Mỹ nỗ lực tháo ngòi căng thẳng ở Trung Đông

06:00' 10-08-2024
Mỹ và các quốc gia Arab đang chạy đua để ngăn một cuộc chiến toàn diện bùng nổ ở Trung Đông, trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và cấp phó Kamala Harris ngày 5/8 họp cùng các cố vấn trong Phòng Tình huống Nhà Trắng để thảo luận về khả năng Iran tập kích Israel và vụ tấn công rocket do dân quân thân Tehran thực hiện nhằm vào căn cứ Al Asad ở Iraq khiến 5 binh sĩ Mỹ bị thương.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tại Trung Đông leo thang, sau sự kiện thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát ở Iran hôm 31/7. Iran và Hamas đều cáo buộc Israel là thủ phạm và cam kết sẽ trả đũa. Tel Aviv không nhận trách nhiệm song cũng không phủ nhận. Iran cho rằng Mỹ cũng phải chịu trách nhiệm vì Washington ủng hộ Tel Aviv.

Nếu Iran đáp trả Israel bằng biện pháp quân sự, mâu thuẫn giữa hai bên có thể bùng phát thành cuộc chiến tổng lực nhấn chìm Trung Đông. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang dẫn đầu nỗ lực ngoại giao nhằm gián tiếp gây áp lực lên Iran. Ông đề nghị Ai Cập, Iraq cùng một số quốc gia Arab kêu gọi bất kỳ phản ứng nào từ Iran hay các nhóm dân quân Tehran hậu thuẫn đều phải kiềm chế.

"Không bên nào được phép leo thang xung đột", ông Blinken phát biểu với báo giới ngày 6/8. "Chúng tôi đang nỗ lực ngoại giao với các đồng minh và đối tác, truyền tải thông điệp đó đến Iran, Israel".

Hiện chưa rõ Mỹ và các đồng minh Arab có thể kiềm chế đòn đáp trả của Iran ở mức độ nào, và liệu Washington có ngăn được Tel Aviv "đổ thêm dầu vào lửa" hay không.

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tại cuộc họp báo ở Washington ngày 13/3. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Jordan Ayman al-Safadi đã thăm Tehran cuối tuần trước để kêu gọi các bên bình tĩnh. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức Jordan cấp cao đến Iran trong hơn 20 năm.

Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty ngày 3/8 có cuộc điện đàm hiếm hoi với người đồng cấp Iran Ali Bagheri Kani để kêu gọi kiềm chế. Động thái diễn ra sau khi chính quyền Tổng thống Biden đề nghị chính quyền Tổng thống Abdel Fatah El-Sisi liên hệ với Iran, theo một cựu quan chức Ai Cập.

Một quan chức Iraq nói ông Blinken ngày 4/8 đã điện đàm với Thủ tướng Mohmmed Shia al-Sudani, kêu gọi Baghdad "làm bất cứ điều gì có thể" và sử dụng quan hệ với Tehran để truyền tải tầm quan trọng của việc xuống thang căng thẳng.

Trong cuộc điện đàm với ông Blinken ngày 5/8, Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani nói ông đã chuyển lời đến giới chức Iran rằng Tehran sẽ là "bên thua cuộc nặng nề nhất" nếu họ chọn leo thang xung đột, một quan chức thạo tin nói.

Giới chức Iran thông báo với các đối tác Arab rằng quân đội nước này "sẽ tính toán kỹ" khi đáp trả Israel và sẽ trao đổi với các nước nhanh về tình hình, quan chức trên bổ sung.

Iran đã đề nghị Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) họp ngày 7/8 để ủng hộ quyền đáp trả của Tehran. OIC gồm 57 quốc gia, trụ sở ở Jeddah, Arab Saudi, tự mô tả nhóm là tiếng nói tập thể của thế giới Hồi giáo.

Trong tuyên bố chung sau cuộc họp, OIC cho rằng "Israel phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về đòn tập kích tàn bạo", đồng thời bày tỏ lo ngại những diễn biến gần đây có nguy cơ đẩy khu vực chìm trong xung đột. Nước chủ nhà Arab Saudi lên án vụ ám sát ông Haniyeh là "vi phạm trắng trợn" chủ quyền Iran.

Chính quyền Tổng thống Biden tin Iran, đang trong quá trình chuyển tiếp quyền lực và kinh tế gặp khó khăn, sẽ muốn tránh một cuộc xung đột tổng lực. Dù vậy, giới chức các nước Arab vẫn đề cao cảnh giác.

"Tôi không nghĩ các nước Arab có thể làm được điều gì khác", cựu quan chức Ai Cập nói. "Iran đã có tính toán của họ và sẽ thực hiện nó".

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian (phải) tiếp Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi ngày 4/8. Ảnh: Al Jazeera

Hàng loạt hãng hàng không trên thế giới đã hủy chuyến bay đến Tel Aviv của Israel và thủ đô Beirut của Lebanon. Chính phủ các nước phương Tây kêu gọi công dân lập tức rời Lebanon.

Hezbollah, lực lượng được Iran hậu thuẫn ở Lebanon, cũng tuyên bố sẽ đáp trả Israel, sau khi Tel Aviv ngày 30/7 hạ sát "cánh tay phải" của thủ lĩnh nhóm. "Chúng tôi có thể đáp trả đồng loạt, hoặc từng thành viên trong Trục Kháng chiến hành động với thời gian, mục tiêu và phương thức của riêng mình", thủ lĩnh Hezbollah Hasan Nasrallah cảnh báo, nhắc đến các đồng minh chống Israel.

Mỹ đã điều thêm khí tài, bao gồm một phi đội F-22 và các tàu khu trục, đến Trung Đông nhằm tăng cường phòng thủ cho lực lượng Mỹ và Israel. Trong khi đó, Israel tuyên bố nước này sẵn sàng đối phó nếu bị tập kích.

Khu vực Trung Đông. Đồ họa: CNN

Nếu Iran đáp trả trực tiếp Israel, đây sẽ là lần thứ hai Tehran tấn công Tel Aviv trong vài tháng. Iran ngày 14/4 phóng hơn 300 tên lửa, UAV vào lãnh thổ Israel, sau khi cáo buộc Tel Aviv đã tập kích tòa lãnh sự Iran ở Syria hồi đầu tháng đó.

Trong sự kiện này, khoảng 99% vũ khí của Iran đã bị Israel, với sự hỗ trợ từ liên quân do Mỹ dẫn đầu, trong đó có Anh, Pháp, Qatar, Ai Cập, Jordan, Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain, bắn hạ. Đây là cuộc tấn công trực diện đầu tiên của Iran vào lãnh thổ Israel sau hàng chục năm đối đầu căng thẳng.

Nếu Iran và Hezbollah, đều sở hữu nhiều tên lửa, đồng loạt tấn công lần này, hệ thống phòng không của Israel có nguy cơ không đủ sức đánh chặn. Trong khi đó, việc các quốc gia Arab có hỗ trợ Israel như tháng 4 hay không vẫn là ẩn số.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

SUPA VALU Vùng: Delahey. Phone: 9362 1207
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/my-dong-minh-arab-chay-dua-thao-ngoi-bom-hen-gio-o-trung-dong-4779009.html