Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công bố quyết định trong chuyến thăm Fiji ngày 12/2, khi họp trực tuyến với lãnh đạo 18 đảo quốc Thái Bình Dương. Ông nhấn mạnh Washington dành nhiều quan tâm đến khu vực.

Trong thông báo gửi tới quốc hội, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết người dân Quần đảo Solomon trân trọng lịch sử với người Mỹ trên chiến trường Thế chiến II, nhưng Mỹ có nguy cơ mất quan hệ ưu tiên khi Trung Quốc "ráo riết tìm cách lôi kéo" các chính trị gia và doanh nhân ưu tú ở Quần đảo Solomon. Kế hoạch mở lại đại sứ quán ở Solomon sau 29 năm sẽ giúp Mỹ đối trọng sức ảnh hưởng từ Trung Quốc tại quốc đảo đang diễn ra bất ổn chính trị.

Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày chỉ trích Trung Quốc "sử dụng những lời hứa phóng đại, các khoản vay hạ tầng với rủi ro tốn kém và những đòn bẩy nợ nguy hiểm" để cưỡng ép những quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, giới chức Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc từ Mỹ và phương Tây rằng nước này theo đuổi chiến lược "ngoại giao bẫy nợ" nhằm giành kiểm soát những hạ tầng có lợi thế địa chính trị trong khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trong chuyến thăm Fiji ngày 12/2. Ảnh: Reuters.

Mỹ đóng đại sứ quán ở thủ đô Quần đảo Solomon vào năm 1993, hạ cấp độ hiện diện ngoại giao xuống lãnh sự quán, trực thuộc đại sứ quán ở Port Moresby, thủ đô Papua New Guinea.

Một nhà ngoại giao Mỹ cho biết kế hoạch mở lại đại sứ quán tại Quần đảo Solomon nhằm củng cố mạng lưới nhân viên ngoại giao Mỹ trên toàn khu vực. Động thái này nhằm tăng cường tiếp cận với các quần đảo Thái Bình Dương, liên kết chương trình hành động và nguồn lực của Mỹ với nhu cầu thực tế, đồng thời xây dựng quan hệ giữa nhân dân các nước.

Kế hoạch trở lại Quần đảo Solomon được Ngoại trưởng Blinken công bố vài tháng sau khi nước này bùng phát làn sóng bạo loạn chính trị.

Khoảng 800.000 người cuối năm ngoái tham gia các cuộc biểu tình leo thang bạo lực, đe dọa tòa nhà quốc hội và phá hoại khu vực có cộng đồng người gốc Hoa sinh sống ở thủ đô Honiara. Làn sóng bạo loạn được châm ngòi bởi phe đối lập chống Thủ tướng Manasseh Sogavare, do những bức xúc của người dân về tình trạng đói nghèo, thất nghiệp và cạnh tranh giữa các đảo. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định tâm lý bài xích Trung Quốc cũng góp phần khiến căng thẳng leo thang vượt kiểm soát.

Vị trí Quần đảo Solomon (trong khung màu cam) và Australia. Đồ họa: Britanica.

Tiết lộ với truyền thông hôm nay, một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ nhận định "có nhiều chỉ dấu rõ rệt Trung Quốc muốn tạo quan hệ quân sự ở Thái Bình Dương".

Bắc Kinh cuối năm ngoái tuyên bố sẽ gửi cố vấn cảnh sát và thiết bị chống bạo động đến hỗ trợ quần đảo sau khi lực lượng gìn giữ hòa bình rút quân. Chính phủ Quần đảo Solomon tháng 12/2021 thông báo đã chấp nhận đề nghị đón 6 đặc phái viên từ Trung Quốc giúp huấn luyện cảnh sát nước này, cùng nhiều trang thiết bị chống bạo động "không gây sát thương".

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/my-mo-su-quan-o-quoc-dao-de-doi-trong-trung-quoc-4426861.html