Nên hay không cho con cái biết điều kiện kinh tế của gia đình?
Bà mẹ trẻ ở Trung Quốc chia sẻ cách cô lớn lên trong gia đình không có sự giấu giếm đối với chuyện tiền bạc và cũng dùng tư duy này để dạy dỗ con gái của mình.
Tôi nhớ bắt đầu từ lớp 5, khi mẹ được “trả lương” hàng tháng, bà đều đặt tiền lên bàn và viết vào tờ giấy: Tiền cơm ×× NDT, tiền điện nước ×× NDT, tiết kiệm ×× NDT… Nếu còn dư, mẹ sẽ cho tôi một ít, nếu không, bà nói với tôi rằng: “Hết tiền rồi, tháng này không có tiền tiêu vặt của con đâu”.
Tôi không bao giờ đưa ra những yêu cầu vô lý. Đôi khi nếu thực sự muốn mua thứ gì đó, tôi sẽ bàn bạc với mẹ. Mẹ sẽ lấy mảnh giấy ra và làm một số phép tính, nếu có thể lấy được một ít từ những khoản chi nào đó, mẹ sẽ cho tôi mua, còn không thì chờ lần sau.
Tôi ngưỡng mộ khi các bạn cùng lớp có đồ ăn ngon và đồ chơi hay ho, nhưng tôi không nghĩ mình phải có nó, vì tôi biết mẹ kiếm tiền không dễ dàng và cũng hiểu điều kiện gia đình mình đến đâu. Thậm chí tôi còn nắm hết được mỗi tháng gia đình chi ra bao nhiêu, tiết kiệm được bao nhiêu. Mẹ tôi từ lâu đã nói rằng số tiền tiết kiệm được chỉ dùng khi có chuyện lớn xảy ra, chứ không phải để tôi tiêu xài hoang phí.
Sau này, thu nhập của mẹ tăng lên, gia đình dần khá giả hơn, mẹ cũng cho tôi thêm tiền tiêu vặt, bà nói: “Nuôi con không thành vấn đề, chu cấp cho con ăn học cũng không thành vấn đề. Con chỉ cần chuyên tâm học hành, nhưng chuyện lãng phí tiền bạc vẫn không nên xảy ra trong gia đình chúng ta”.
Tôi tập trung học tập và tận hưởng cuộc sống của một nữ sinh bình thường, luôn rất ý thức về tiền bạc, không tiêu tiền tùy tiện, cũng không phải keo kiệt bủn xỉn.
Một lần nghỉ học về quê, mang theo chiếc ba lô mới, không có nhãn hiệu, giá khoảng 300 NDT (hơn 1 triệu đồng), mẹ hỏi tiền đâu mà mua, tôi nói tiết kiệm từ chi phí sinh hoạt. Mẹ nói: "Con muốn gì thì nói với mẹ, mẹ sẽ mua cho con nếu có thể. Đừng tiết kiệm tiền mua đồ ăn uống hàng ngày, mẹ có thể nuôi con được mà".
Sau này, mẹ kinh doanh phát đạt, tôi cũng bắt đầu đi làm. Bà luôn nói cho tôi biết bản thân sở hữu tài sản bao nhiêu. Nghèo, mẹ không giấu. Giàu, mẹ cũng chẳng thèm giấu giếm tôi về tình hình kinh tế. Song không vì thế mà bà cho phép tôi cảm thấy tự ti về cuộc sống, cũng không khiến tôi trở nên phù phiếm hão huyền vì điều kiện gia đình phất lên sau này.
Nghĩ lại cũng đúng, nếu mẹ không chia sẻ với tôi nhiều thứ, thì làm sao tôi đồng cam cộng khổ với mẹ?
Hiện tại tôi đã có gia đình và một con gái. Khi con học mẫu giáo, tôi đã nói với con rằng nhà mình có bao nhiêu tiền và giúp con quy đổi thành bao nhiêu phần gà KFC có thể mua được. Sau đó, tôi dần nói cho con biết những con số cụ thể hơn, như gia đình chi tiêu bao nhiêu tiền mỗi tháng, tiêu vào đâu và tôi phải làm bao nhiêu việc để có được số tiền này.
5 tuổi, con và tôi ăn mì ở tiệm gần nhà, ông chủ nói giá một tô là 12 NDT (hơn 41.000 đồng), con nói: "Sao đắt thế ạ? Mì cháu ăn hôm qua chỉ có 8 NDT (hơn 27.000 đồng thôi". Chủ quán nghe vậy cười rộ lên, nói với bé rằng ở đây bán mì thịt bò nên phải đắt hơn một chút.
Con bé tự giữ hết tiền mừng tuổi, cất vào ngăn bàn. Năm nay tôi đếm thì phát hiện đã lên tới hơn 5.000 NDT (hơn 17 triệu đồng). Tôi dẫn con đến ngân hàng mở tài khoản tiết kiệm, lấy mật khẩu là ngày sinh nhật của con, nói cho con hiểu tác dụng của thẻ ngân hàng và bảo con phải nhớ mật khẩu. Cũng may mắn rằng con cũng háo hức làm theo lời tôi.
Con bé nói muốn tiết kiệm tiền để học đại học, tôi nói sẽ trả tiền học đại học. Con bé nói lớn lên muốn mua một chiếc máy tính, tôi nói khi nào con vào đại học sẽ mua cho. Con bé nói lớn lên muốn mua nhà, chuyện này tôi không giúp được, nhà tôi là của tôi, con phải tự mua nhà cho mình.
Dường như con rất thích kiếm tiền từ nhỏ. Rửa bát một lần kiếm được 5 NDT (hơn 17.000 đồng). Chăm chỉ kiếm tiền từ việc lặt vặt nhưng con bé rất hào phóng với bạn bè và bản thân. Con sẽ mua cho bạn kẹo khi đi siêu thị với tôi, cũng tự lấy tiền mình để mua kem, đôi khi còn mua luôn cho tôi.
Có hôm tôi nói mệt quá không muốn làm gì, con liền chạy về phòng lấy thẻ tiết kiệm đưa cho tôi, bảo tôi hãy nghỉ ngơi, dùng tiền trong thẻ mà mua thuốc. Nghe lời con nói, tôi đã rơi nước mắt.
Tôi nghĩ tình hình kinh tế của một gia đình thực ra có liên quan đến mọi người, mỗi thành viên trong gia đình đều có quyền được biết. Nhiều ông bố bà mẹ thường che giấu sự nghèo khó của gia đình và muốn con mình yên tâm, nhưng giấy không gói được lửa, trừ khi họ có thể nhanh chóng thoát nghèo và trở nên giàu có.
Đừng cho rằng mọi thứ sẽ diễn ra như bạn mong đợi. Đừng đánh giá quá cao bản thân và đừng đánh giá thấp con cái của bạn.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: https://kenh14.vn/co-nen-cho-con-cai-biet-dieu-kien-kinh-te-cua-gia-dinh-chia-se-cua-mot-ba-me-tre-khien-nhieu-bac-phu-huynh-phai-suy-ngam-20240222210619678.chn