Nền kinh tế của Úc đang ở ngã ba đường

12:32' 28-09-2020
Thời gian đã thay đổi tình hình một cách nhanh chóng. Kể từ sau khi The Economist xuất bản những lời ngợi khen, tăng trưởng GDP hàng năm của Australia hiện đã giảm từ 2,1% xuống -6,2%.

Bên ngoài trụ sở Ngân hàng dự trữ Australia tại Sydney. Ảnh: THX/TTXVN

Nền kinh tế của Australia đang ở ngã ba đường. Việc phục hồi nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào quyết định của các chính trị gia Australia. “Nền kinh tế thành công nhất trong thế giới giàu có” là cách mà tạp chí kinh tế The Economist mô tả nền kinh tế Australia thời điểm cuối năm 2018.

Thời gian đã thay đổi tình hình một cách nhanh chóng. Kể từ sau khi The Economist xuất bản những lời ngợi khen, tăng trưởng GDP hàng năm của Australia hiện đã giảm từ 2,1% xuống -6,2%. Lạm phát giảm từ 1,7% xuống ‑0,4%.

Tăng trưởng đầu tư đi ngược từ khoảng 0% đến -5,5%. Con số duy nhất tăng lên là tỷ lệ thất nghiệp, từ 5% lên 6,8%, trước khi có thể đạt mức 10% vào cuối năm theo dự báo của chính quyền Australia đồng nghĩa với hàng triệu người sẽ thiếu việc làm.

Bài viết của tác giả Adam Triggs từ trường Đại học Quốc gia Australia (ANU) đăng trên trang của Viện Quan hệ Quốc tế Australia (AIIA) đã phân tích những lựa chọn có thể quyết định tương lai kinh tế Australia hậu COVID-19.

Đại dịch COVID-19 đã có tác động lớn đến nền kinh tế Australia, nhưng thật sự thì nền kinh tế Australia đã gặp khó khăn từ trước khi đại dịch xảy ra. Tăng trưởng sản xuất đi ngang, mức tăng lương và đầu tư đình trệ, tăng trưởng GDP thấp hơn mức trung bình, lạm phát liên tục dưới mục tiêu.

Những cải cách kinh tế táo bạo như trong quá khứ của Australia đã không còn xuất hiện. Các chính trị gia của Australia hiện không cho thấy có khả năng phát triển các chính sách dài hạn và chặt chẽ để giải quyết vô số thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt, từ biến đổi khí hậu và chính sách năng lượng đến suy giảm năng suất, mức sống trì trệ và gia tăng bất bình đẳng.

Australia sẽ phản ứng thế nào với suy thoái kinh tế? Thật khó để dự đoán. Hơn một nửa người dân ở độ tuổi trưởng thành không được sinh ra hoặc là sinh sống tại Australia từ nhỏ khi Australia trải qua cuộc suy thoái cuối cùng.

Câu hỏi quan trọng là mất bao lâu để tỷ lệ thất nghiệp giảm và nền kinh tế trở lại bình thường. Hơn bao giờ hết, câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ phụ thuộc vào quyết định của các nhà hoạch định chính sách Australia với 5 vấn đề nổi bật.
Đầu tiên là vấn đề sức khỏe. Sự phục hồi kinh tế của Australia phụ thuộc vào khả năng loại bỏ hoặc ngăn chặn dịch bệnh ở mức có thể kiểm soát được cho đến khi vắc-xin được phổ biến rộng rãi. Tuyên bố rằng nền kinh tế của Australia sẽ hoạt động tốt nếu không có các biện pháp đóng cửa của chính phủ là sai.

Thụy Điển về cơ bản không phong tỏa, đóng cửa chặt như Australia. Hệ quả là, Thụy Điển không chỉ có số người tử vong bình quân cao gấp 24 lần Australia, mà còn phải chịu sự suy giảm kinh tế lớn hơn: -7,7% trong nửa năm đầu 2020, so với mức ‑6,2% của Australia.

Tình hình sức khỏe người dân và kinh tế có mối liên hệ mật thiết với nhau. Giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế của Australia có nghĩa là phải giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay trước tiên.

Vấn đề thứ hai là yếu tố mở cửa. 1/5 GDP hàng năm của Australia đến từ xuất khẩu. Hơn 4.000 tỷ USD vốn cổ phần của Australia đến từ các khoản đầu tư nước ngoài. 2/3 sự gia tăng dân số của Australia - vốn đã thúc đẩy tăng trưởng GDP trong những năm gần đây - lại đến từ số người nhập cư hàng năm. Bức tranh tổng thể đã rõ ràng hơn.

Hơn 70% sản phẩm nông nghiệp của Australia được xuất khẩu. Hơn 80% tài nguyên khai thác cũng được xuất khẩu và hơn 50% khách du lịch đến từ nước ngoài. Bên cạnh đó là lượng lớn sinh viên quốc tế  học tập tại Australia, ngành xuất khẩu lớn thứ ba của Australia.

Đã có những lời kêu gọi Australia giảm bớt sự cởi mở đối với thương mại, đầu tư và con người, đặc biệt là đối với Trung Quốc, song điều này có thể sẽ là sai lầm lớn.

Những lời kêu gọi này đã bỏ qua chi phí khủng khiếp đối với mức sống của người dân Australia, sẽ khiến ngành công nghiệp Australia rơi vào khủng hoảng, dẫn đến rất nhiều người dân mất việc và nguy cơ vỡ nợ.

Bên cạnh đó, điều này sẽ bỏ qua vai trò của hội nhập quốc tế trong việc thúc đẩy hòa bình và hợp tác giữa các quốc gia và bỏ qua vai trò linh hoạt của thị trường, tỷ giá hối đoái và các thể chế trong nước của Australia trong việc bảo vệ Australia khỏi những "cú sốc" quốc tế. Sự thịnh vượng trong tương lai của Australia phụ thuộc không nhỏ vào khả năng mở cửa trở lại khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Thứ ba là chính sách tài khóa. Biên giới quốc gia và giữa các bang bị đóng cửa, các cuộc đình công trong nước, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và đầu tư thu hẹp đòi hỏi chính phủ cần phải hành động nhiều hơn. Thủ tướng Scott Morrison và thủ hiến các bang đã thể hiện sự sẵn sàng làm những gì cần phải làm.

Tổng nợ đã tăng mạnh từ 28% GDP trong giai đoạn 2018-2019 lên mức dự báo 45% GDP vào tháng 7/2021. Điều này hoàn toàn phù hợp và cần thiết để bảo vệ người dân Australia khỏi những hậu quả tàn khốc của suy thoái kéo dài.

Câu hỏi là điều gì xảy ra tiếp theo. Việc chấm dứt trước thời hạn các chính sách hỗ trợ việc làm và thu nhập như JobKeeper và JobSeeker cùng việc không thực hiện kích thích tài khóa trung hạn sẽ đồng nghĩa với việc kéo dài khoảng thời gian với tỷ lệ thất nghiệp cao và kinh tế suy yếu. Về cơ bản, Australia không có vấn đề về nợ.

Lĩnh vực chính sách thứ tư là chính sách tiền tệ. Thống đốc ngân hàng trung ương Australia đang sắp kết thúc nhiệm kỳ mà chưa một lần đạt được mục tiêu lạm phát trong suốt nhiệm kỳ. Chương trình nới lỏng định lượng của Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA tức ngân hàng trung ương) đã tập trung vào việc mua trái phiếu chính phủ có thời hạn ba năm.

Du khách thăm quan cảng Darling ở Sydney, Australia ngày 17/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Điều này có thể mở rộng các chương trình bao gồm trái phiếu chính phủ với các kỳ hạn khác nhau hoặc làm theo những gì các nước khác đã làm và mua các tài sản dài hạn khác, bao gồm trái phiếu và cổ phiếu của công ty. Ở cực điểm, RBA có thể tài trợ trực tiếp cho chi tiêu của chính phủ. Tất cả các chính sách này đều có nhược điểm.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Australia không đầy đủ so với thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở các quốc gia có nền kinh tế tương đương. Mua cổ phiếu rủi ro khi RBA chọn người chiến thắng trong khi tài trợ trực tiếp cho chi tiêu của chính phủ thường được dành cho trường hợp chính phủ thiếu không gian tài chính hoặc phải đối mặt với chi phí đi vay cắt cổ, cả hai điều này đều không đúng với Australia.

Nhưng những lời chỉ trích này bỏ qua cái giá phải trả của việc không hành động. Sự do dự của RBA không phải là những chính sách này sẽ không hiệu quả mà là những chính sách như vậy không thoải mái về mặt thể chế, làm mờ ranh giới giữa RBA, thị trường tư nhân và chính phủ.

Mặc dù việc rút lại chính sách tài khóa sớm và không đủ kích thích tiền tệ sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế, nhưng cũng không mang lại sự tăng trưởng bền vững và lâu dài mà Australia cần. Đây là lý do tại sao lĩnh vực thứ năm là cải cách cơ cấu - sửa chữa hệ thống thuế và phúc lợi, trấn áp các-ten và độc quyền thông qua cải cách cạnh tranh, cải cách quan hệ công nghiệp và tự do hóa thương mại.

Australia cần những nguồn tăng trưởng mới, đặc biệt là do sự yếu kém về năng suất, tiền lương và đầu tư trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Đề xuất cắt giảm thuế của chính phủ thiếu tham vọng và là một hình thức kích thích kém. Những đề xuất đó nhắm mục tiêu đến những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi COVID-19.

Chúng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, phần lớn là tiết kiệm không được chi tiêu, và sẽ làm trầm trọng thêm các thách thức tăng trưởng thấp, lạm phát thấp và đầu tư thấp đang gây ra cho nền kinh tế. Kết hợp chúng với những cải cách cơ cấu đầy tham vọng là cơ hội để làm cho những cải cách khó khăn trở nên dễ chịu hơn đối với người dân Australia. Không làm như vậy là sẽ bỏ lỡ một cơ hội.

Tóm lại, những gì xảy ra tiếp theo đối với nền kinh tế Australia sẽ phụ thuộc vào các quyết định của các nhà hoạch định chính sách trong từng lĩnh vực.

Nếu chính phủ chọn một Australia khép kín hơn và một Australia chống Trung Quốc hơn và chọn rút lại kích thích trong một nỗ lực sai lầm nhằm giảm nợ và thâm hụt, hay né tránh thực hiện cải cách khi RBA "lảng tránh" trách nhiệm trong việc đẩy lạm phát lên, thì triển vọng sẽ là thảm khốc.

Tỷ lệ thất nghiệp cao kéo dài và mức sống trì trệ đang chờ đợi. Nhưng nếu chính phủ xây dựng dựa trên sự cởi mở quốc tế đã tạo nền tảng cho sự thịnh vượng của Australia, gắn bó sâu sắc hơn với châu Á, quản lý tốt hơn mối quan hệ với Trung Quốc, duy trì chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp giảm trong khi thực hiện các cải cách táo bạo để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn, thì Australia sẽ một lần nữa trở thành “nền kinh tế thần kỳ”.

Lịch sử đã nhiều lần cho thấy rằng các cực đoan kinh tế, nếu để lâu dần, sẽ trở thành cực đoan chính trị. Sẽ không có nhiều thời gian để lãng phí./.

 
 

 

 

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from BNEWS.

Original source can be found here: https://bnews.vn/cac-lua-chon-se-quyet-dinh-su-phuc-hoi-kinh-te-cua-australia/170719.html