Mỹ phát triển tàu ngầm lai tàu sân bay

14:00' 21-01-2021
Mỹ từng định phát triển mẫu tàu ngầm AN-1 có thể phóng tiêm kích hồi thập niên 1950, nhưng hủy bỏ để tập trung vào siêu tàu sân bay.

Liên Xô thử vũ khí hạt nhân đầu tiên ngày 29/8/1949, phá vỡ thế độc quyền nguyên tử của Mỹ, buộc Washington thay đổi chiến lược quân sự trên toàn thế giới.

Với hơn 300.000 máy bay chiến thuật và lực lượng oanh tạc cơ hiện đại nhất thế giới sau Thế chiến II, Mỹ tin rằng cuộc chiến tiếp theo giữa các siêu cường sẽ diễn ra chủ yếu trên bầu trời. Hải quân Mỹ trong thập niên 1950 đề xuất ý tưởng đưa tàu sân bay xuống lòng đại dương bằng cách tạo ra tàu ngầm lai tàu sân bay mang định danh AN-1, nhằm đảm bảo khả năng xuất kích của phi cơ sau khi sân bay trên mặt đất bị xóa sổ.

Tàu ngầm USS Halibut di chuyển trên Thái Bình Dương năm 1968. Ảnh: US Navy.

Vào thời điểm đó, Mỹ đang thử nghiệm ý tưởng phóng tên lửa cỡ lớn từ tàu ngầm, một phần trong quá trình xây dựng bộ ba răn đe hạt nhân chiến lược. Tháng 4/1957, Mỹ đóng tàu ngầm hạt nhân USS Halibut mang được 5 tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân Regulus II, mỗi quả có kích cỡ tương đương tiêm kích cỡ nhỏ. Tên lửa Regulus II được đặt trong buồng chứa riêng trong thân tàu và phóng đi nhờ đường ray bên ngoài khi tàu nổi, thay vì khai hỏa trong trạng thái lặn như tàu ngầm hiện nay.

Hải quân Mỹ bắt đầu lên ý tưởng thiết kế tàu ngầm lai tàu sân bay AN-1 dựa trên thiết kế của USS Halibut.

AN-1 là tàu ngầm cỡ lớn, dài khoảng 152 m, rộng 13 m, tốc độ khi lặn gần 30 km/h và tầm hoạt động không giới hạn nhờ động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân. Để tự vệ, tàu được trang bị 8 ống phóng ngư lôi với 6 ống phía trước và hai ống phóng ở đuôi tàu.

Sức mạnh thực sự của AN-1 là 8 tiêm kích do Boeing thiết kế, được để trong hai nhà chứa trong thân tàu. Để triển khai máy bay, tàu ngầm sẽ nổi lên mặt biển trước khi phi cơ được đặt vào vị trí phóng thẳng đứng. Mỗi máy bay được lắp một vài tầng đẩy sơ tốc, giúp chúng đạt độ cao và tốc độ cần thiết trước khi kích hoạt động cơ chính.

Các tên lửa đẩy sẽ tách khỏi tiêm kích sau khi phóng và được thu hồi để tái sử dụng. Theo dự kiến, tàu ngầm lai tàu sân bay AN-1 có thể phóng 4 tiêm kích trong vòng 6 phút hoặc cả 8 tiêm kích trong chưa đến 8 phút. Đây được coi là con số rất ấn tượng vào thập niên 1950, dù vẫn thua kém tốc độ triển khai tối đa 3 máy bay mỗi phút trên tàu sân bay lớp Nimitz hiện nay.

Tên lửa Regulus II được phóng từ một tàu ngầm trên Thái Bình Dương năm 1958. Ảnh: US Navy.

Giới chuyên gia cho rằng AN-1 là vũ khí hữu ích trong xung đột quy mô lớn, bởi chúng có thể ẩn mình trong lòng biển, âm thầm áp sát lãnh thổ Liên Xô hoặc Trung Quốc để phóng chiến đấu cơ trang bị vũ khí hạt nhân từ những hướng đối phương ít ngờ tới. AN-1 cũng có thể tạo tuyến phòng thủ đầu tiên của Mỹ tại các vùng biển quanh châu Á và châu Âu. Khả năng ẩn mình của tàu ngầm lai tàu sân bay sẽ có tác dụng răn đe, khiến đối phương không dám tấn công hạt nhân Mỹ.

Tuy nhiên, cục diện quân sự thay đổi nhanh chóng những năm sau đó với sự ra đời của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Việc các cường quốc áp dụng học thuyết "đảm bảo hủy diệt lẫn nhau" (MAD) cũng khiến không một quốc gia nào dám khơi mào chiến tranh hạt nhân, góp phần tạo ra sự ổn định chiến lược trên toàn thế giới.

Những yếu tố này khiến Mỹ hủy dự án AN-1 khi mới trong giai đoạn thiết kế để tập trung đầu tư mạnh vào các siêu tàu sân bay uy lực và linh hoạt hơn.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Relax For Life Japanese Massage Chairs Vùng: Peakhurst. Phone: 02 8307 0878
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/tham-vong-phat-trien-tau-ngam-lai-tau-san-bay-cua-my-4222782.html