Mỹ lo ngại Trung Quốc tăng cường hoạt động ở Biển Đông giữa đại dịch Covid-19
Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt ()
Theo CNN, trong tuần qua, trang web bằng tiếng Anh của quân đội Trung Quốc đã đăng tải các bài viết về các cuộc tập trận hải quân quy mô lớn. Ngoài ra, quân đội Trung Quốc cũng công bố tăng cường các ngành công nghiệp quân sự ở Vũ Hán, nơi dịch Covid-19 khởi phát.
Các cuộc tập trận ở Biển Đông diễn ra trong bối cảnh tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt đi qua vùng biển này trên đường tới đảo Guam, nơi tàu đang neo đậu sau khi hơn 170 ca mắc Covid-19 được phát hiện trên tàu.
Chỉ huy của USS Theodore Roosevelt, Đại tá Brett Crozier, đã bị sa thải hồi tuần trước sau khi một bức thư trong đó ông cảnh báo cần có hành động khẩn cấp nhằm bảo vệ các thủy thủ bị rò rỉ với báo chí.
Một tàu sân bay khác của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương, USS Ronald Reagan, cũng đang đối mặt với nhiều ca mắc Covid-19, một quan chức quốc phòng Mỹ hồi tuần trước tiết lộ. Tàu này đang neo đậu tại Yokosuka, Nhật Bản để bảo dưỡng.
Cuối tuần tuần trước, một cơ sở thứ 2 của hải quân Mỹ tại Nhật bản, căn cứ hải quân Sasebo, đã thông báo có trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên. Các trường hợp mắc khác cũng được xác nhận tại các cơ sở quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc.
Tổng cộng, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo ghi nhận hơn 1.500 ca mắc Covid-19 trong các hàng ngũ của lực lượng này.
Lầu Năm Góc đã thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát sự lây lan của virus trong quân đội, trong đó có việc dừng hoạt động di chuyển binh sĩ giữa các cơ sở trên khắp thế giới và hủy các hoạt động huấn luyện, thậm chí lùi một số hoạt động huấn luyện cơ bản đối với những tân binh.
Tất cả các động thái đó đều gây ảnh hưởng tới các binh sĩ, trong đó có sự mệt mỏi của những người đang mong chờ được luân chuyển về Mỹ hay thiếu sự làm quen với các sứ mệnh hoặc thiết bị do việc huấn luyện không thể diễn ra.
Mỹ lo ngại
Thứ trưởng quốc phòng Mỹ về quan hệ công chúng Jonathan Hoffman hồi tuần trước cho biết với các phóng viên rằng Lầu Năm Góc có các đánh giá rủi ro hàng ngày để mong phục hồi khả năng hoạt động đầy đủ nhanh hơn.
Nhưng CNN dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng, tại Biển Đông, bất kỳ sự giảm bớt hoạt động nào dù là trong ngắn hạn cũng có thể tạo ra kẽ hở để quân đội Trung Quốc tận dụng.
“Tôi cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng các thách thức về Covid-19 của hải quân Mỹ để gia tăng vị thế ở Biển Đông bằng cách gia tăng sự hiện diện và hoạt động ở đó theo ý muốn trong khi Mỹ đang gặp khó khăn”, Carl Schuster, một chỉ huy hải quân Mỹ về hưu và cựu giám đốc các hoạt động tại Trung tâm tình báo phối hợp thuộc Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, nhận định.
Trung Quốc đơn phương đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông và đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp trái phép tại đây. Mỹ từ lâu đã cáo buộc Bắc Kinh quân sự hóa các đảo thông qua việc triển khai thiết bị quân sự và xây dựng các cơ sở quân sự.
Trong một bài phát đăng tải trên trang web tiếng Anh hồi tuần trước, quân đội Trung Quốc nói rằng “sự bùng phát của dịch Covid-19 đã làm giảm đáng kể khả năng triển khai tàu chiến của hải quân Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Các tàu sân bay, với khả năng chứa 90 máy bay chiến đấu và trực thăng, là các tài sản hữu hinh và quan trọng nhất của hải quân Mỹ.
Nhưng trong bối cảnh tàu Roosevelt bị cách ly tại Guam trong một thời gian dài, không rõ là nó sẽ được thay thế như thế nào trong vai trò ở Biển Đông. Mặc dù Mỹ có 11 tàu sân bay trong hạm đội nhưng các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân cần đại tu toàn diện và bảo dưỡng dài hạn thường xuyên nên không nhiều tàu có thể được triển khai cùng lúc.
Hiện chỉ có 5 tàu sân bay của hải quân Mỹ sẵn sàng triển khai tính tới ngày 30/3. Một trong số những tàu này là Roosevelt, một tàu khác là Reagan, 2 tàu khác được triển khai ở vịnh Péc-xích và một tàu ở bờ biển miền đông nước Mỹ.
Chuyển một tàu sân bay từ một địa điểm này tới một địa điểm khác có thể khiến khu vực mà nó rời đi dễ bị tổn thương.
Theo ông Schuster, việc sự sẵn sàng của Mỹ bị ảnh hưởng có thể khiến Trung Quốc có được lợi thế để tiến hành nhiều cuộc tập trận hơn ở Biển Đông như đã các cuộc tập trận trong tháng 3.
Nhưng trong một tuyên bố phát đi ngày 6/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tiếp tục tập trung vào việc hỗ trợ các nỗ lực quốc tế nhằm chống lại đại dịch toàn cầu, và chấm dứt việc lợi dụng sự mất tập trung hoặc dễ bị tổn thương của các quốc gia khác để mở rộng yêu sách phi pháp tại Biển Đông”.
Về phần mình, Trung Quốc luôn bác bỏ các cáo buộc cho rằng nước này đang lợi dụng đại dịch để giành ảnh hưởng địa chính trị.
Quân đội Trung Quốc cũng khẳng định rằng lực lượng này không đối mặt với những mối lo ngại về Covid-19 giống như Mỹ, cho biết một tháng trước rằng chưa có một binh sĩ, thủy thủ hay phi công nào mắc bệnh.
Dù cộng đồng quốc tế hoài nghi về tuyên bố của Trung Quốc, nhưng theo ông Schuster, Trung Quốc có một số lợi thế trong việc kiểm soát, hoặc có thể giấu, số ca nhiễm trong lực lượng hải quân.
Trong khi hải quân Mỹ hoạt động dàn trải trên khắp Thái Bình Dương, rất xa các cảng nhà và thực hiện các cuộc tuần tra dài thì các tàu của hải quân Trung Quốc chỉ hoạt động trên biển dưới 30 ngày và di chuyển gần căn cứ, cho phép họ “thay thế các thủy thủ mắc bệnh nếu xảy ra”.
“Các cuộc triển khai tại Biển Đông, Hoa Đông hay các chuyến thăm cảng ở nước ngoài cũng vậy. Các tàu đi, thực hiện các cuộc tập trận chỉ 5-10 ngày rồi lại trở về cảng nhà, nơi các hạn chế về an ninh có thể ngăn công chúng biết về các ca lây nhiễm nếu có”, ông Schuster nhận định.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: https://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2760132