Nếu không kết hôn, thì cuộc sống này sẽ thế nào?
Hãy bắt đầu nói từ mốc 30 tuổi của bạn nhé.
32 tuổi, ngày nào bạn cũng vùi mặt trong đống công việc, đi làm về thì ăn đồ ship, tối đến thì xem show, xem phim giải trí. Bạn cảm thấy rất hạnh phúc vì chỉ có một mình, tự do tự tại, không cần chăm con, không cần nấu cơm, thậm chí chẳng cần lo mấy cái khoản cưới xin đau đầu. Chỉ là bố mẹ bạn sẽ càng ngày càng lo lắng, giục giã. Tuy nhiên, chỉ cần bố mẹ không gọi điện dông dài, bạn vẫn thấy ổn. Bạn kiếm được bao nhiêu thì bạn tự tiêu, không cần tranh giành cãi lộn, thích đi đâu thì đi, thích chơi gì thì chơi.
35 tuổi, bạn nghĩ thoáng hơn rồi. Bạn thoải mái đùa giỡn với những chàng trai/ cô gái trẻ, thậm chí là cả những người đã có gia đình. Vì bạn có mác độc thân nên người khác không thể nói bạn thế này thế kia được. Chủ yếu là sẽ có những lúc bạn sẽ cảm thấy khá bức bối, giường không ấm mà lòng cũng chẳng ấm. Trong lúc người khác bận bịu chăm con thì bạn nhàn rỗi vô cùng, trong lúc người khác bàn chuyện trường lớp cho con thì bạn vô thức thu người lại. Bạn không có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực này và người khác cũng chẳng buồn quan tâm đến ý kiến của bạn.
40 tuổi, sức khỏe bạn vẫn khá tốt nhưng dạ dày bạn bắt đầu biểu tình sao bao năm ăn đồ bên ngoài nhiều dầu mỡ. Công việc của bạn vẫn vậy, cuộc sống thì rất tẻ nhạt, nói chung mọi thứ đều bình bình. Bạn đi du lịch một mình nhưng luôn cảm thấy có chút cô đơn, không ai trông hành lý giúp bạn, không ai chia sẻ mọi thứ với bạn. Bạn không muốn về nhà vì bạn chỉ có một mình, trời rất lạnh và ở đâu thì cũng vậy.
56 tuổi, cuộc đời bạn về cơ bản vẫn y như vậy. Lúc này, chỉ có nghỉ hưu mới có thể khiến bạn cảm thấy khác biệt. Bạn có một khoản tiền tiết kiệm và bạn nghĩ giờ mình bắt đầu dưỡng lão được rồi. Ngày qua ngày, mọi thứ lặp đi lặp lại y như nhau, không có cảm giác gì hết.
66 tuổi, bạn trở thành một trong những ông già bà cả thường đi bộ trong công viên. Ban ngày thì ngồi ghế đá tắm nắng, tối đến thì qua quán ăn công cộng mua cơm. Bạn vừa ăn vừa khó chịu vì khó nuốt, bạn bực bội vì sao bao năm rồi mà quán cơm này không khá khẩm hơn. Than thì than vậy nhưng sau đó, bạn cũng chẳng buồn để tâm nữa.
70 tuổi, bạn cảm nhận được cơ thể mình không còn được tốt như trước. Những lúc ốm đau, sự cô đơn của bạn được đẩy lên cùng cực, bạn phải nhịn đau để xếp hàng mua thuốc. Tiền tiết kiệm của bạn cạn đi một cách nhanh chóng và vật giá thì cứ tăng chóng mặt. Bạn từng nghĩ mình có thể sẽ vui hơn sau khi về hưu nhưng số lương hưu ít ỏi không cho phép bạn đi đây đi đó, sức khỏe bạn cũng chẳng dẻo dai như xưa. Ông bạn già hàng xóm của bạn còn phải đi làm bảo vệ chung cư, dẫu ông ta bảo đấy là trải nghiệm cuộc đời. Bạn vất vả mãi mới mặc xong quần áo sau khi thức dậy để rồi chỉ ngồi thất thần trên sofa cả ngày. Nghĩ về chỗ tiền lương còn lại, bạn nghĩ có lẽ mình cần chuẩn bị tinh thần rồi.
80 tuổi, bạn đăng ký để nhân viên xã hội đến thăm mình mỗi ngày. Bạn thậm chí không còn đi nổi đến công viên cách nhà chỉ 500m. Ở nhà thì buồn, TV không có gì để xem, khẩu vị càng ngày càng giảm. Không ai đến gặp bạn và bạn cũng chẳng muốn gặp ai. Bạn không dám chia sẻ với ai bởi sợ cuộc đời mình quá vô vị lại gây phiền phức cho người khác. Bạn dồn hết tiền bạn và muốn giao chúng cho ai đó - một người có thể giúp bạn lo liệu sau này, vì nói chung bạn cũng sợ chẳng may bạn ra đi, sẽ không có chuẩn bị hậu sự cho mình. Tổ chức xã hội cam kết giúp bạn đăng ký nhưng bạn cảm thấy quá qua loa. Bạn nghĩ đến người thân… Thế nhưng, những người không muốn tiền của bạn sẽ không nhận, còn những người muốn tiền của bạn thì bạn lại không an tâm rằng họ có thể coi trọng vấn đề của bạn.
Nó giống như chờ đợi một điều gì đó chắc chắn sẽ đến nhưng không biết rõ thời điểm vậy. Bạn bắt đầu cảm thấy sợ hãi rồi. Bạn thường gặp ác mộng vào ban đêm và thật nhiều ký ức chợt ùa về.
Lúc tỉnh giấc, bạn nghe tiếng mẹ gọi vọng vào từ ngoài cửa: “Dậy ăn cơm, sắp muộn làm rồi kìa! 30 tuổi đầu mà cứ như trẻ con là sao thế nhỉ?”.
Article sourced from GUU.
Original source can be found here: https://guu.vn/neu-ca-doi-nay-khong-ket-hon-thi-se-ra-sao-etSGRV6q0iLn8.html