Nga bắn thành công tên lửa đánh chặn
"Đơn vị phòng thủ tên lửa thuộc Không quân Vũ trụ Nga đã thực hiện thành công vụ phóng thử tiếp theo của mẫu đạn mới trong Hệ thống Phòng thủ Tên lửa (ABM) tại thao trường Sary-Shagan ở Kazakhstan", Bộ Quốc phòng Nga hôm 28/10 ra thông cáo cho biết.
Tướng Sergei Grabchuk, chỉ huy lực lượng ABM Nga, cho biết vụ phóng thử đã xác nhận các thông số kỹ thuật của tên lửa mới, thêm rằng nó đánh trúng mục tiêu giả định với độ chính xác như dự đoán. Tuy nhiên, quan chức Nga không tiết lộ thông tin về quả đạn cũng như mục tiêu của nó.
Hệ thống A-135 Nga bắn thử năm 2018. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Lần gần đây nhất quân đội Nga thông báo thử tên lửa mới trong hệ thống ABM là ngày 2/7/2019, quả đạn cũng đánh trúng mục tiêu và đáp ứng yêu cầu về độ chính xác.
Nga đang phát triển hai hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia, gồm phiên bản hiện đại hóa của lá chắn tầm xa A-135 "Amur" và tổ hợp phòng thủ cơ động A-235 "Nudol" hoàn toàn mới.
Phiên bản A-135 hiện đại hóa có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đơn lẻ hoặc phóng theo loạt lớn. Tính năng này nhằm đối phó với học thuyết quân sự Mỹ, vốn luôn ưu tiên đánh phủ đầu bằng số lượng lớn ICBM để áp đảo và làm quá tải hệ thống phòng thủ đối phương.
Nga đang triển khai 5 trận địa thuộc hệ thống A-135 tại tỉnh Moskva, mỗi trận địa có 12-16 tên lửa đánh chặn 53T6. Nga từng thử nghiệm biến thể hiện đại hóa của tên lửa này hồi năm 2018, cho thấy nó có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo đang lao tới mục tiêu ở độ cao 5-30 km và tầm xa 80 km, đạt tốc độ tối đa 21.000 km/h chỉ trong vòng ba giây sau khi phóng.
Trong khi đó, hệ thống A-235 Nudol có tầm bắn và độ chính xác cao hơn nhiều so với A-135. Nudol có thể bảo vệ các vùng lãnh thổ Nga trước đòn tấn công của ICBM trang bị nhiều đầu đạn hồi quyển độc lập (MIRV) và hệ thống mồi bẫy hiện đại. Các quan chức tình báo Mỹ cho rằng Nudol có thể diệt vệ tinh, trong khi Nga tuyên bố hệ thống này chỉ thực hiện nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đối phương.
Hệ thống A-235 sử dụng nhiều loại tên lửa để đối phó với các mục tiêu khác nhau. Phiên bản tầm xa sử dụng tên lửa 51T6 có tầm bắn 1.500 km và trần bay 800 km, phiên bản tầm trung dùng tên lửa 58R6 nâng cấp với tầm bắn 1.000 km và trần bay 120 km, trong khi phiên bản tầm ngắn có thể diệt mục tiêu ở khoảng cách 350 km và trần bay 50 km. Phiên bản tầm xa có thể mang đầu đạn hạt nhân, hai biến thể còn lại sử dụng đầu đạn động năng.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nga-ban-thu-thanh-cong-ten-lua-danh-chan-moi-4183800.html