Năng lượng hạt nhân dưới góc nhìn của giới chuyên gia
Nhà máy điện hạt nhân Isar ở Essenbach, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước đây, nguồn than giá rẻ dồi dào của Australia đã khiến nước này không cần đến năng lượng hạt nhân và cũng không thực sự có nhu cầu đưa loại năng lượng này vào “tổ hợp năng lượng đa dạng” của mình. Tuy nhiên, đội tàu chạy bằng than cũ kỹ của Australia sắp “nghỉ hưu” và cần được thay thế bằng một đội tàu chạy bằng những nguồn năng lượng mới vào giữa những năm 2030. Điều này diễn ra đồng thời với thực tế là mức tiêu thụ điện của Australia dự kiến sẽ tăng do điện khí hóa, việc sử dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng tăng, dân số tăng và hoạt động sản xuất hydro khởi sắc.
Australia đang phải vật lộn tìm giải pháp thay thế hệ thống phát điện chạy bằng than bằng những loại năng lượng tái tạo ổn định khác, sau đó là các khoản đầu tư truyền tải để hỗ trợ thế hệ năng lượng mới đó và duy trì hệ thống điện hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo ổn định. Trên hết, áp lực về chi phí sinh hoạt đối với người dân Australia khiến bất kỳ mức tăng đáng kể nào về chi phí điện đều trở thành vấn đề chính trị nhạy cảm.
Trong bối cảnh đó, vấn đề năng lượng hạt nhân đã được đề cập và thảo luận sâu rộng tại Australia. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này đã phân tích và bình luận về những mặt tích cực của năng lượng hạt nhân.
Trang tin “news.com.au” dẫn bình luận của Giáo sư Andrew Whittaker, nhà tư vấn về triển khai hạt nhân tại Mỹ và là Giáo sư danh dự về Kỹ thuật Xây dựng, Kết cấu và Môi trường tại Đại học Buffalo (Mỹ), cho rằng Australia có thể xây dựng lò phản ứng hạt nhân trong vòng 12 năm vì nước này có một cơ quan quản lý hạt nhân và một lò phản ứng nghiên cứu đang hoạt động.
Về phần mình, Tiến sĩ Sarah Lawley, một nhà vật lý với nhiều thập kỷ kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng cho rằng năng lượng tái tạo không đáp ứng được yêu cầu và Australia không thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 nếu không có năng lượng hạt nhân. Theo Tiến sĩ Lawley, các lựa chọn chính mà Australia có thể thực hiện để hỗ trợ lưới điện là các nhà máy điện hạt nhân, nhà máy điện chạy bằng than và khí đốt và thủy điện. Về chi phí, Tiến sĩ Lawley cho rằng hạt nhân sẽ chứng minh là một khoản đầu tư tốt. Về vấn đề khử carbon, Tiến sĩ Lawley cho rằng Australia sẽ không đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 nếu không có năng lượng hạt nhân.
Bà Clare Savage - Chủ tịch Cơ quan quản lý năng lượng Australia (AER) cũng đồng tình với ý kiến cho rằng "hạt nhân có thể đóng vai trò quan trọng" trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của Australia, dù sẽ mất nhiều thời gian bởi thủ tục hành chính liên quan đến việc đưa hạt nhân vào hoạt động có thể mất từ "8-10 năm để có được khuôn khổ quản lý". Bà cho biết công việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân sẽ không thể bắt đầu cho đến khi khuôn khổ đó được đưa vào áp dụng.
Trong khi đó, hãng tin “ABC News” dẫn lời Tiến sĩ Alan Finkel – nhà khoa học kỳ cựu của Australia – cho rằng xét về mặt kỹ thuật, năng lượng hạt nhân là một loại năng lượng tuyệt vời và con người nên cởi mở với công nghệ hạt nhân. Mặc dù thừa nhận rằng việc tạo ra năng lượng hạt nhân không phải là dễ và mất khá nhiều thời gian, song Tiến sĩ Finkel cho rằng Australia không nên loại trừ năng lượng hạt nhân vì nó có lợi ích lâu dài.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trang tin “openforum.com.au” dẫn lời ông Tony Irwin - Phó Giáo sư danh dự tại Đại học Quốc gia Australia, Giám đốc phụ trách kỹ thuật của công ty SMR Nuclear Technology Pty Ltd và là Chủ tịch Hội đồng Kỹ thuật Hạt nhân Phân khu Australia Sydney - bày tỏ hoan nghênh việc xây dựng kế hoạch cho “tổ hợp năng lượng” phát thải thấp đa dạng mà không bị phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Việc thay thế các nhà máy điện chạy bằng than bằng các nhà máy điện hạt nhân, sử dụng hệ thống truyền tải và nước làm mát hiện có sẽ là điều hợp lý, mang lại việc làm với mức lương cao cũng như lợi ích kinh tế lớn cho khu vực.
Trong khi đó, Phó Giáo sư Tony Hooker, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục và Đổi mới Bức xạ (CRREI) tại Đại học Adelaide (Australia), lập luận rằng công nghệ hạt nhân được sử dụng trên khắp thế giới, với nhiều quốc gia đang tăng cường đầu tư vào loại năng lượng sạch, an toàn và đáng tin cậy sẵn có. Theo ông, hạt nhân có một vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng tương lai của Australia cùng với năng lượng tái tạo, còn khí đốt vẫn sẽ là nguồn năng lượng quan trọng trong thời gian tạm thời khi Australia chuyển đổi sang năng lượng hạt nhân.
Phó Giáo sư Tony Hooker cho rằng năng lượng hạt nhân không phải là vấn đề mới đối với Australia và quốc gia này đã quản lý an toàn 3 lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân kể từ năm 1958 mà không xảy ra sự cố lớn nào. Việc đặt các lò phản ứng ở cùng vị trí bên cạnh các nhà máy điện than hiện có là lý tưởng vì nó sẽ giảm chi phí truyền tải và cung cấp lực lượng lao động sẵn có với các kỹ năng có thể chuyển giao.
Mặc dù vậy, ông thừa nhận rằng điểm yếu chính của Australia trong việc hướng tới hạt nhân là thiếu lực lượng lao động được đào tạo gồm các chuyên gia an toàn và kỹ thuật hạt nhân. Tuy nhiên, đây là vấn đề Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục và Đổi mới Bức xạ của Australia đã cam kết sẽ giải quyết.
Về phần mình, Tiến sĩ Jeremy (Jing) Qiu, giảng viên cao cấp về kỹ thuật điện tại Trường Kỹ thuật Điện và Máy tính tại Đại học Sydney cho rằng khi giải quyết sự phức tạp của quá trình chuyển đổi năng lượng carbon thấp, bắt buộc phải khám phá các nguồn năng lượng đa dạng giúp củng cố sự độc lập về năng lượng và an ninh. Các đề xuất về việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Australia thể hiện một bước đi chiến lược nhằm đạt được những mục tiêu này. Năng lượng hạt nhân cung cấp một lựa chọn năng lượng cơ bản, đáng tin cậy, bổ sung cho năng lượng tái tạo và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Bằng cách bố trí các nhà máy này một cách chiến lược, Australia có thể đảm bảo cơ sở hạ tầng năng lượng mạnh mẽ và linh hoạt, ít bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn nguồn cung.
Ngoài ra, theo Tiến sĩ Qiu, việc tích hợp năng lượng hạt nhân vào “tổ hợp năng lượng” sẽ nâng cao khả năng đáp ứng các mục tiêu phát thải trong khi vẫn duy trì sự ổn định của lưới điện. Tuy nhiên, ông cho rằng điều quan trọng là phải lập kế hoạch tỉ mỉ, kết hợp các biện pháp an toàn toàn diện và khung pháp lý nghiêm ngặt.
Bằng cách sử dụng năng lượng hạt nhân cùng với năng lượng tái tạo, Australia có thể tạo ra con đường hướng tới một tương lai năng lượng bền vững, an toàn và độc lập./.
Article sourced from BNEWS.
Original source can be found here: https://bnews.vn/nang-luong-hat-nhan-duoi-goc-nhin-cua-gioi-chuyen-gia-australia/355901.html