Năm tổ hợp pháo binh “khủng khiếp” nhất của quân đội Nga

18:52' 20-09-2017
Bộ Quốc phòng Nga vừa đặt hàng lô pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV đầu tiên. Nhà quan sát quân sự Nga Andrei Kotz cho rằng, đây là thời điểm phù hợp để cùng điểm lại những tổ hợp pháo binh uy lực nhất mà Lực lượng Vũ trang Nga đang sử dụng.


Tổ hợp 2S7 Pion.

Quân đội Nga sẽ nhận đợt pháo tự hành Koalitsiya-SV đầu tiên vào năm 2020.

Với 16 lần bắn mỗi phút, pháo cỡ nòng 152,4mm có gắn định vị toàn cầu GLONASS và tầm bắn lên tới 70km, Koalitsiya-SV sẽ thay thế pháo tự hành 152,4mm Msta, một tổ hợp ấn tượng khác mà quân đội Nga đang sở hữu.

Trước khi chính thức biên chế pháo tự hành Koalitsiya-SV, nhà quan sát quân sự nổi tiếng người Nga Andrei Kotz đã quyết định liệt kê danh sách gồm 5 tổ hợp pháo binh “khủng khiếp” nhất của quân đội Nga.

Pion và Malka: Uy lực số 1 thế giới

Xuất hiện đầu tiên trong danh sách là tổ hợp pháo tự hành Pion (định danh NATO: M-1975). Pion là tổ hợp pháo binh cỡ nòng lớn, có uy lực số 1 thế giới, được phát triển từ thời Chiến tranh Lạnh.

Trong những năm 1970 và 1980, cả Liên Xô và Mỹ đều muốn tìm kiếm một phương thức hiệu quả nhằm tấn công đông đảo quân đội của kẻ thù ở khoảng cách ngắn với vũ khí hạt nhân chiến thuật năng suất thấp.

Thứ vũ khí mà Nga lựa chọn để phù hợp với mục tiêu đó chính là pháo tự hành 2S7 Pion 203mm cùng phiên bản cải tiến 2S7M Malka.

2S7M Malka.

Cùng với khả năng bắn đầu đạn hạt nhân, các kỹ sư quốc phòng Nga cũng chế tạo nhiều loại đạn thông thường để trang bị cho tổ hợp này như đạn nổ cháy mạnh ZFO35 110kg với tầm bắn tới 50km.

Nói cách khác, về khả năng tác chiến, pháo 2S7 giống như những loại pháo chính trên các thiết giáp hạm thời chiến tranh Thế giới thứ 2.

“Tuy nhiên, sức mạnh cùng tầm bắn của tổ hợp này không chỉ mang lại những lợi thế mà chúng cũng tiềm ẩn nhiều hạn chế”, nhà quan sát nói.

Ở Nga, tốc độ bắn và số lượng đạn mang theo cũng là yếu tố để đánh giá sức mạnh của một tổ hợp pháo. Về khía cạnh này, pháo 2S7 Pion và 2S7M Malka lại tỏ ra khá hạn chế khi chỉ mang được lần lượt 4, 8 đạn trong những hộp chứa tiêu chuẩn.

Hiện tại, quân đội Nga vẫn duy trì khoảng 300 tổ hợp pháo hạng nặng này.

Cối tự hành Tyulpan: Chiến binh không "về hưu"

Cối tự hành 2S4 Tyulpan (Tulip) (định danh NATO: M-1975), lần đầu tiên được đưa vào biên chế là thời Xô viết, trong những năm 1970. Theo Kotz, chúng vẫn mang một sức mạnh khủng khiếp khiến Nga chưa thể đưa “về hưu”.

Sức mạnh của Tyulpan chính là đạn cỡ 240mm. Tổ hợp này được trang bị nhiều loại đạn gồm đạn nổ phá mạnh, nổ định tầm, đạn chùm và đạn tự dẫn. Thời Liên Xô, nó thậm chí còn được trang bị đầu đạn hạt nhân.

Tổ hợp pháo này giúp phá hủy các mục tiêu của đối phương bị che khuất và nằm sâu trong những tuyến phòng thủ. Hơn nữa, nó có thể tấn công từ một vị trí khép kín nên khó bị phát hiện hơn.

Thời chiến tranh Afghanistan, Tyulpan còn được trang bị đạn nối tầm dùng động cơ tên lửa.

Khả năng di chuyển cao cho phép nó đi qua những địa hình gồ ghề tương đương với các thiết bị bọc thép khác, trong khi pháo có khả năng phá hủy những mục tiêu nằm ở bên kia triền núi, ẩn nấp trong hang động và vị trí hiểm trở khó tiếp cận, chuyên gia Kotz cho hay.

Cối tự hành Vena: Bắn trúng mục tiêu sau 20 giây tính toán

Tổ hợp cối tự hành 2S31 Vena (Vein) là dòng vũ khí mới nhất trong danh sách này, bắt đầu được đưa vào biên chế chỉ từ năm 2010. Chuyên gia Kotz lưu ý, nó được phát triển sau chiến tranh Afghanistan, nơi cối tự hành S29 Nona đã chiến đấu và chứng tỏ sức mạnh.

Cối tự hành 2S31 Vena.

Dựa trên những kinh nghiệm đó, bộ Quốc phòng Nga quyết định sản xuất một dòng vũ khí tương tự cho lục quân Nga và cối tự hành Vena ra đời.

Ngoài khung gầm, điểm khác biệt cơ bản của tổ hợp Vena chính là tốc độ tự động hóa cao của nó.

“Mỗi tổ hợp được trang bị một hệ thống súng máy giúp xử lý các dữ liệu trong quá trình tấn công. Thông tin dữ liệu được hiển thị trên màn hình của xe chỉ huy.

Máy tính có khả năng lưu trữ thông tin của khoảng 30 đối tượng và chỉ huy chỉ cần lựa chọn các đối tượng cần tấn công, hệ thống sẽ tự động khai hỏa.

Trong trường hợp mục tiêu mới xuất hiện đột ngột, Vena sẵn sàng bắn trúng mục tiêu chỉ sau 20 giây tính toán”, chuyên gia lý giải.

Sự kết hợp của tổ hợp cối 120mm có khả năng bắn bất kỳ loại đạn nào trên khung gầm xe bọc thép hạng nhẹ đã khiến Vena có sức hút đối với thị trường xuất khẩu vũ khí.

Pháo phản lực BM-30 Smerch: Sức mạnh hủy diệt như vũ khí hạt nhân

Tổ hợp BM-30 Smerch.

BM-30 Smerch được đánh giá là một trong những tổ hợp pháo phản lực có sức mạnh đáng gờm nhất trên thế giới hiện nay. Lần đầu được ra mắt vào năm 1987, “hệ thống được trang bị 12 đạn phản lực 300mm với 250kg đạn chùm, nổ phá mảnh và nhiệt áp”.

Smerch có khả năng tấn công diện rộng tới 70 hecta từ khoảng cách 20-70km. Các chuyên gia từng đánh giá rằng nếu 6 giàn phóng Smerch cùng lúc khai hỏa thì mục tiêu sẽ bị phá hủy không khác gì bị tàn phá bởi đầu đạn hạt nhân, ông Kotz đánh giá.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from XALUAN.

Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1901983