Nếu lượng CO2 tiếp tục tăng, Trái Đất sẽ quay trở về thời kỳ khủng long xuất hiện
Đến năm 2400, mức độ CO2 có thể vượt quá mọi giới hạn từng được ghi nhận trong hồ sơ địa chất.
Theo các nhà nghiên cứu, nếu nhân loại tiếp tục khai thác nhiên liệu hóa thạch trên khắp hành tinh đến năm 2250, chúng ta có thể sẽ đối mặt với nồng độ CO2 chưa từng thấy kể từ kỷ Trias cách nay 200 triệu năm. Và đến năm 2400, mức độ CO2 có thể vượt quá mọi giới hạn từng được ghi nhận trong hồ sơ địa chất.
Để đánh giá xem lượng CO2 trong không khí đã thay đổi như thế nào trong 420 triệu năm qua, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Southampton đã biên soạn khoảng 1.500 ước tính về lượng CO2 trong khí quyển và đã được công bố trong 112 nghiên cứu.
"Chúng tôi không thể trực tiếp đo đạc nồng độ CO2 từ hàng triệu năm trước", nhà hóa học địa chất Gavin Foster thuộc trường Đại học Southampton nói. "Thay vì dựa trên các bằng chứng ở trong đất đá. Trong nghiên cứu, chúng tôi đã biên soạn các ước tính dựa theo tất cả các tài liệu có sẵn từ nhiều nghiên cứu khác nhau để tạo ra một biểu đồ thể hiện mức độ của CO2 trong không khí".
Một số phân tích khác của nhóm cũng chỉ ra rằng, mặc dù lượng CO2 hiện tại thấp hơn nhiều so với một số thời kỳ nóng bức trong lịch sử Trái Đất, nhưng nhiệt độ hiện tại của chúng ta lại đang tăng lên nhanh chóng.
Nồng độ CO2 đạt mức 280 phần triệu (ppm) vào thời kỳ tiền công nghiệp hóa, nhưng đến năm 2016 đã tăng đến mức 400ppm. Đây là mức gia tăng nhanh chưa từng thấy nhưng nó vẫn còn kém xa so với kỷ "nhà kính" của Trái Đất, khi đó nồng độ CO2 đạt mức 3.000ppm.
Nhưng ngoài việc con người đã làm tăng lượng phát thải CO2 nhanh chóng trong vòng 2 thể kỷ qua, thì việc chấm dứt một thời kỳ mà lượng khí CO2 giảm một cách tự nhiên đã kéo dài hàng trăm triệu năm mới là điều đáng sợ hơn cả.
"Do có các phản ứng hạt nhân ở các ngôi sao, điển hình là Mặt Trời, qua thời gian chúng ngày càng sáng hơn", nhà khoa học khí hậu Dan Lunt từ Đại học Bristol nói. "Có nghĩa là, mặc dù nồng độ của CO2 hàng trăm triệu năm trước rất cao nhưng hiệu ứng ấm lên mà nó tạo ra và lượng ánh sáng Mặt Trời đều ít hơn".
Nói cách khác, mức năng lượng của Mặt Trời ảnh hưởng đến khí hậu Trái Đất (hay tổng bức xạ Mặt Trời) đã tăng dần lên từ hàng trăm triệu năm trước do Mặt Trời ngày càng sáng hơn. Nhưng khí hậu của Trái Đất đã giữ nó ổn định bằng cách giảm dần lượng CO2 cùng thời kỳ này.
Đó là cho tới bây giờ.
Ngày nay, khi lượng CO2 và bức xạ Mặt Trời đều tăng lên, tác động khí hậu là cực kỳ rõ ràng. Nhóm nghiên cứu cho rằng, sẽ có nhiều kiểu khí hậu nguy hiểm chưa từng thấy mà con người có thể gặp phải trong tương lai.
Biến đổi khí hậu sẽ diễn ra nhanh hơn bất cứ thứ gì mà Trái Đất từng trải qua trong hàng triệu năm.
"Nếu sử dụng hết nhiên liệu hóa thạch, tác động khí hậu sẽ là vô cùng lớn. Các thông số địa chất sẽ vượt quá giới hạn và điều này chỉ xảy ra vào 420 triệu năm trước", Foster giải thích. Nếu nhiên liệu hóa thạch tiếp tục được sử dụng, các nhà nghiên cứu ước tính lượng CO2 sẽ đạt mức 2.000 ppm vào năm 2250 - mức chưa từng thấy từ khoảng 200 triệu năm trước ở kỷ Trias.
"Tuy nhiên, Mặt Trời khi đó ít ánh sáng hơn và tác động khí hậu ở 200 triệu năm trước cũng ít hơn những gì mà chúng ta sẽ phải trải qua khi nồng độ CO2 tăng lên trong tương lai", Foster nói trong một thông cáo báo chí. "Vì vậy, biến đổi khí hậu sẽ diễn ra nhanh hơn bất cứ thứ gì mà Trái Đất từng trải qua trong hàng triệu năm, đồng thời khí hậu ở Trái Đất cũng sẽ thiếu đi sự cân bằng, như nó đã diễn ra vào 420 triệu năm trước".
Với những dự báo như trên, thật khó để nói chắc rằng môi trường sẽ biến đổi ra sao trong tương lai. Một nghiên cứu được công bố năm 2015 chỉ ra rằng, nếu nhân loại chuyển sang sử năng lượng tái tạo sau khi đã sử dụng hết nhiên liệu hóa thạch còn lại, Nam Cực sẽ tan chảy và mức nước biển có thể dâng cao tới 60m. Đó thật sự là một viễn cảnh mà không ai mong muốn thấy.
*Kỷ Trias: một kỷ nguyên nóng và khô trong lịch sử Trái Đất, khi đó hai cực của hành tinh đều không có băng và những con khủng long đầu tiên xuất hiện.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1758293