Nên và không nên làm gì khi bạn bè ly hôn?
Theo tiến sĩ Scheherazade Rastegar của trường Luật Davis, Mỹ, luật sư kiêm hòa giải viên ở Los Angeles chuyên về ly hôn và gia đình, khi bạn bè trải qua giai đoạn trục trặc hôn nhân và ly hôn, có những điều bạn nên lưu tâm.
Đừng đứng về phía nào
Cho dù bạn là bạn của người chồng hay người vợ, cũng đừng chọn phe. Có thể bạn nghĩ việc đứng về phía bạn mình là điều phải làm nhưng trên thực tế, điều đó làm giảm cơ hội hòa giải và có thể cản trở người bạn chịu trách nhiệm về vai trò của họ trong cuộc ly hôn.
Cần tránh đưa ra phán xét. Hãy đối mặt với sự thật là bạn không biết chuyện gì xảy ra trong cuộc hôn nhân ngoài hai người đó. Nếu được hỏi, nên cố gắng chia sẻ thái độ khách quan, trung lập trong quá trình ly hôn của họ.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng ly hôn dù gây đau khổ nhưng không nhất thiết là một bi kịch nên đừng tỏ ra quá thông cảm hay chia sẻ.
Elise Pettus, người sáng lập UNtied.net, Mỹ, một trang web hỗ trợ ly hôn dành cho phụ nữ, cho biết nhiều người đã ly hôn cảm thấy sự sự chia buồn quá mức khiến họ thấy như thể vừa được chẩn đoán mắc bệnh nan y và sẽ ra đi sau vài tháng nữa.
Ảnh minh họa: Canva
Đừng chơi trò "cố vấn"
Bạn có thể mong muốn vì bạn mình nhưng hãy đặt ra giới hạn. Đừng cố gắng giành giải thưởng "Người bạn của năm" bằng cách trả lời các cuộc gọi lúc 3h sáng và nói mọi suy nghĩ của mình. Bạn không phải một chuyên gia, thậm chí có thể chưa trải nghiệm cuộc sống đầy đủ, trọn vẹn, vì vậy đừng chia sẻ như một người đầy hiểu biết về hôn nhân.
Ngay cả khi bạn nghĩ lời khuyên bản thân đưa ra là điều người bạn muốn nghe, đừng chỉ trích đối tác của họ. Đổ lỗi có thể có tác động tiêu cực đến việc củng cố quan điểm của người bạn rằng họ đúng, đối tác sai. Cần lưu ý, bạn không thể đánh giá một cách công bằng điều bạn không liên quan đến, vì vậy hãy dè chừng việc đưa ra phán xét và chỉ nên lắng nghe.
Matt Lundquist, người sáng lập tổ chức Tribeca Therapy, Mỹ cho biết: "Bạn không phải là nhà ngoại cảm, đừng cố gắng ra vẻ mình hiểu họ. Nếu hai người đủ thân thiết, chỉ nên hỏi họ dạo này thế nào, cảm thấy ra sao, muốn chia sẻ gì với bạn hay không?. Nếu họ sẵn sàng, họ có thể sẽ chia sẻ".
Tuyệt đối không "đổ dầu vào lửa"
Nếu hai phía đã không có cơ hội hòa giải và thủ tục ly hôn đang được tiến hành, bạn đừng thúc giục bạn của mình "phải lấy cái này", "cố gắng đạt được điều khoản kia".
Bạn cũng tránh đặt ra những câu hỏi gây hiềm khích như "Họ đã lừa dối à?", "Trông hai người từng rất hạnh phúc cơ mà?", "Chuyện tiền nong à?", "Tôi đã nói rồi, tại vì không nghe tôi". Điều quan trọng đối với bạn có thể không mang lại lợi ích tốt nhất cho người bạn lẫn con cái họ về lâu dài, vì vậy với tất cả sự tôn trọng, không nên "đổ dầu vào lửa".
Nếu người bạn quyết định từ bỏ những điều anh ấy (cô ấy) có quyền hợp pháp vì mong muốn kết thúc cuộc ly hôn trong hòa bình, đừng bất bình rồi xúi giục họ. Khi bạn cảm thấy mối quan ngại của mình là chính đáng, nên động viên người bạn tìm tới luật sư để có được lời tư vấn phù hợp nhất.
Đừng nói thay luật sư
Mặc dù muốn khuyên bạn mình về các khía cạnh pháp lý của việc ly hôn nhưng hãy tránh đóng vai luật sư. Việc cung cấp lời khuyên pháp lý dựa trên những đoạn câu chuyện bạn nghe được có thể không đúng luật, thậm chí gây rắc rối. Các quyết định được đưa ra trong quá trình ly hôn có thể ảnh hưởng đến tình hình tài chính của người bạn trong nhiều năm tới, vì vậy nên tránh đóng vai luật sư và khuyến khích bạn bè tham khảo ý kiến của các đơn vị có thẩm quyền.
Khi bạn tránh những sai lầm này, về lâu dài, bạn có thể nhận được sự tôn trọng lớn từ người bạn. Cách ứng xử của bạn thậm chí giúp ích cho người bạn về lâu dài, đồng thời giúp bản thân không rơi vào tình huống khó xử trong tương lai.
Bạn đang tìm dịch vụ về Luật sư - Trạng sư?
chuyên về luật thương mại, luật gia đình, luật bất động sản
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/dieu-khong-nen-lam-khi-ban-be-ly-hon-4761635.html