Nga nỗ lực xuyên thủng hệ thống phòng không Ukraine
Nửa đêm 9/3, Nga bắt đầu trút mưa tên lửa xuống Ukraine, một trong những cuộc không kích lớn nhất của Moskva trong nhiều tháng qua.
Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết Nga đã phóng tổng cộng 95 tên lửa thuộc nhiều loại khác nhau, cùng một số máy bay không người lái (UAV) tự sát do Iran sản xuất. Ukraine tuyên bố đánh chặn 34 tên lửa, UAV Nga.
Vũ khí được Nga sử dụng trong cuộc không kích gồm tên lửa hành trình phóng từ tàu chiến và máy bay, cùng 6 tên lửa siêu vượt âm Kinzhal, loại vũ khí rất khó đánh chặn nhưng cũng rất đắt đỏ và hiếm khi được khai hỏa trong chiến dịch, theo Valerii Zaluzhnyi, tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine.
Tiêm kích MiG-31K mang tên lửa Kinzhal bay biểu diễn hồi năm 2018. Ảnh: Điện Kremlin.
Việc sử dụng kết hợp nhiều loại tên lửa đã trở thành chiến thuật mới của Nga trong các cuộc tập kích quy mô lớn vào Ukraine, theo giới quan sát.
"Trong sáu tháng qua, Nga có xu hướng giảm tần suất các cuộc tập kích, nhưng sử dụng nhiều loại tên lửa cùng lúc trong mỗi đợt tấn công, nhằm khiến hệ thống phòng không Ukraine khó đánh chặn hiệu quả tất cả", Justin Bronk, nhà nghiên cứu cấp cao về sức mạnh không quân và công nghệ tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) ở London, chia sẻ.
Các nhà phân tích cho rằng Nga quyết định thay đổi phương thức tập kích khi nhận thấy hệ thống phòng thủ của Ukraine ngày càng được củng cố nhờ nguồn vũ khí phương Tây. Đồng thời, đây cũng là cách để họ phát huy tối đa hiệu quả của mỗi đợt tấn công.
"Moskva điều chỉnh các cuộc tập kích tên lửa để tăng thêm thách thức với hệ thống phòng không đối phương, bằng cách sử dụng kết hợp tên lửa hành trình cận âm, tên lửa siêu vượt âm Kinzhal và có thể cả các mồi bẫy và biện pháp khác", Douglas Barrie, thành viên cấp cao về hàng không vũ trụ quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nói.
Nga lần đầu sử dụng tên lửa Kinzhal ở Ukraine hồi tháng 3 năm ngoái và sau đó thỉnh thoảng phóng mẫu tên lửa siêu vượt âm này để tập kích các mục tiêu có giá trị cao, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở ở Washington, Mỹ.
Kinzhal có khả năng bay nhanh gấp năm lần tốc độ âm thanh và đặc biệt khó phát hiện vì có thể phóng từ chiến đấu cơ MiG-31. Điều này giúp Kinzhal có tầm bắn xa hơn và khả năng tấn công từ nhiều hướng, cũng như khả năng cơ động khi đến gần mục tiêu.
"Đây là loại tên lửa khó đánh chặn hơn nhiều và khiến đối phương gần như không có thời gian cảnh báo hay phản ứng. Nhưng Kinzhal cũng rất đắt đỏ và Nga chỉ có thể sản xuất với số lượng hạn chế", Bronk giải thích.
Alexander Rodnyansky, cố vấn kinh tế của Tổng thống Volodymyr Zelensky thừa nhận hệ thống phòng không của Ukraine không đủ khả năng ứng phó hiệu quả với tên lửa Kinzhal.
"Họ sử dụng tên lửa siêu vượt âm để xem hệ thống phòng thủ của chúng tôi có thể ứng phó thế nào sau khi nhận các vũ khí mới từ phương Tây", Rodnyansky nói. Ông cho hay lưới phòng không Ukraine hiện nay "không đủ tốt".
Ukraine đã đối phó tốt với các không kích của Nga trong vài tháng qua, cải thiện khả năng bắn hạ tên lửa hành trình bằng hệ thống phòng không hiện đại, cũng như ngăn chặn UAV tự sát khá thành công.
Ba tên lửa được Nga khai hỏa, khi quan sát từ Kharkov, Ukraine ngày 9/3. Ảnh: AP.
Sau nhiều lần bị tập kích, Ukraine đã nhận ra phương thức tấn công tên lửa của Nga, nên đã thiết lập thế trận phòng không tốt hơn, theo Rodnyansky. Tuy nhiên, tên lửa Kinzhal là thách thức mới và rất nghiêm trọng, bởi chúng dễ dàng xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Ukraine.
Kinzal được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố năm 2018 như một trong những siêu vũ khí của nước này.
"Nga có thể đã phát triển được loại tên lửa có khả năng tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng của châu Âu. Tốc độ cao kết hợp với quỹ đạo bay bất thường và khả năng cơ động của nó có thể gây khó khăn cho nỗ lực đánh chặn", CSIS cho biết trong một báo cáo.
Dù Nga thay đổi chiến thuật tập kích khiến lưới phòng không Ukraine chao đảo, giới quan sát cho rằng các cuộc tấn công như vậy sẽ không thể diễn ra thường xuyên hoặc mang tính quyết định xung đột, bởi phương Tây tin Moskva đang dần cạn nguồn cung tên lửa.
"Nga có thể đã cố tình phóng loại tên lửa mà hệ thống phòng không Ukraine không thể đánh chặn để đạt kết quả về truyền thông, dù nguồn cung tên lửa này dần cạn kiệt", Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) viết trong đánh giá mới nhất về xung đột Ukraine.
ISW nhận định Nga có khoảng 50 tên lửa Kinzhal, trong khi chuyên gia Bronk nói Moskva có thể sản xuất khoảng 40 tên lửa hành trình mỗi tháng.
Cục diện chiến sự Ukraine. Đồ họa: WP.
6 tên lửa Kinzhal đã được Nga sử dụng trong cuộc tập kích ngày 9/3, nhưng dường như không đạt được nhiều kết quả. Cuộc tấn công khiến gần nửa triệu người bị mất điện ở Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, theo giới chức địa phương.
"Các cuộc tấn công như vậy liệu có thể khiến người Ukraine mất khả năng chiến đấu hay không? Câu trả lời là không", Bronk nói. "Chiến thuật tập kích, oanh kích để phá vỡ ý chí hoặc khả năng phản kháng của đối phương thường không mang lại hiệu quả cao".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nga-doi-chien-thuat-tap-kich-ukraine-4580024.html