Nga ở khu vực gần biên giới Ukraine. Ảnh: AFP.

Bên cạnh quy mô và lực lượng, Nga cũng tăng cường các hệ thống tên lửa đạn đạo tầm gần ở vùng biên giới với Ukraine.

Giới chuyên gia tin rằng lực lượng này đủ sức tấn công Ukraine nếu muốn, và điều đó đã dẫn đến sự gia tăng căng thẳng "chưa từng có tiền lệ".

"Tôi nghĩ Nga muốn phô diễn lực lượng của mình, nhưng điều này khiến nhiều người khó chịu vì nó có quy mô khác hẳn những lần trước", Rob Lee, một nghiên cứu sinh về chiến tranh ở King's College London (Anh), bình luận.

Cùng lúc, các tuyên bố của giới chức Nga về tình hình hiện tại ở Ukraine cũng cứng rắn hơn.

Hôm 8/4, Dmitry Kozak, Phó chánh văn phòng tổng thống, cảnh báo xung đột leo thang sẽ đánh dấu "sự mở đầu cho kết thúc của Ukraine".

Nga cũng tìm cách đưa câu chuyện theo hướng Ukraine mới là kẻ gây hấn, và cảnh báo nước này sẽ can thiệp để bảo vệ người Nga tại đây.

Căng thẳng đang leo thang ở khu vực miền Đông Ukraine do lực lượng ly khai chiếm giữ (vùng Donetsk và Luhansk) và phần biên giới với Nga. Đồ họa: BBC.

Khó xung đột quy mô lớn

Nhằm đáp trả phía Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần rồi kêu gọi phương Tây tăng cường hiện diện trong khu vực, và thúc giục NATO nhanh chóng thông qua việc nước này muốn gia nhập.

Trước đó, Tổng thống Zelensky cũng ra lệnh trừng phạt Viktor Medvedchuk, một đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, và đóng cửa ba đài truyền hình do ông này kiểm soát.

Điều này cho thấy Ukraine đang có đường lối ngày càng cứng rắn trước Nga, và nghiêng về các đồng minh phương Tây.

Những động thái gần đây cho thấy Ukraine đang có đường lối ngày càng cứng rắn chống lại Nga và ngả về các đồng minh phương Tây. Ảnh: Shutterstock.

Ukraine hiện cũng muốn tăng cường khả năng quân sự của nước này, khi một báo cáo cho thấy Kiev sẽ mua máy bay không người lái Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hệ thống nói trên được lựa chọn sau khi nó chứng minh hiệu quả qua việc chống lại xe tăng Nga trong xung đột giữa Armenia và Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh vào năm ngoái.

Tuy nhiên, các nhà quan sát đều tin rằng một cuộc xung đột toàn diện khó có khả năng xảy ra.

Tại thành phố Voronezh, nơi Nga đang đóng quân, an ninh lỏng lẻo đến mức các nhà báo của Sky News có thể xâm nhập vào bên trong và ghi hình hoạt động của phía Nga. Điều này cho thấy Moscow không tin rằng một cuộc chiến có thể nổ ra, và không chuẩn bị cho điều đó.

"Tôi nghĩ mọi người đều đang theo dõi tình hình rất sát sao. Tôi cho rằng hành động của Nga mang tính phô diễn sức mạnh nhiều hơn, song chúng tôi không loại bỏ khả năng tình hình có thể trở nên nghiêm trọng", Andrea Kendall-Taylor, cựu viên chức cấp cao của Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, nhấn mạnh.

Binh sĩ Ukraine tại giới tuyến ngăn cách với khu vực do lực lượng ly khai, được sự hậu thuẫn của Nga, kiểm soát gần Donetsk, Ukraine. Ảnh: Reuters.

Nga thực sự muốn gì?

Maryna Vorotnyuk, một nhà nghiên cứu tại Viện RUSI (Anh), tin rằng Nga muốn gia tăng căng thẳng vì nhiều lý do. Một trong số đó là việc Nga muốn biểu dương lực lượng sau khi quan hệ với Mỹ xấu đi nhanh chóng, vì Tổng thống Mỹ Joe Biden có phát ngôn tiêu cực về người đồng cấp Nga.

Bên cạnh đó, diễn biến ở biên giới với Ukraine cũng hướng sự chú ý của dư luận Nga khỏi những vấn đề trong nước, trong bối cảnh Điện Kremlin phải vật lộn chống dịch và đối mặt với các phong trào biểu tình.

"Tôi có cảm giác ông Putin đang muốn mọi người thôi chú ý vào những vấn đề trong nước của Nga", bà Kendall-Taylor nói.

Cuối cùng, Moscow tin rằng họ có thể tạo áp lực đủ lớn lên chính quyền Kiev, qua đó khiến Ukraine đáp trả, từ đó tạo cớ cho Nga.

Điều này từng diễn ra vào năm 2008, khi tổng thống Gruzia lúc đó, ông Mikheil Saakashvili, chọn chiến tranh nhằm giành lấy lãnh thổ ly khai Nam Ossetia. Quân đội Nga, với danh nghĩa bảo vệ Nam Ossetia, tấn công lực lượng Gruzia tại đây, và sau đó tiến sâu vào lãnh thổ của Gruzia.

"Nga không muốn phát động tấn công, mà muốn những gì xảy ra vào năm 2008 lặp lại", Taras Kuzio, giáo sư tại Học viện Đại học Quốc gia Kyiv-Mohyla, bình luận.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: https://news.zing.vn/nga-toan-tinh-gi-khi-tang-quan-ap-sat-ukraine-post1203713.html