Mỹ sẽ đối phó như thế nào, nếu Triều Tiên kích nổ một quả bom hạt nhân?
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cảnh báo Triều Tiên sẵn sàng tấn công phủ đầu không thương tiếc nếu Mỹ có dấu hiệu chuẩn bị tấn công quân sự vào vào Bình Nhưỡng. (Ảnh minh họa: Reuters)
Tình hình bán đảo Triều Tiên những ngày gần đây có xu hướng "nóng" lên với các cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Triều Tiên khi các bên dọa hủy diệt lẫn nhau.
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm qua 24/9 cảnh báo, Triều Tiên sẵn sàng tiến hành một cuộc “tấn công phủ đầu không thương tiếc” nếu phát hiện cứ tín hiệu nào cho thấy Mỹ chuẩn bị tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên.
Một ngày trước đó, ông Ri cũng cảnh báo, Triều Tiên có thể sẽ thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương sau khi vừa phóng một tên lửa qua Nhật Bản.
Các nhà quan sát cho rằng, những lời cảnh báo này của Bình Nhưỡng là khá bất thường khi bắt đầu đề cập đến phương án tấn công phủ đầu. "Tín hiệu này rất đáng lo ngại", ông Gordon Chang, chuyên gia phân tích về châu Á, nhận định với Forbes.
Trong bối cảnh đó, không ít người đặt ra câu hỏi, Mỹ sẽ ứng phó thế nào với một cuộc tấn công hạt nhân. Mạng tin CETUS News đã đăng tải một bài viết chi tiết về quy trình ứng phó này.
Quy trình đáp trả chỉ mất 45-50 phút
Một sĩ quan Mỹ mang theo vali hạt nhân luôn đi cạnh Tổng thống Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Theo CETUS News, việc kích hoạt một cuộc đáp trả băng hạt nhân không đơn thuần là đặt tay vào một nút bấm hạt nhân. Thay vào đó, đây là một quá trình gồm nhiều lớp trước khi 42 cặp sĩ quan vận hành hệ thống tên lửa trên mặt đất của Mỹ ở nhiều vị trí khác nhau nhấn vào nút kích hoạt đáp trả.
Nếu Tổng thống Mỹ muốn phóng toàn bộ 420 đầu đạn hạt nhân trên mặt đất cùng với khoảng 1.000 tên lửa trên 10 tàu ngầm hạt nhân, sức công phá của nó sẽ tương tương khoảng 30.000 quả bom nguyên tử mà quân đội Mỹ đã thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản.
Bruce G. Blair, một cựu sĩ quan phụ trách hệ thống phóng tên lửa Minuteman và hiện là học giả nghiên cứu tại Đại học Princeton, cho biết quá trình này kéo dài khoảng 45-50 phút.
Cụ thể, nếu Bộ Chỉ huy phòng không Bắc Mỹ ở Colorado Springs qua radar hay vệ tinh phát hiện dấu hiệu của một cuộc tấn công hạt nhân, họ sẽ lập tức thông báo cho Lầu Năm Góc. Quá trình này mất khoảng 3 phút.
Lầu Năm Góc sẽ có khoảng 30 giây đến 1 phút để thông báo cho Tổng thống đồng thời là Tổng tư lệnh của Mỹ, cùng nhiều cố vấn khác.
Tổng thống sẽ có khoảng 12 phút để quyết định có thực hiện một cuộc tấn công đáp trả không. Lầu Năm Góc sẽ trực tiếp thực hiện cuộc tấn công đáp trả sau khi xác nhận người ban hành chỉ thị đúng là tổng thống. Việc xác nhận sẽ dựa vào một dãy mã số bao gồm các con số và ký tự.
Tiếp đó, Lầu Năm Góc sẽ truyền lệnh của Tổng thống bằng một tin nhắn gồm các mã số hệ thống, thời gian phóng, mã kế hoạch chiến tranh, mã mở vũ khí. Quá trình này mất khoảng 2 phút.
Các sĩ quan vận hành hệ thống phóng tên lửa mặt đất cũng như trên tàu ngầm sau đó sẽ xác nhận mật lệnh và thực thi.
Các tên lửa mặt đất mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ có thể tấn công mục tiêu ở nửa kia địa cầu trong vòng 30 phút. Trong khi đó, quá trình này với tên lửa từ tàu ngầm sẽ chậm hơn 10 phút, nhưng do được bố trí ở nơi gần mục tiêu hơn nên có thể vẫn bắn tới mục tiêu cùng thời điểm với các tên lửa mặt đất.
Article sourced from DANTRI.
Original source can be found here: http://dantri.com.vn/the-gioi/my-mat-bao-lau-de-dap-tra-mot-cuoc-tan-cong-hat-nhan-20170925142547968.htm